Thay vì vẫn tổ chức hai cuộc tập trận chung với quy mô lớn là Foal Eagle (Đại bàng Non) và Key Resolve (Giải pháp then chốt) vào mùa xuân như dự kiến trước đó, Mỹ và Hàn Quốc sẽ thực hiện các cuộc tập trận với quy mô nhỏ hơn và thậm chí có thể sử dụng cả phương pháp huấn luyện trực tuyến.

Nói về điều này, giới quan chức quốc phòng khẳng định họ vẫn có thể đạt được các mục tiêu đào tạo cần thiết dù chỉ thông qua các buổi tập trận quy mô nhỏ.

Thông báo trên có thể sẽ được đưa ra trong thời gian ngắn ngay sau cuộc đàm phán không thành công giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un diễn ra tại Việt Nam vừa qua. 

Các nhà phân tích nhận định rằng đây là một hành động thể hiện sự thiện chí của Washington đối với Triều Tiên và đồng thời cũng là phương cách để giảm thiểu những xung đột có khả năng leo thang ngoài tầm kiểm soát.

Mỹ vừa qua cũng đã đình chỉ nhiều cuộc tập trận quân sự lớn như một phần nỗ lực làm giảm căng thẳng với Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh giữa hai nước tại Singapore vào năm ngoái.

Scott Snyder, một thành viên cao cấp của Bộ phận Nghiên cứu Hàn Quốc tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) cho biết, cả hai nước đều rất kiềm chế sau cuộc gặp ở Singapore, thể hiện ở những quyết định giảm bớt các cuộc tập trận dù chưa quá dứt khoát và rõ ràng.

Nhiều tháng sau hội nghị vào tháng Sáu đó, “Triều Tiên đã giảm bớt các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và phía Mỹ cũng có vẻ sẽ kiềm chế hơn khi tổ chức tập trận quân sự”, ông Snyder nói. Cụ thể, Mỹ đang “nỗ lực điều chỉnh mô hình tập trận chứ không hẳn là loại bỏ chúng hoàn toàn, mục đích là để chúng bớt có vẻ khiêu chiến hơn và để đưa ra một tín hiệu rõ ràng rằng Mỹ không thực hiện tập trận cho việc đe dọa tấn công.”

Vào thứ Sáu (ngày 01/03), giới chức trách Mỹ từ chối đưa ra bình luận công khai về tình hình của những cuộc tập trận chung, nhưng lại nói rằng họ sẽ tiến hành tiếp trừ khi Tổng thống đặc biệt ra lệnh hủy bỏ chúng. “Liên minh Mỹ - Hàn vẫn rất vững chắc. Lực lượng của chúng tôi luôn duy trì trạng thái cảnh giác cao độ và sẵn sàng hỗ trợ công cuộc ngoại giao nhằm mang lại hòa bình, thịnh vượng và ổn định cho Bán đảo Triều Tiên”, Trung tá Dave Eastburn, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho hay.

“Giờ đây, điều quan trọng là chúng ta phải có một kế hoạch linh hoạt để duy trì sự sẵn sàng nhưng vẫn đảm bảo là không mang tính khiêu chiến,” ông Snyder nói. “Thể hiện sự kiềm chế cũng ổn nhưng nín nhịn thì không phải cách hay. Điều không thể chấp nhận nổi đó như đang cấm đoán việc tập trận vậy.”

Các bước đi của Mỹ để ủng hộ các phương pháp mà Hàn Quốc và Triều Tiên đưa ra vào năm ngoái nhằm giảm căng thẳng quân sự bao gồm: thiết lập các khu vực cấm bay dọc biên giới, tạm dừng pháo binh và các cuộc diễn tập quân sự gần khu vực phi quân sự, phá dỡ một số đồn bảo vệ được trang bị vũ trang hạng nặng bên trong DMZ và tạo ra một khu vực hàng hải hòa bình. Những biện pháp để củng cố lòng tin giữa các bên cũng đang được thảo luận thêm.

Các phương pháp này đã “đặt nền tảng vững chắc cho các thỏa thuận sâu rộng hơn nhằm giảm nguy cơ tấn công bất ngờ hoặc các cuộc xung đột không chủ đích trước”.

Đầu tháng này, Mỹ và Hàn Quốc đã đi đến một thỏa thuận sơ bộ về chi phí cho gần 30.000 binh sĩ đồn trú tại Hàn. Theo Hiệp định về các biện pháp đặc biệt (SMA) được sửa đổi, Hàn Quốc sẽ tăng đóng góp tài chính lên gần 1 tỷ USD (23.230 tỷ đồng)/năm. Hiện Seoul chi khoảng 800 triệu USD/năm theo thỏa thuận 05 năm trước đó.

Trong một cuộc phỏng vấn với CBS hồi đầu tháng Hai, Tổng thống Trump cho biết ông “không có kế hoạch gì” để rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc và tuyên bố rằng sẽ “không bao giờ thảo luận về chuyện đó”, nhưng sau đó lại nói rằng “có lẽ một ngày kia” ông sẽ rút quân đội Mỹ khỏi nước này.

“Ý tôi là, ai biết trước được nào. Nhưng như mọi người biết đấy, chi phí hiện giờ cho chuyện đó thực sự là quá đắt đỏ,” ông Trump cho hay, mặc dù giới quan chức quân đội Mỹ đã nói rằng việc để quân đội đồn trú ở Hàn Quốc sẽ mất ít chi phí hơn ở Mỹ.

Thu Uyên (Theo CNN News)