Chiều ngày 11/5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Trình bày dự thảo báo cáo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi, đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và những kết quả to lớn, toàn diện mà đất nước ta đã đạt được trên các lĩnh vực.

“Hạ cánh cũng không an toàn”

Cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm”.

Cử tri, nhân dân đồng tình về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh... Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộcấp cao.

Báo cáo dẫn chứng như vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 tại Công ty Việt Á; vụ án “nhận hối lộ” tại Bộ Ngoại giao, vụ án “thao túng thị trường chứng khoán” ở Tập đoàn FLC; “đấu giá đất bất bình thường” và phát hành trái phiếu trái pháp luật của Công ty Tân Hoàng Minh; vụ buôn lậu, xăng giả ở Đồng Nai, Quảng Ngãi… xem xét kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên có chức vụ cao, cả đương chức và đã nghỉ hưu “hạ cánh cũng không an toàn”.

Ông Đỗ Văn Chiến cũng cho biết, cử tri và nhân dân trăn trở và lo lắng khi vẫn còn một số cán bộ, công chức, viên chức tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật. 

“Cử tri và nhân dân bày tỏ sự bất bình, lên án mạnh mẽ, phẫn nộ đối với những hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, có sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, đảng viên, làm giảm lòng tin của nhân dân”, ông Chiến nói.

Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, cử tri, nhân dân mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, bị can bỏ trốn; công khai, minh bạch kết quả điều tra, xét xử để nhân dân giám sát.

Khởi tố, điều tra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp

Trong phiên họp sáng cùng ngày, báo cáo về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ khẳng định đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và dư luận quan tâm.

Công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng được thực hiện nghiêm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đồng ý với Chính phủ về nội dung này.

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ/2.038 bị can; truy tố 742 vụ/1.594 bị can; xét xử sở thẩm 737 vụ/1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó khởi tố mới 125 vụ án, 259 bị can về tội tham nhũng.

Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 4 vụ án/23 bị can, khởi tố mới 7 bị can trong 3 vụ án, khởi tố bổ sung tội danh 4 bị can trong 2 vụ án. Cùng với đó, kết thúc điều tra, điều tra bổ sung 5 vụ án/134 bị can; truy tố 3 vụ án/34 bị can; xét xử sơ thẩm 2 vụ án/14 bị cáo, xét xử phúc thẩm 1 vụ án/4 bị cáo.

Các cơ quan tố tụng đã khởi tố 8 cán bộ diện Trung ương quản lý (1 thứ trưởng; 1 nguyên thứ trưởng; 1 nguyên chủ tịch UBND tỉnh; và 5 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nhấn mạnh công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục đạt được nhiều kết quả, “không dừng, không nghỉ”.

Tuy nhiên, theo bà, “mảng phòng ngừa còn hơi hạn chế”. “Bên cạnh chống, thì phải tăng cường các giải pháp phòng ngừa tham nhũng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

Hương Giang