Chủ đề này đã được bàn luận rộng rãi trong một thời gian khá dài với nhiều quan điểm từ hai phía.

Mặt tích cực

Thông qua việc hợp pháp hóa HNĐG, nước Mỹ đã củng cố niềm tin về một xã hội công bằng và không tồn tại sự phân biệt đối xử cho người dân bằng cách hợp pháp hóa sự hợp nhất giữa hai con người cùng giới tính.

Việc hợp pháp hóa này giúp cộng đồng LGBT nước Mỹ tận hưởng niềm hạnh phúc trong xã hội. Cộng đồng này đã phải chịu rất nhiều sự phân biệt đối xử và bị phủ nhận hơn một nghìn quyền lợi liên bang gắn liền với hôn nhân, như an sinh xã hội và các bộ luật liên quan đến nhập cư. 

Đối với một số cặp đôi trên khắp nước Mỹ, cuộc chiến vì HNĐG vẫn còn tiếp diễn. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ: David Moore và David Ermold đã ở bên nhau suốt 17 năm và đã sinh sống ở Hạt Rowan 10 năm. Hai lần họ đã cố gắng xin giấy đăng ký kết hôn, lần đầu vào tháng 7 và lần thứ hai vào tháng 8. Tuy nhiên, Kim Davis, Thư ký Hạt Rowan cho rằng theo quyền sửa đổi đầu tiên của Hạt, cô có quyền từ chối cấp giấy đăng ký kết hôn đồng và tuyên bố sẽ tiếp tục từ chối họ, dù đã được lệnh phải cấp giấy bởi Thống đốc bang Kentucky Beshear và thẩm phán tòa án liên bang.

Quyền kết hôn có nhiều giá trị hơn cả quyền dân sự, nhất là về mặt tài chính. Khi các cặp đôi đồng tính giành được quyền kết hôn hợp pháp năm 2013, những người sống ở 13 bang (Arkansas, Kentucky, Georgia, Louisiana, Michigan và một số bang khác) vẫn không công nhận quyền này của họ, và hôn nhân của họ bị chối bỏ lợi ích phu thê và lợi ích tử vong từ an sinh xã hội lên đến hàng nghìn đô la mỗi năm. An sinh xã hội mang lại lợi ích cho các cặp vợ chồng mà người độc thân không được hưởng, một trong những lợi ích đó là lợi ích phu thê. Lợi ích này giúp các cặp vợ chồng có một người kiếm nhiều hơn người kia khi cả hai vẫn còn sống. Việc thanh toán của người có thu nhập thấp hơn sẽ tăng bằng một nửa số thanh toán của người còn lại. Tính trung bình, các cặp đồng tính có thể mất thêm 780 đô-la mỗi tháng, theo một báo cáo từ cuộc vận động nhân quyền.

Lợi ích tiếp theo khi HNĐG được chấp nhận là quyền lợi họ nhận được khi người kia mất đi: Nếu lợi ích an sinh xã hội của người đã qua đời lớn hơn, người kia có quyền nhận thay. Nếu chưa kết hôn, họ sẽ không được hưởng quyền này. Các cặp đôi đồng tính cũng không đủ điều kiện để thanh toán một lần 255 đô-la mà Cục An sinh xã hội yêu cầu người sống để hỗ trợ các khoản phí như chôn cất. Các cặp đôi đồng tính ở 13 bang này vẫn được coi như độc thân trong mắt cục An sinh xã hội - cho dù họ đã lập gia đình ở nơi công nhận việc kết hôn của họ. 

Nhưng từ tháng 6 năm 2015, điều này đã thay đổi khi Tòa án Tối cao ban sắc lệnh chấp thuận các cặp đôi đồng tính đến với nhau, buộc các bang này phải công nhận hôn nhân LGBT và áp dụng tất cả lợi ích liên bang giành cho các cặp vợ chồng LGBT.

Một lợi ích lớn hơn của việc hợp pháp hóa HNĐG đó là khuyến khích và xác nhận sự ổn định của gia đình đồng tính để họ được công nhận như một cặp vợ chồng bình thường, chứ không phải là một nhóm người cùng chung sống. Điều này sẽ bảo vệ trẻ đang được nuôi dưỡng trong các hộ gia đình đồng tính, giúp chúng không bị ngược đãi và nhận được sự đối xử công bằng từ xã hội. 

Lara Ramsey, bên trái, và Jane Lohmann đang chơi đùa cùng cậu con trai 7 tháng tuổi, WyattRamsey-Lohmann tại Massachusetts, tiểu bang đầu tiên chấp nhận HNĐG. Ảnh: CNN

HNĐG cũng được dự đoán sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế phát triển bởi việc cho phép các cặp đồng tính kết hôn đồng nghĩa với ngành công nghiệp kết hôn và tổ chức đám cưới sẽ thu về nhiều tiền hơn. Ví dụ, tại thành phố New York, sau khi hợp pháp hóa HNĐG, nền kinh tế thu về thêm 260 triệu đô-la. Nhờ hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, nhiều cặp đôi đồng tính nước ngoài sẽ thiên về đến Mỹ để kết hôn hoặc thậm chí để sống, qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế Mỹ. 

Nước Mỹ được hình thành với phương châm “tự do và công lý cho mọi người”. Việc hợp pháp hóa HNĐG cho thấy Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ phương châm từ ngày lập nước, qua đó, chứng minh được tầm lãnh đạo thế giới trong các vấn đề về tự do và dân chủ. 

Hiện Mỹ đã vang danh toàn cầu nhờ Bộ luật HNĐG này bởi nó cho thấy sự khoan dung và ủng hộ của nước Mỹ dành cho tất cả mọi người, mọi đối tượng.

Mặt tiêu cực 

Thể chế hôn nhân hiện nay luôn nhìn nhận hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ. Việc hợp pháp hóa HNĐG khiến nhiều người cho rằng hai người đàn ông hay hai người phụ nữ kết hôn với nhau sẽ làm hoen ố sự hợp nhất truyền thống của hôn nhân. Đề cập đến chủ đề này, ngay cả các chính trị gia cũng hết sức cẩn trọng khi bày tỏ quan điểm của họ. 

Những năm gần đây, vấn đề HNĐG mới dần lắng xuống, khi các chính trị gia hoặc không hỗ trợ hoặc không công khai tán thành. Năm 1996, Tổng thống Bill Clinton ký Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân - mà theo bộ luật này, hôn nhân được định nghĩa là giữa một người nam và một người nữ. Sau đó, chính ông cũng phủ nhận đạo luật này. 

Tổng thống Barack Obama đã phải chờ đợi đến tận năm 2012, bảy tháng trước ngày bầu cử, mới tuyên bố ông ủng hộ quyền kết hôn của người đồng tính nam và đồng tính nữ.

Trở lại vấn đề, sự hợp nhất trong hôn nhân thường đi cùng với chuyện sinh con đẻ cái bởi trẻ em là tương lai của đất nước, và một đứa trẻ không thể được sinh ra bình thường từ một cuộc hôn nhân đồng tính. Mọi đứa trẻ đều cần cả cha lẫn mẹ bởi mỗi người đều có những bài học quý báu về giới giành riêng cho chúng.

Tôn giáo hiển nhiên là trở ngại lớn nhất trong quá trình chấp nhận hôn nhân đồng tính. Nhiều người cho rằng HNĐG là chống lại lời Chúa, chống lại tín ngưỡng và những văn bản thiêng như Kinh Thánh. Theo Kito giáo và Công giáo, hôn nhân là một bí tích, đó là sự hợp nhất thiêng liêng, rằng một người đàn ông sẽ nguyện ở bên một người phụ nữ cho đến khi chết và ngược lại - đây là lời thề hết sức quan trọng trước Chúa và với Chúa. 

Năm 2012, Đức Giáo hoàng Benedict khẳng định việc chấp thuận HNĐG sẽ “đe dọa đến tương lai nhân loại” bởi con người cần sinh sản để nhân loại tiếp tục tồn tại và phát triển thịnh vượng trên Trái đất. 

Mục sư Steve Smothermon của New Mexico cho rằng ông sẵn sàng đi tù để bảo vệ tự do tôn giáo của mình, và ông không phải người duy nhất. Smothermon là một trong hơn 50.000 người đã ký cam kết bất tuân xã hội nếu Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cho phép hợp pháp hóa HNĐG trên toàn quốc.   


Những tranh cãi quanh vấn đề hôn nhân đồng tính từ nhiều năm nay vẫn luôn gay gắt và những cơn sóng ngầm vẫn còn đâu đó. Dù việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính đã được thông qua, các cặp đôi LGBT vẫn luôn gặp khó khăn và bị kì thị. Nhưng ít ra, giờ đây, họ đã có nhiều quyền tự do hơn với khuynh hướng giới tính của mình, cũng như niềm tin vào công lý để tiếp tục cuộc chiến chưa có hồi kết này.

Võ Như Uyên (Tổng hợp)