Cải cách Hiến pháp sẽ cắt giảm thời gian, rút ngắn nhiệm kỳ cho chính Tổng thống và các thành viên của Quốc hội, ông Vizcarra nói trước Quốc hội hôm 28/7. Theo kế hoạch trước đó, cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2021 và đề xuất bầu cử sớm sẽ cần được phê chuẩn thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.
 
Tổng thống Vizcarra nhậm chức vào tháng 3/2018, sau khi ông Pedro Pablo Kuczynski từ chức giữa bê bối tham nhũng liên quan Công ty Xây dựng Odebrecht (Brazil). Ông Vizcarra cho rằng, người dân đã và đang mất niềm tin vào Chính phủ. “Chúng ta hãy lấy lại niềm tin của người dân và để thấy đất nước của chúng ta, tất cả mọi người, bất kể thuộc đảng phái chính trị nào, cùng nhau đoàn kết trong cuộc chiến chống tham nhũng… Tiếng nói của người dân phải được lắng nghe”, Tổng thống nói trong bài diễn văn tại lễ kỷ niệm Quốc khánh Peru (28/7).
 
Hiện, nhiệm kỳ Tổng thống và nhiệm kỳ Quốc hội Peru kéo dài 5 năm và sẽ kết thúc đúng hạn vào năm 2021. Tuy nhiên, Tổng thống Peru muốn cải cách Hiến pháp để rút ngắn nhiệm kỳ của Quốc hội và Tổng thống của mình, vào ngày 28/7/2020.
 
Đề xuất của Tổng thống Peru được đưa ra sau khi ông đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội hồi đầu tháng 6/2019. Trước đó, hồi tháng 5, Tổng thống Peru cũng đã đe dọa giải tán Quốc hội nếu các đề xuất chống tham nhũng của ông không được thông qua.
 
Ông Vizcarra đang muốn đẩy mạnh các chính sách cải cách chống tham nhũng của mình, trong đó có lệnh cấm những người bị kết án vì tội tham nhũng giữ các vị trí trong cơ quan công quyền, siết chặt việc tài trợ cho việc tranh cử và chấm dứt quyền miễn trừ truy tố với các nghị sĩ bị điều tra nhận hối lộ.
 
Peru đã bị cuốn vào vụ bê bối tham nhũng kể từ khi nhà thầu Odebrecht (Brazil) thừa nhận hối lộ vào năm 2016 để giành được các hợp đồng xây dựng sinh lợi trên toàn khu vực. Trong đó, Odebrecht thừa nhận đã chi ít nhất 29 triệu USD hối lộ cho các quan chức Peru từ năm 2004.

Vụ bê bối làm chấn động cả khu vực Nam Mỹ, khiến 4 Tổng thống Peru phải lao đao. Trong đó, Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski phải từ chức khi còn đương nhiệm năm 2018 và bị bắt hôm 10/4 vừa qua. Các cựu Tổng thống Ollanta Humala và Alejandro Toledo bị liên đới.

Cựu Tổng thống Peru Alan Garcia đã tự sát bằng súng sau khi cảnh sát ập vào nhà riêng ở Thủ đô Lima để bắt giữ ông vì cáo buộc nhận hối lộ. Người tiền nhiệm của ông Garcia, cựu Tổng thống Alejandro Toledo, bị bắt giữ vào tháng 7 này tại California (Mỹ), theo đề nghị dẫn độ của cơ quan chức năng Peru để điều tra về những cáo buộc tham nhũng trong thời gian tại vị.
 
Tổng thống Vizcarra cho biết, tham nhũng đã gây thiệt hại cho đất nước, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và Quốc hội đã không làm đủ để thoát khỏi vấn nạn này.
 
Cũng theo ông Vizcarra, Chính phủ của ông sẽ tìm cách thay đổi Luật Khai thác đã tồn tại 30 năm và theo đuổi các dự án để vực dậy nền kinh tế.
 
Các cải cách của Vizcarra nhằm giảm bớt những quy định và khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực như: Nông nghiệp, du lịch và đưa ra một kế hoạch mới cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo Tổng thống Peru, các đề xuất cải cách có thể khôi phục tăng trưởng đến trên 5%.

Hoài Phương