Trong khi đó, các chuyên gia của khu vực cũng cho rằng, vấn nạn tham nhũng góp phần làm suy yếu các nền kinh tế trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA).
 
Khảo sát của Diễn đàn Chiến lược Arab được thực hiện tại 18 quốc gia thuộc khu vực MENA. Kết quả cho thấy, trong số 3.079 người tham gia khảo sát, có 57% nói rằng, tham nhũng là vấn đề hàng đầu của nước họ.
 
Nghiên cứu do YouGov thực hiện cũng chỉ ra rằng, người dân các nước Arab coi tham nhũng là nguyên nhân đầu tiên của những xung đột trong thế giới Arab.
 
Các chuyên gia độc lập bày tỏ quan điểm, coi tham nhũng, dù quy mô lớn hay nhỏ, kinh tế hay chính trị, là yếu tố hàng đầu của làn sóng biểu tình đang càn quét khu vực.
 
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) - liên minh toàn cầu chống tham nhũng, nói rằng, sự phẫn nộ của người dân đối với tham nhũng và những sai trái trong quản lý tài chính của Chính phủ đã “góp gió” cho ngọn lửa biểu tình rầm rộ ở Ai Cập, Iraq và Lebanon trong liên tiếp 2 tháng qua.
 
Imad Salamey, Phó Giáo sư ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Mỹ Lebanon, cho rằng, tham nhũng là nguồn gốc của sự thâm hụt tài chính, làm dấy lên các phong trào phản kháng năm 2011 được gọi với cái tên “Mùa Xuân Arab”.
 
Ông Salamey nói thêm, tham nhũng phổ biến rộng rãi trong khu vực là sản phẩm của các Chính phủ yếu kém, thiếu trách nhiệm giải trình, thiếu kiểm tra giám sát và công bằng.
 
Ông trích dẫn Tunisia và Lebanon là ví dụ về các quốc gia tham nhũng, nơi mạng lưới gia đình trị được liên kết với các chính khách.
 
Tại Lebanon, tham nhũng tràn lan đặt những người bất tài vào các cơ quan công quyền để có được sự trung thành. Những vụ tham nhũng nghiêm trọng hơn liên quan đến các nhà lãnh đạo chính trị, những người cho phép miễn trừ các tội phạm liên quan đến buôn lậu vũ trang xuyên biên giới và ma túy.
 
Theo thăm dò dư luận của YouGov, các quốc gia Arab gặp khó khăn về kinh tế cũng là nơi lo ngại nhất về tham nhũng, với 63% cho rằng tham nhũng là mối quan tâm hàng đầu.
 
Abeer Alnajjar, Giáo sư tại Đại học Sharjah (Mỹ) và nhà nghiên cứu về chính trị Trung Đông, đã mô tả tham nhũng là một cuộc hôn nhân về lợi ích giữa doanh nghiệp và chính trị ở khu vực MENA.
 
“Tham nhũng đang được nuôi dưỡng bằng sự thiếu trách nhiệm của các nhà lãnh đạo chính trị cũng như lãnh đạo doanh nghiệp Arab”, bà Alnajjar nói.

Ngọc Anh