Trong một tuyên bố chung cuối tuần qua, Hiệp hội Thẩm phán Tunisia cho biết, cuộc đình công của các thẩm phán sẽ không dừng lại và tiếp tục kéo dài sang tuần thứ 2.

Trước đó, hôm 1/6, Tổng thống Tunisia đã ra quyết định sa thải 57 thẩm phán, sau khi cáo buộc họ tham nhũng, thông đồng và bảo vệ những người bị buộc tội trong các vụ khủng bố.

Trước những cáo buộc này, Hiệp hội Thẩm phán Tunisia cho rằng, chủ yếu có động cơ chính trị. Cuộc đình công đầu tiên bắt đầu vào ngày 4/6 tại tất cả các cơ quan tư pháp.

Quyết định sa thải các thẩm phán của Tổng thống Saied đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích cả trong và ngoài nước.

Tố chức Minh bạch Quốc tế (TI) cũng lên tiếng cho rằng, "Tổng thống Tunisia đã sa thải 57 thẩm phán, cáo buộc họ tham nhũng và các tội danh khác mà không có bằng chứng xác thực".

Tunisia ban đầu nổi lên như câu chuyện thành công của Mùa xuân Ả Rập, lật đổ chế độ độc tài kéo dài 24 năm của Zine El Abidine Ben Ali vào tháng 1/2011. Đất nước này nhanh chóng phát triển một nền dân chủ đa đảng và tổ chức nhiều cuộc bầu cử tự do và công bằng. Chính phủ mới đã thể hiện các nỗ lực chống tham nhũng, với việc thành lập ngay một cơ quan chống tham nhũng.

Năm 2014, một hiến pháp tiến bộ được thông qua và tiếp tục tập trung vào các nỗ lực chống tham nhũng. Họ đã thành lập một cơ quan chống tham nhũng độc lập đầy đủ, thông qua Luật Bảo vệ người tố cáo vào năm 2017, thông qua Luật Bổ sung hệ thống hóa quyền truy cập thông tin cho tất cả mọi người và thành lập một tòa án đặc biệt để xem xét các tội phạm tài chính phức tạp.

leftcenterrightdel
Ảnh: Hasan Mrad / Shutterstock 

Tuy nhiên, vấn đề đã nổi lên khi đất nước có quá nhiều đảng phái, với tổng số gần 200 người cạnh tranh trong 4 cuộc bầu cử được tổ chức trong thập kỷ kể từ khi chính phủ mới được thành lập. Điều này đã cản trở tiến độ với sự chia rẽ sâu sắc. Các nỗ lực thiết lập một tòa án hiến pháp độc lập để cung cấp các kiểm tra và cân đối cho các nhánh lập pháp và hành pháp cũng không thành công.

Khi các đảng rạn nứt và nội chiến, người dân trở nên thất vọng và trong cuộc bầu cử năm 2019, ông Kais Saied đã giành được chiến thắng vang dội khi đặt việc chống tham nhũng làm trọng tâm trong chương trình hành động của mình.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Kais Saied đã chứng kiến nhiều vấn đề không mong đợi cho người dân Tunisia.

Cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi đất nước độc lập (năm 1956) đã xảy đến. Các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra.

Ngày 25/7/2021, Tổng thống Kais Saied đã sa thải Thủ tướng, đình chỉ Quốc hội, nắm quyền hành pháp và bắt đầu cầm quyền bằng việc ban hành các sắc lệnh.

Tiếp đó là sự thay đổi của các biện pháp và chính sách chống tham nhũng. Ngay sau các cuộc biểu tình, ông Kais Saied đã đóng cửa cơ quan chống tham nhũng. Ông còn đề nghị các doanh nhân liên quan đến các vụ án tham nhũng được ân xá nếu họ đầu tư vào các dự án nhà nước...

Vào tháng 4/2022, Tổng thống Saied đã giải tán Hội đồng Tư pháp cấp cao và giành quyền kiểm soát Ủy ban Bầu cử.

Theo TI, Tunisia cần đối thoại, trách nhiệm giải trình và một quy trình chính trị minh bạch và bao trùm để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại. Đối với việc tìm kiếm sự trợ giúp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để điều hướng tình hình kinh tế đang suy sụp, Tunisia cũng cần có chính sách chống tham nhũng rõ ràng để đảm bảo nguồn lực đến tay những người Tunisia đang cần và không bị lợi dụng bởi những kẻ tham nhũng.

Hoài Phương