Hàng chục triệu trẻ em trên khắp thế giới đã không được tiêm phòng sởi do các chương trình tiêm phòng bị gián đoạn bởi Covid-19.

Kể từ tháng 3, các dịch vụ tiêm chủng cho trẻ em định kỳ đã bị gián đoạn trên quy mô chưa từng thấy kể từ những năm 1970, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Dữ liệu do UNICEF, Liên minh Gavi, WHO và Viện Vaccine Sabin thu thập được hồi tháng 5 cho thấy các chương trình tiêm chủng đã bị ảnh hưởng nặng nề ở ít nhất 68 quốc gia, khiến 80 triệu trẻ em dưới một tuổi không được bảo vệ khỏi các bệnh bao gồm sởi, uốn ván, bại liệt và sốt vàng da.

leftcenterrightdel
 Nhân viên của Tổ chức Bác sĩ không biên giới lái xe chở vắc-xin sởi đến vùng sâu vùng xa của tỉnh Mongala thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo

Mặc dù các chương trình tiêm chủng đã bị đình trệ ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, việc khó tiếp cận các trung tâm y tế, thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) cho các nhân viên y tế và nỗi sợ nhiễm Covid-19 đã góp phần gây ra sự gián đoạn trong việc thực hiện các chương trình tiêm chủng.

Ít nhất 30 chương trình tiêm phòng sởi đã hoặc có nguy cơ bị hủy bỏ, theo Trưởng ban Tiêm chủng của UNICEF, ông Robin Nandy.

“Chúng tôi đã thấy sự gia tăng các ca mắc bệnh sởi trên toàn cầu trong hai năm qua, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, vì vậy rõ ràng là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, chúng tôi càng phải cảm thấy lo ngại hơn,” ông Nandy nói.

“Những ổ dịch này không chỉ nằm ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém ở Châu Phi hoặc Nam Á. Chúng còn xuất hiện tại một số quốc gia có thu nhập trung bình ở châu Mỹ, chẳng hạn như Brazil, Venezuela và Mexico. Trong năm 2019, tỷ lệ tiêm phòng sởi ở một số nơi tại các quốc gia nói trên giảm tới 20%.”

Trên toàn cầu, tháng 11 năm 2019 đã chứng kiến số ca mắc sởi lớn nhất được báo cáo kể từ năm 2006, theo UNICEF. Tại Campuchia, nơi được coi là đã loại bỏ hoàn toàn được bệnh sởi năm 2015, thời điểm xuất hiện ca dương tính Covid-19 đầu tiên vào tháng 1 trùng khớp với thời điểm 84 trường hợp mắc bệnh sởi được ghi nhận. Đến đầu tháng 5, khi đã có 341 trường hợp mắc sởi, các đội tiếp cận đã buộc phải đi đến từng nhà, và trong một số trường hợp, phải đi thuyền để duy trì các dịch vụ tiêm chủng định kỳ. Đến cuối tháng, số ca nhiễm bắt đầu giảm.

Ông Nandy cho biết các chiến dịch tiêm phòng sởi đã được triển khai ở một số quốc gia khác, bao gồm Cộng hòa Trung Phi (CAR), Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Ethiopia, Nepal và Nam Sudan.

leftcenterrightdel
 Nhân viên y tế tập hợp dân làng ở Macau, tỉnh Mongala, để nâng cao nhận thức về chương trình tiêm phòng sởi

Ở Cộng hòa Trung Phi, nơi tuyên bố dịch sởi lan rộng toàn quốc vào tháng 1, hơn 26.000 trường hợp mắc sởi đã được ghi nhận trong bảy tháng qua, điều phối viên hoạt động của Tổ chức Bác sĩ không Biên giới (MSF) khu vực Trung Phi và Congo, ông Emmanuel Lampaert nói.

“Bộ Y tế đang lên kế hoạch thực hiện chiến dịch tiêm chủng vào tháng 8, nhưng thách thức chính cho đến nay là thiếu các thiết bị bảo hộ y tế,” theo ông Lampaert.

MSF đã tiêm vắc-xin cho 332.228 trẻ kể từ tháng 2, nhưng theo ước tính, vẫn còn hơn 1,9 triệu trẻ em cần được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi. Hôm nay, tổng số trường hợp mắc sởi đang giảm, với khoảng 350 trường hợp mắc mới trong hai tuần qua, giảm từ 2.000 trường hợp mỗi tuần vào thời điểm giữa tháng 3. Nhưng chúng tôi biết rằng chúng tôi chưa ghi nhận được hết các ca mắc và các ca tử vong vì có sự chậm trễ trong việc truyền dữ liệu giám sát tình trạng bệnh dịch.

Tại Congo, nơi dịch sởi đã hoành hành kể từ tháng 6 năm 2019, tất cả 26 tỉnh vẫn bị ảnh hưởng và gần 1.000 trẻ em đã chết vì bệnh sởi trong năm nay, ông Lampaert nói.

“Mức độ ảnh hưởng của đại dịch rất khủng khiếp, với hơn 7.000 trẻ em thiệt mạng kể từ đầu năm 2019 và 380.000 người mắc bệnh. Tại Thủ đô Kinshasa, số lượng người được tư vấn tiêm chủng suy giảm nghiêm trọng vì nhiều người sợ rằng họ sẽ bị nhiễm Covid khi đến các cơ sở y tế thiếu các thiết bị bảo vệ, hoặc sợ bị cô lập và bị kỳ thị trong một thời gian dài do sự chậm trễ trong việc nhận được kết quả kiểm tra,” ông Lampaert cho biết.

leftcenterrightdel
Bé Mbise Kosenge, 3 tuổi, cùng mẹ tại một khu cách ly cho bệnh nhân sởi ở tỉnh Mongala. Do không được tiêm phòng, bé mắc bệnh sởi và nhanh chóng bị suy dinh dưỡng 

“Tình trạng này ảnh hưởng đến việc chăm sóc người bệnh và theo dõi quá trình điều trị của họ, đặc biệt đối với các tình trạng như tiểu đường, lao, sốt rét và HIV/Aids. Ở những khu vực khác của Congo, một số người không coi Covid-19 là có thật, họ không tin nó tồn tại hoặc xem nó như bệnh của người ngoại quốc.”

Đại dịch đã buộc các quốc gia phải thực hiện đổi mới ở cấp địa phương khi họ tiếp tục các chương trình tiêm chủng của mình. Tất cả việc này đều cần được thực hiện trong bối hoạt động vận tải bị ngừng trệ, thiếu đồ bảo hộ y tế và tình trạng giãn cách xã hội, ông Nandy nói.

“Ở Brazil, họ đã thử những phương pháp như tiêm vắc-xin ngay trên ô tô để mọi người không phải rời khỏi xe. Ở Tanzania, họ đang thực hiện tiêm chủng dưới những cây khác nhau để đảm bảo giãn cách xã hội,” ông nói.

“Các quốc gia cần học hỏi lẫn nhau, từ cả những đổi mới tốt và xấu, bởi vì chúng ta không có các kế hoạch có thể được đưa ra áp dụng cho tất cả các nơi.”

Trần Minh Tuấn (Theo The Guardian)