Thực hiện các kế hoạch về việc đánh giá công tác PCTN đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quyết định của Thanh tra Chính phủ ban hành "Bộ Chỉ số và tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh" và các văn bản hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

UBND tỉnh Sơn La đã ban hành các kế hoạch, quyết định để triển khai, thành lập Tổ Đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh, giao cho một phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, các thành viên là lãnh đạo của các sở, giao Thanh tra tỉnh là Cơ quan Thường trực chủ trì triển khai, thực hiện. 

Ngày 29/11 vừa qua, UBND tỉnh Sơn La đã có Báo cáo số 428/BC-UBND gửi Thanh tra Chính phủ về việc tổng kết, đánh giá công tác PCTN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2019. 

Đạt nhiều kết quả quan trọng

Qua đánh giá công tác PCTN của tỉnh Sơn La giai đoạn 2016 - 2019, theo thang điểm quy định, năm 2016 tỉnh Sơn La đạt 58,65/100 điểm, năm 2017 đạt 60,24/100 điểm, năm 2018 đạt 54,04/100 và năm 2019 đạt 54,03/100 điểm.

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện pháp luật PCTN, hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch công tác PCTN trên địa bàn tỉnh; nội dung của kế hoạch đã tập trung vào triển khai, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, các văn bản chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về PCTN, về thực hiện hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng theo quy định của Luật PCTN.

Người đứng đầu các đơn vị, địa phương đã nghiêm túc chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch PCTN của đơn vị minh. Nội dung kế hoạch của các đơn vị đã bám sát các nội dung đề ra trong kế hoạch của UBND tỉnh, tập trung thực hiện công tác phổ biến tuyên truyền các quy định pháp luật, các văn bản chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về PCTN, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, nhất là việc công khai minh bạch trong hoạt động, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, kê khai tài sản, thu nhập...

Công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về PCTN tiếp tục được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện, tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức.

Các trường THPT thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường cao đẳng, dạy nghề thuộc tỉnh, Trường Đại học Tây Bắc và Trường Chính trị tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy; việc tuyên truyền công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PCTN của cấp ủy, chính quyền các cấp được thực hiện thường xuyên.

Kết quả đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2019 nội dung này đạt 3/3 điểm, theo thang điểm của Bộ Chỉ số.

Việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong hoạt động theo quy định của Luật PCTN, nhất là công khai việc thực hiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính; chế độ, chính sách, quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công; trong tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm; hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo... duy trì hoạt động thường xuyên số điện thoại “đường dây nóng”, địa chỉ hộp thư điện tử để tiếp nhận các thông tin tố cáo, phản ánh liên quan đến hành vi tiêu cực, tham nhũng…

Thông qua việc công khai, minh bạch đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nắm bắt kịp thời thông tin để giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Nhà nước. 

Năm 2019, kết quả đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh một số nội dung đạt điểm cao: Việc thực hiện công khai chính sách pháp luật trên cổng thông tin điện tử, đạt 1/1 điểm; việc công khai trong công tác tổ chức cán bộ, đạt 1,5/1,5 điểm; việc công khai trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, đạt 1,5/1,5 điểm; việc công khai trong lĩnh vực tài chính, ngân sách Nhà nước, đạt 1,45/1,5 điểm, theo thang điểm của Bộ Chỉ số.

Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, các tổ chức thanh tra đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan cùng cấp trong việc tham mưu xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; giúp người đứng đầu kịp thời nắm tình hình, tổng hợp báo cáo công tác PCTN theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. 

Cơ quan công an tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để thực hiện tốt công tác nắm tình hình, tổ chức điều tra, đấu tranh hiệu quả với tội phạm tham nhũng.

Viện Kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, cơ quan tòa án các cấp và kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án tham nhũng.

Kết quả đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2019 nội dung này đạt 2/2 điểm, theo thang điểm của Bộ Chỉ số. 

Việc thu hồi tài sản tham nhũng, các cơ quan thanh tra phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan trong khối nội chính trong hoạt động thanh tra, nhất là trong thanh tra kinh tế - xã hội, PCTN.

Kịp thời báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với những vụ việc phức tạp, sai phạm nghiêm trọng có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, chuyển sang cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Kết quả đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2019 nội dung này đạt 2/2 điểm, theo thang điểm của Bộ Chỉ số.

Khó khăn trong công tác tổng hợp, đánh giá 

Tại báo cáo, tỉnh Sơn La cũng nhìn thẳng vào một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong công tác tổng hợp, đánh giá công tác PCTN trong giai đoạn 2016 - 2019.

Nội dung đánh giá của Bộ Chỉ số năm 2019 gồm 61 tiêu chí đánh giá, liên quan đến tất cả các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh và các đơn vị khác nên con người và thời gian thực hiện nội dung này của các đơn vị liên quan là rất lớn, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao của các đơn vị.

Công chức được giao thực hiện công tác đánh giá của các đơn vị có sự biến động lớn dẫn đến còn lúng túng trong nắm bắt, triển khai các nội dung phải đánh giá của Bộ Chỉ số.

Một số nội dung mới trong triển khai thực hiện Luật PCTN năm 2018 chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến còn khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Cũng tại báo cáo, UBND tỉnh Sơn La kiến nghị, đề xuất với Thanh tra Chính phủ nhiều nội dung; đối với bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh, giảm tải số tiêu chí đánh giá của Bộ Chỉ số theo hướng tập trung đánh giá kết quả đạt được trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Đối với việc đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn có liên quan đến công tác PCTN, đặc biệt là một số nội dung mới theo Luật PCTN năm 2018 như: Việc kiểm soát xung đột lợi ích, công tác PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước; công tác xác minh tài sản, thu nhập; quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong kiểm soát tài sản, thu nhập được quy định tại khoản 2, Điều 1, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ, để địa phương triển khai đầy đủ các nhiệm vụ phải thực hiện theo quy định của Luật PCTN.

Tổ chức tập huấn hướng dẫn phương pháp đánh giá, thu thập tài liệu kiểm chứng cho các địa phương trước khi thực hiện công tác đánh giá hàng năm để đảm bảo kết quả đánh giá được chính xác, đầy đủ theo yêu cầu của Bộ Chỉ số.

Trần Kiên