Tham nhũng tình dục và lỗ hổng pháp lý

Catherine Mazorodze đã phải từ bỏ việc làm thuê tại nông trại ở tỉnh Manicaland của Zimbabwe vì công việc nặng nề quá với sức của cô. Cô trở thành một người vô gia cư, nghèo khổ và tuyệt vọng. (Trước đó, cô ở trong một ngôi nhà nhỏ của chủ trang trại cùng với bà của mình).

Mazorodze nghe được thông tin về cơ hội có một mảnh đất cho riêng mình, do các nhà chức trách Chisumbanje, làng của cô, đưa ra. Tuy nhiên, cô đã sớm nhận ra cái giá mình phải chi trả để nhận về cơ hội.

“Lãnh đạo khu vực nói với tôi rằng, tôi còn trẻ và không được giao đất, vì chính sách này dành ưu tiên cho người già. Ông ấy ngang nhiên nói, nếu tôi muốn có một mảnh đất... tôi phải làm tình với ông ấy. Vì tuyệt vọng và nghèo đói, tôi đã đồng ý với các điều khoản ông ấy đưa ra", Mazorodze (37 tuổi) nói với Thomson Reuters Foundation (tổ chức từ thiện của Hãng thông tấn Reuters).

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), ở Zimbabwe, đất đai được phân bổ không đồng đều, và phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ khu vực nông thôn, phần lớn được xem là người phụ thuộc vào nam giới, không phải là chủ đất hoặc nông dân có quyền riêng. Mazorodze cho biết, cô không phải là người duy nhất bị buộc phải trao đổi tình dục cho đất đai trong sự tuyệt vọng. Và cô cũng thêm rằng, hầu hết phụ nữ mà cô biết đều quá xấu hổ khi nói ra những trải nghiệm của mình.

Mazorodze là một nạn nhân của bóc lột tình dục, một dạng tham nhũng đang gia tăng buộc phụ nữ phải cung cấp tình dục để đổi lấy đất đai, việc làm hoặc cơ hội việc làm, theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế Zimbabwe (TIZ).

Bóc lột tình dục là một hiện tượng toàn cầu gây ra tác hại nghiêm trọng, chà đạp nhân phẩm và cướp đi cơ hội của phụ nữ, làm suy yếu niềm tin vào các tổ chức công.

Nhưng vấn nạn này thường rơi vào các lỗ hổng pháp lý và không bị truy tố là tội phạm tình dục hay tham nhũng, bà Marilyn Sibanda, một nhân viên pháp lý tại TIZ nói.

“Ngay lúc mà bạn đồng ý với thỏa thuận, yếu tố phạm tội đã mất đi”, bà Sibanda nói với Thomson Reuters Foundation.

“Tất nhiên, các tổ chức hoặc công ty có thể có các chính sách để mọi người tố cáo tội phạm tình dục. Nhưng người dân ở những vùng nông thôn hẻo lánh không có các biện pháp để hạn chế hình thức tham nhũng này", bà cho biết thêm.

Nghiên cứu của TIZ cho thấy, bóc lột tình dục đang trở nên phổ biến hơn ở Zimbabwe.

John Makamure, Ủy viên của Ủy ban Chống tham nhũng Zimbabwe (ZACC), cho biết, cơ quan này sẵn sàng để điều tra các vụ việc như vậy.

“Điều quan trọng là mọi người đưa ra bằng chứng về tham nhũng thuộc dạng này, sau đó ZACC mới có thể điều tra. ZACC không thể bắt đầu điều tra chỉ dựa trên yếu tố tình cảm", Ủy viên John Makamure nói.

Tham nhũng tràn lan ở nông thôn

Ở vị trí thứ 160, Zimbabwe nằm ở nhóm các nước có Chỉ số nhận thức tham nhũng thấp nhất, theo đánh giá 180 quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) về mức độ nhận thức của người dân về tham nhũng khu vực công.

Các nghiên cứu do TIZ thực hiện trên phạm vi toàn Zimbabwe vào năm 2016 cũng chỉ ra rằng, phụ nữ dễ bị lạm dụng tình dục khi cố gắng tiếp cận đất đai cho cả mục đích đất ở, kinh doanh và nông nghiệp.

“TIZ đã triển khai các văn phòng pháp lý di động ở khu vực nông thôn... Tại đây chúng tôi đã hỏi phụ nữ có biết về "bóc lột tình dục" (sextortion) hay không. Họ đều trả lời là biết và một số người xác nhận là nạn nhân của dạng tham nhũng này", bà Sibanda nói.

Nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng về bóc lột tình dục ở phía Nam tỉnh Matabeleland của Zimbabwe, nơi phụ nữ cho biết, họ bị yêu cầu quan hệ tình dục để đổi lấy quyền khai thác vàng.

Bóc lột tình dục ở thành phố

Bóc lột tình dục không giới hạn ở các vùng nông thôn, Farai Mutondoro, Chủ nhiệm các Chương trình của TIZ cho biết.

“Ở vùng đô thị, chúng tôi đã thu thập thông tin và biết rằng, do phá hủy các khu định cư và di dời bất hợp pháp, người phụ nữ phải chịu gánh nặng của bóc lột tình dục khi họ cần nơi ở", ông Mutondoro nói.

Mutondoro cho biết thêm, TIZ đã ghi lại các trường hợp tham nhũng đất đai ở Tây Nam thành phố Bulawayo - nơi phụ nữ bị loại bỏ khỏi Chương trình nhà ở và thay vào đó là các hồ sơ của nam giới.

“Dữ liệu cho thấy, các góa phụ bị dần mất tài sản vì người thân của họ mua chuộc các quan chức tại Văn phòng chứng thư và đưa vào một tên khác (trên chứng thư)", ông Mutondoro cho biết.

TIZ cũng ghi nhận trường hợp phụ nữ xác nhận họ bị khai thác tình dục để đổi lấy các gian bán hàng tự động trong thành phố.

Malandu Ncube, một Ủy viên Hội đồng thành phố Bulawayo cho biết, chính quyền đã nắm được vấn đề và kêu gọi các nạn nhân lên tiếng.

Hoài Phương