Hàng loạt các vụ bê bối bị phanh phui khiến sự nghiệp của nhiều người, điển hình là Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski tan thành sương khói.

Hiện Tổng thống Kuczynski vẫn phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định bản thân là nạn nhân của cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra, khi đối thủ lợi dụng nghi vấn cho rằng ông có liên quan đến sai phạm của Công ty Xây dựng Odebrecht S.A. (Brazil) để hạ bệ ông ngay trước thềm cuộc bầu cử.

Lực lượng chức năng tại Peru cùng nhiều quốc gia khác trong khu vực đang tiến hành diệt trừ tham nhũng tận gốc, khởi đầu từ cơ quan quyền lực cao nhất. Những tưởng việc này sẽ tạo chuyển biến tích cực cho xã hội nhưng giờ đây chỉ là sự xáo trộn, hỗn loạn và viễn cảnh tăm tối trong tương lai.

Câu hỏi đặt ra là: Làm sao vừa chống tham nhũng vừa đảm bảo phát triển kinh tế?

Bản thân Tổng thống Kuczynski được cho là làm chậm tiến độ thi công các công trình công cộng khi ban hành sắc lệnh thanh lọc danh sách nhà thầu khỏi nghi vấn, và ông đã phải ban hành luật cho phép các công ty tiếp tục hoạt động trong quá trình điều tra do các hệ lụy đến nền kinh tế ngay sau đó.

Chuyên gia quản trị doanh nghiệp Sergio Lazzarini tại Trường Kinh doanh Sao Paulo cho rằng: “Thông thường, tham nhũng giảm nghĩa là giảm rủi ro và tăng khả năng thu hút nguồn đầu tư, là tín hiệu tốt với môi trường kinh doanh. Nhưng thực tế, chống tham nhũng và phát triển kinh tế gần như là không thể diễn ra đồng thời.

Tại Brazil, cuộc điều tra quy mô lớn Carwash nhắm tới hành vi gian lận trong đấu thầu khiến 188 người bị kết án, truy thu 11,7 tỷ USD cho ngân quỹ. Nền kinh tế Brazil chao đảo do các công ty liên quan lâm vào tỉnh cảnh khó khăn vì bị hủy hoặc không có hợp đồng mới, thậm chí dẫn đến phá sản.

Monica de Bolle, chuyên gia cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế  Peterson cho rằng những hệ lụy Carwash gây ra đã làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng tại Brazil. 2% GDP đã bốc hơi trong năm 2015. “Ngành xây dựng gần như bị tê liệt. Petrobras chật vật khôi phục hoạt động kinh doanh, nhiều ngành khác chìm trong tình cảnh tương tự. Thanh lọc không tránh khỏi xáo trộn nhưng tốt hơn là tạo lối thoát để có thể vực dậy nền kinh tế”, chuyên gia Monica de Bolle nói thêm.

Khoan hồng là một trong những ý tưởng đáng giá mà theo đó, các nghi phạm hợp tác, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra để đổi mức án nhẹ hơn. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách khoan hồng cần cân nhắc kỹ lưỡng, tránh rủi ro kèm theo. Ngoài ra, khoản tiền phạt tối đa cho hành vi hối lộ tương đương với 20% thu nhập hàng năm của cá nhân, tổ chức là “đòn giáng mạnh vào nghi phạm”, Lazzarini nói.

Khi mở rộng điều tra, cho dù là công bằng chia sẻ trách nhiệm hay áp đặt trừng phạt pháp lý thì “nhiều người coi việc mua lại tài sản từ các vụ bê bối là cơ hội đầu tư tốt nhưng tâm lý vẫn e ngại do chưa có các quy định rõ ràng", nhà tư vấn chính trị tại Tập đoàn Albright Stonebridge Joel Velasco chia sẻ.

Peter Hakim, Chủ tịch Danh dự của của Tổ chức Đối thoại quốc tế ở Mỹ đã so sánh cuộc chiến chống tham nhũng ở Mỹ với hiệp ước hòa bình giữa Colombia và đội quân nổi dậy Marxist: “Để đưa ra một thỏa hiệp, người Colombia đã phải nhượng bộ mặc dù không phải ai cũng thích điều này, nhưng đó là cách duy nhất kết thúc cuộc chiến”.

Cũng theo Velasco chia sẻ, số phận của các doanh nghiệp không thể chỉ phó mặc cho các lực lượng chức năng. Dù vi phạm pháp luật hay bị chi phối bởi các yếu tố chính trị thì doanh nghiệp vẫn là công cụ và tiềm lực phát triển của các quốc gia. “Chúng ta cần nhưng không thể xây dựng đường cao tốc hay khai thác dầu mỏ, nhưng Petrobras và Odebrechts thì có thể”.

Chống tham nhũng mà không kìm hãm tăng trưởng kinh tế chưa bao giờ được xem là dễ dàng. Nên chăng cần tăng cường giám sát bằng cách xây dựng các cơ quan độc lập, loại bỏ suy nghĩ về quyền lợi đảm bảo bất di bất dịch trong tiềm thức. Bên cạnh đó, thay vì thi hành các chính sách giám sát gò bó kém hiệu quả, cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia góp ý hoàn thiện hơn khung pháp lý.

Vấn đề này sẽ được thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ “Lãnh đạo quốc gia và chống tham nhũng” được tổ chức tại Peru vào tháng tới.

Phạm Thục Trinh