Các nhà tổ chức ước tính 22.000 người tham dự cuộc biểu tình hòa bình. Cảnh sát không xác nhận một con số chính thức.

Bà Emma Amiconi cho biết ý tưởng cho cuộc biểu tình hôm thứ Bảy đã lóe lên khi một chiếc xe buýt của thành phố bị cháy hồi tháng Năm năm ngoái. Bà Emma Amiconi là một trong sáu nhà tổ chức "Roma Dice Basta", tạm dịch ‘Rome đã nói đủ rồi’. "Người dân đang vô cùng bất mãn với cuộc sống hàng ngày", bà nói với CNN.

Các nhà tổ chức đổ lỗi cho Virginia Raggi, nữ thị trưởng đầu tiên của Rome và một đại diện của Phong trào Năm Sao. Họ cho rằng phong trào này thiếu kinh nghiệm lãnh đạo để điều hành một thành phố phức tạp như Rome.

"Chúng tôi phải nghe những lời nói dối hàng ngày từ thị trưởng rằng mọi thứ đều ổn, rằng họ đang cố gắng khắc phục sự cố của chính quyền thành phố tiền nhiệm. Nhưng sự thật là họ không có kinh nghiệm gì cả," bà Amiconi cho biết.

Một trong số những vấn đề lớn nhất là thu gom rác thải lẻ tẻ. Việc đó đã khiến chuột, mòng biển và thậm chí cả lợn rừng bới tung cả mớ hỗn độn thối rữa.

Lorenzo Laurenti, một nhà sinh vật học tham dự cuộc biểu tình, giương một poster cho thấy hình ảnh của một số sự xuống cấp ở trung tâm thành phố Rome.

"Rome đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất mà tôi từng thấy trong cuộc đời tôi trong hai năm qua", anh nói với CNN, ám chỉ khoảng thời gian Phong trào Năm Sao đang nắm quyền.

"Chúng tôi đang ở đây để nói Basta! (tạm dịch: Đủ rồi!) Không! Đây là thành phố vĩnh cửu, một trong những thành phố đẹp nhất trên thế giới, vì vậy chúng ta phải chữa lành, phải yêu thương thành phố này. Chính quyền này không hề yêu thương thành phố của chúng tôi. Đây là thù ghét.”

Một người biểu tình cầm cờ EU tại Quảng trường Piazza del Campidoglio của Rome trong một cuộc biểu tình hôm thứ Bảy chống lại sự xuống cấp của Thủ đô do Phong trào Năm Sao.

Giao thông công cộng hiện đang đặt ra một vấn đề lớn.

42% xe buýt và xe điện của thành phố không thể hoạt động vì cần phải bảo trì hoặc do đã quá cũ không sử dụng được nữa, Hiệp hội Mobilitiamo Roma cho biết.

HIệp hội này đã tổ chức trưng cầu dân ý về việc tư nhân hóa công ty vận tải công cộng.

Vụ cháy xe buýt cuối tháng Năm vừa rồi đã xảy ra cách Đài phun nước Trevi hai khu nhà. Hành khách trên xe đã buộc phải được sơ tán nhanh chóng.

Những vấn đề này dẫn đến các dịch vụ vận tải công cộng không đáp ứng đủ nhu cầu. Hành khách phải chờ rất lâu tại các điểm dừng xe buýt và các tài xế, những người cũng chán ngấy với chính quyền, thường xuyên đình công.

Nhưng những vấn đề nghiêm trọng cũng tồn tại với cơ sở hạ tầng. Hôm thứ Ba, 24 người hâm mộ bóng đá người Nga tại Rome đã bị thương khi một thang cuốn xuống một ga tàu điện ngầm trung tâm tăng tốc và sau đó đổ sập.

Văn phòng Công tố viên của Rome đang điều tra vụ việc. Một đại diện từ ATAC, công ty vận tải công cộng của Rome, nói rằng "tất cả các đợt kiểm tra bảo trì thang cuốn được thực hiện thường xuyên và tất cả các thang cuốn đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật”.

Những ổ gà trên đường thì cực kỳ nguy hiểm, thậm chí đã gây chết người, đặc biệt là khi đường ngập vì các cống thoát nước mưa không được thông tắc thường xuyên.

Mùa hè năm ngoái, sau khi một phụ nữ trẻ qua đời khi chiếc xe máy của cô đâm vào ổ gà, một nhóm những người dân thành phố Rome bắt đầu sơn những vòng tròn màu xanh lục và vàng bằng sơn huỳnh quang quanh các hố sâu để cảnh báo tài xế.

Một số người tham dự cuộc biểu tình hôm thứ Bảy đã khoác mình trong hàng rào xây dựng màu cam để phản ánh mối quan ngại của họ về cơ sở hạ tầng.

Một số thì khoác lên người những tấm lưới căng xung quanh công trường xây dựng để thể hiện mối quan ngại của họ về cơ sở hạ tầng.

"Rome không thuộc về người La Mã, mà thuộc về cả nhân loại," bà Amiconi phát biểu. "Chúng ta có nghĩa vụ phải quan tâm chăm sóc thành phố này."

Trần Minh Tuấn (Theo CNN)