Tạo điều kiện cho kẻ gian tham

Bà Patricia Moreira - Giám đốc Điều hành của Ban Thư ký Quốc tế, TI, cho biết, các ngân hàng này đã tạo điều kiện thuận lợi cho những "kẻ gian" đánh cắp tiền công cả trong và ngoài Gambia, góp phần làm cho nền kinh tế của đất nước này bị phá hủy.

Một số ngân hàng thuộc nhóm lớn nhất thế giới, bao gồm: Barclays, Citibank, HSBC Bank và Standard Chartered đã thông qua các giao dịch tạo điều kiện thuận lợi để sự tham ô, tham nhũng của ông Jammeh được thực hiện đối với các quỹ nhà nước.

Theo bà Moreira: “Thực tế là Tập đoàn Dầu mỏ khổng lồ của Pháp - Total - đã bán dầu cho Công ty Dầu mỏ Quốc gia Gambia thông qua một công ty trung gian. Công ty này sau đó đã bị chính quyền Mỹ xử phạt, yêu cầu giải trình".

Thông tin cựu Tổng thống Gambia Yahya Jammeh bị cáo buộc tham ô 1 tỷ USD đang gây xôn xao hiện nay, nhất là sau khi Dự án Tố cáo Tham nhũng và Tội phạm có tổ chức (OCCRP) công bố báo cáo điều tra vào ngày 27/3.

Hàng nghìn tài liệu được OCCRP thu thập, bao gồm nhiều báo cáo của các ngân hàng, những bản hợp đồng, thư từ của Chính phủ, báo cáo nội bộ và cả những chỉ thị riêng của ông Jammeh đã cho thấy cách mà cựu Tổng thống này rút ruột gần 1 tỷ USD công quỹ trong suốt 22 năm cầm quyền, góp phần lớn vào làm tê liệt nền kinh tế của quốc gia nằm trong nhóm các nước nghèo nhất thế giới.

Cụ thể, tiền từ Kho bạc, Ngân hàng Trung ương, Văn phòng Phúc lợi xã hội và Công ty Viễn thông Nhà nước đã bị ông Jammeh chiếm đoạt.

Lập công ty ma, đe dọa người tố cáo

Ông Jammeh đã lập các tài khoản cá nhân tại Ngân hàng Trung ương và xây dựng một mạng lưới đồng phạm bằng cách nâng một số cán bộ, công chức có liên quan lên các vị trí cao và trao quyền cho một nhóm doanh nhân tham nhũng được lãnh đạo bởi một nhà tài chính của Hezbollah. Thậm chí, ông Jammeh đã che giấu bằng cách đe dọa những người dám đứng lên tố cáo.

Những gì không được rút về các tài khoản cá nhân đã được chuyển đến cho các doanh nghiệp nhận được những hợp đồng sinh lợi (hoặc không rõ mục đích) hay chuyển cho các công ty "ma" có địa chỉ ở nước ngoài.

“Điều quan trọng là làm sao để quy mô tham nhũng lớn như thế này không thể tái diễn một lần nữa ở đất nước Gambia”, Samuel Kaninda, cố vấn khu vực Tây phi của TI nhấn mạnh.

Cần thúc đẩy gói cải cách chống tham nhũng

Theo ông Kaninda, Gambia cần thúc đẩy gói cải cách chống tham nhũng hiện tại trước Chính phủ, đặc biệt là Luật Chống tham nhũng và hoạt động của Ủy ban Chống tham nhũng Gambia.

Chính phủ dưới thời Tổng thống Adama Barrow đã thành lập một Ủy ban để xây dựng Hiến pháp (đã bị suy yếu dưới thời ông Jammeh), để có thể cải tổ việc bảo vệ tốt hơn các quyền của công dân.

Ông Adama Barrow cũng đã thực hiện giám sát việc soạn thảo Dự luật Chống tham nhũng, theo đó, sẽ xóa bỏ, đàn áp và ngăn chặn mọi hành vi tham nhũng trong cả lĩnh vực công và tư ở Gambia.

“Tiến trình thu hồi tài sản ở nước ngoài của ông Jammeh và những người liên quan, trả lại chúng để mang về lợi ích cho người dân Gambia cần được tiếp tục đẩy nhanh, càng sớm càng tốt", TI tuyên bố.

Cựu Tổng thống Yayha Jammeh hiện đang sống lưu vong ở Guinea Xích Đạo, quốc gia có mức độ tham nhũng khu vực công cao thứ 8 trên thế giới, theo đánh giá Chỉ số Nhận thức Tham nhũng 2018 của TI (xếp thứ 172/180 quốc gia, với số điểm 16/100).

Với cáo buộc chiếm đoạt số tiền 1 tỷ USD từ công quỹ của Gambia, ông Yahya Jammeh bị tố đã điều hành đất nước như một tổ chức tội phạm trong suốt 22 năm cầm quyền... Con số 1 tỷ USD lớn gấp nhiều lần so với ước tính ban đầu được đưa ra bởi chính quyền mới của Gambia.

Cựu lãnh đạo này đã chiếm đoạt ít nhất 975 triệu USD từ năm 2011 đến năm 2016, rút trái phép 71 triệu USD từ Ngân hàng Trung ương trong vài năm, 364 triệu USD từ Công ty Viễn thông Nhà nước.

Trong một cuộc điều trần, Amadou Colley, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Gambia từ năm 2010 - 2017, cho biết, Jammeh và những người dưới quyền đã "kiểm soát đáng kể cơ quan này", thường xuyên rút tiền từ Kho bạc mà không có giấy tờ theo quy định.

Ngoài ra, tài liệu của OCCRP cho thấy trong hơn 2 năm, có ít nhất 35 triệu USD được rút ra từ một tài khoản có tên 3M tại ngân hàng Mỹ Citibank, được lập ra để nhận viện trợ từ Đài Loan.

Số tiền tham ô được sử dụng vào cuộc sống xa xỉ của Jammeh. Trong khi, theo Ngân hàng Thế giới, tính đến cuối năm 2017, Gambia phải gánh khoản nợ 489 triệu USD. Ngân hàng Trung ương nước này cũng đang nợ số tiền tương đương hơn 130% GDP, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.



Hoài Phương