Báo Jakarta Post (Indonesia) đưa tin, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Nhân quyền Yasonna Laoly đã ra kế hoạch điều chỉnh các điều khoản, điều kiện khoan hồng cho tù nhân và những kẻ phạm tội vị thành niên tại Quy định số 99/2012 của Chính phủ Indonesia.

Nếu được thông qua, việc điều chỉnh này sẽ mang tới quyết định tha tù trước hạn cho 300 phạm nhân tham nhũng từ 60 tuổi trở lên, đang thụ án cùng với 15.442 phạm nhân ma túy ở mức 5 - 10 năm tù giam, 1.457 phạm nhân đặc biệt mắc bệnh mãn tính, và 53 tù nhân nước ngoài đã thụ án 2/3 thời gian ngồi tù.

Đến nay, Bộ Tư pháp và Nhân quyền đã tha bổng cho khoảng 5.500 tù nhân để giảm thiểu việc quá tải.

Trước kế hoạch của Bộ Tư pháp và Nhân quyền, các nhà hoạt động chống tham nhũng đã cực lực phản đối, khi điều này sẽ dẫn tới cả việc thả những người bị kết án trong các đại án tham nhũng, như trường hợp cựu Chủ tịch Hạ viện Setya Novanto - người bị kết án 16 năm tù giam vì gian lận tại Dự án Căn cước công dân điện tử 5,9 nghìn tỷ Rp (424 triệu USD), làm thiệt hại 2,3 nghìn tỷ Rp ngân sách Nhà nước.

Cựu Chủ tịch Hạ viện sẽ phải ngồi tù đến năm 2034, nhưng nếu kế hoạch điều chỉnh được phê chuẩn, ông sẽ được phóng thích sớm, bởi sinh tháng 11/1955 và hiện đã 64 tuổi.

Ông Kurnia Ramadhana, nhà hoạt động của Tổ chức Giám sát tham nhũng Indonesia (ICW) cho biết, ngoài cựu Chủ tịch Hạ viện Setya, một số phạm nhân tham nhũng lớn khác sẽ đủ điều kiện được thả bao gồm: Cựu Thẩm phán Tòa án Hiến pháp Patrialis Akbar, 61 tuổi; cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Siti Fadilah, 70 tuổi; cựu Bộ trưởng Bộ Tôn giáo Suryadharma Ali, 63 tuổi; và luật sư OC Kaligis, 78 tuổi.

Theo ông Kurnia, việc thả tù nhân tham nhũng không đạt hiệu quả trong việc giảm quá tải nhà tù, vì số lượng của họ không nhiều.

“Theo dữ liệu năm 2018 của Bộ Tư pháp và Nhân quyền, Indonesia có 248.690 tù nhân, trong đó tội phạm tham nhũng chỉ chiếm 1,8% với 4.552 người”, ông Kurnia cho biết tại buổi họp báo trực tuyến ngày 2/4.

Còn nhà hoạt động Muhammad của Tổ chức Trợ giúp Pháp lý Indonesia (YLBHI) thì cho rằng, bằng việc tha bổng sớm cho những người bị kết án tham nhũng, Bộ Tư pháp và Nhân quyền đã chuyển tội tham nhũng từ một dạng tội phạm đặc biệt nghiêm trọng sang loại tội phạm thông thường.

Ngọc Anh