Đại học Oxford đã ban hành lệnh cấm vô thời hạn việc chấp nhận các khoản hỗ trợ nghiên cứu hoặc tài trợ từ Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc Huawei. 

Một số Chính phủ đang hết sức lo ngại về việc liệu các sản phẩm của Tập đoàn này có gây rủi ro cho an ninh quốc gia hay không.

Quyết định này xuất hiện một ngày sau khi các công tố viên Mỹ thông báo đã mở một cuộc điều tra Tập đoàn Huawei với cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại từ các công ty của Mỹ. 

Berlin cũng được cho là đang cân nhắc các biện pháp để loại tập đoàn này ra khỏi việc triển khai cơ sở hạ tầng di động 5G ở Đức.

Đại học Oxford cho biết, lệnh cấm tài trợ của Huawei có liên quan đến những lo ngại chung trong những tháng gần đây xung quanh mối quan hệ đối tác của Anh với Huawei.

Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson và các nghị sĩ trong Ủy ban Đặc biệt về vấn đề đối ngoại đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về vai trò của Huawei trong việc triển khai cơ sở hạ tầng 5G.

“Chúng tôi hy vọng những vấn đề này có thể được giải quyết trong thời gian ngắn và sẽ chú ý tới sự sẵn sàng của Huawei trong việc trấn an các Chính phủ về vai trò và hoạt động của mình”, Đại học Oxford cho biết. “Trường sẽ tiếp tục với các dự án nghiên cứu hiện được đồng ý và ký kết, những dự án mà đã nhận được tài trợ từ Huawei.”

“Hiện tại chúng tôi đang có hai dự án như vậy, với khoản tài trợ tổng cộng từ Huawei là 692 nghìn bảng. Cả hai dự án đều được phê duyệt theo quy trình quản lý của trường trước thời điểm mức độ lo ngại về an ninh quốc gia cao như hiện tại xuất hiện.”

Theo một email về lệnh cấm quyên góp được gửi cho các sinh viên theo học chương trình tiến sĩ, mà các trích đoạn email được đăng trên Tờ South China Morning Post, các sinh viên được thông báo rằng họ vẫn có thể có thể duy trì mối quan hệ với Huawei nếu họ muốn làm như vậy.

“Nhóm [ủy ban] đã họp vào tuần trước và đã quyết định đình chỉ Huawei với tư cách là nhà tài trợ/ hỗ trợ nghiên cứu đã được phê duyệt,” email cho biết.

“Nếu bạn tiếp xúc với bất kỳ ai từ Huawei, xin lưu ý rằng quyết định này không ngăn cản bạn duy trì mối quan hệ với họ nhưng chúng tôi khuyên bạn không nên thảo luận về thông tin bí mật hoặc các thông tin về quyền sở hữu.”

Phát ngôn viên của Huawei cho biết: “Chúng tôi không được thông báo về quyết định này và đang chờ đợi lời giải thích đầy đủ của Trường Đại học Oxford. Là một công ty công nghệ tư nhân, thuộc sở hữu của nhân viên, với sự đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, chúng tôi tin rằng các quyết định liên quan đến hợp tác, ví dụ như hợp tác nghiên cứu, phải được dựa trên các bằng chứng cụ thể.”

“Chúng tôi đã hoạt động ở Anh từ năm 2001, thuê 1.500 người ở đây và hợp tác lâu dài với 20 trường đại học khác của Vương quốc Anh, hợp tác với họ để nghiên cứu các công nghệ của tương lai.”

Năm 1998, các trường đại học Vương quốc Anh quyết định từ chối tiền từ các công ty thuốc lá hỗ trợ các việc nghiên cứu ung thư. Tuy nhiên, Đại học Oxford đã phải đối mặt với những chỉ trích vì nhận khoản tài trợ 75 triệu bảng từ tỷ phú Nga Len Blavatnik và tài trợ từ Công ty Dầu mỏ Shell.

Chi tiết về lệnh cấm tài trợ của Huawei đã xuất hiện ngay sau khi các báo cáo cho rằng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sẽ điều tra vụ cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại từ các công ty Mỹ của công ty có trụ sở tại Thâm Quyến Huawei.

Thời báo Hoàn Cầu của Nhà nước Trung Quốc cho biết những động thái mới nhất là một hình thức của chủ nghĩa McCarthy trong lĩnh vực công nghệ nhằm mục đích chính trị hóa và ngăn chặn các doanh nghiệp Trung Quốc. 

Hồ Tây Tân (Hu Xijin), biên tập viên của tờ báo này cho biết, ông tin rằng thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc đã đạt đến mức độ cuồng loạn.

Huawei từng là trung tâm của mâu thuẫn Trung-Mỹ, mà đỉnh điểm với vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu ở Canada, Giám đốc Tài chính Tập đoàn và là con gái của người sáng lập Nhậm Chính Phi.

Bà phải đối mặt với lệnh dẫn độ về Mỹ vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Cha của bà từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc và Đảng Cộng sản, là một trong những yếu tố tiếp tục gây ra sự nghi ngờ về Huawei ở một số quốc gia.

Công ty đã bị cấm tham gia công tác triển khai mạng di động 5G ở Ấn Độ, New Zealand và Úc, bị chặn mua lại các công ty ở Mỹ và bị Lầu Năm Góc cấm bán điện thoại trên các căn cứ quân sự của Mỹ.

Trần Minh Tuấn (Theo The Guardian)