Xây dựng Đảng trong sạch

Hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác tổ chức xây dựng Đảng luôn được các tỉnh ở Tây Nguyên đề cao. Các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum… luôn sâu sát đường lối của Đảng, xây dựng lề lối làm việc, tổ chức Đảng thực sự khoa học, dân chủ, sát thực tiễn.

Ở khu vực Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai đẩy cao PCTN để trong sạch nội bộ, xây dựng bộ máy với người có tài, có đức; loại bỏ những trường hợp chen chân vào bộ máy Nhà nước để mưu đồ cá nhân.

Ông Hồ Văn Niên giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai bắt đầu từ tháng 6/2020. Trong gần một nhiệm kỳ, cùng với công cuộc PCTN, tiêu cực của Trung ương, Gia Lai đã và đang đẩy mạnh, đưa việc xử lý cán bộ sai phạm vào đúng khuôn “không có vùng cấm”.

Là Trưởng ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh Gia Lai, ông Hồ Văn Niên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chức năng khởi tố, kỷ luật các cán bộ cấp tỉnh (ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên, chủ tịch huyện…).

Mới nhất là trường hợp để thất thoát hơn 4 tỷ đồng tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Gia Lai, khiến ông Hồ Văn Điềm, đương kim ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và bà Đinh Thị Giang (Trưởng ban Dân tộc, Hội đồng Nhân dân tỉnh; sai phạm thời điểm giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) bị khởi tố, khai trừ Đảng. Sai phạm của 2 người này được nhận định là thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để kế toán cơ quan chiếm đoạt 4 tỷ đồng tiền quỹ Covid-19, quỹ giảm nghèo của cơ quan.

Tại Sở Nội vụ, ông Huỳnh Văn Tâm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở, tiếp tay để kế toán cơ quan chiếm đoạt 575 triệu đồng ngân sách.

Sau khi qua giữ chức Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai, sai phạm bị phát giác, ông Tâm bị khai trừ Đảng, bị buộc thôi việc, bị khởi tố và phải nhận bản án 30 tháng tù treo. Cấp dưới của ông Tâm, đồng phạm trong vụ án, một phó chánh văn phòng sở bị cách chức, còn kế toán nhận 9 năm tù về tội tham ô tài sản.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về GDĐT; tham mưu UBND tỉnh các kế hoạch, chương trình, dự án, chính sách phát triển giáo dục tại địa phương… Thế nhưng, mới đây vào tháng 4/2024, ông Nguyễn Tư Sơn phải ra tòa về hành vi phạm tội ở thời điểm giữ chức Giám đốc Sở GDĐT. Ông Sơn bị tuyên 12 tháng tù treo vì bút phê vào các gói thầu mua sắm dự án phần mềm không hiệu quả; còn cấp dưới của ông, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch nhận 15 tháng tù giam.

Kiên quyết loại bỏ cán bộ tha hóa

Trường Chính trị tỉnh Gia Lai là cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy, nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương. Tuy nhiên, nơi này cũng để xảy ra “bê bối”, khi Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh là ông Nguyễn Thái Bình (Tỉnh ủy viên) liên tục bỏ sinh hoạt Đảng hàng chục lần. Với vai trò chủ tài khoản cơ quan, ông Bình cũng để xảy ra sai phạm tài chính tại cơ quan. Ông bị kỷ luật cảnh cáo, phải điều chuyển sang làm Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, chờ đến ngày nhận sổ hưu.

Một Tỉnh ủy viên khác cũng nhận trát kỷ luật là Bí thư Huyện ủy Chư Sê Nguyễn Hồng Hà. Ông Hà bị kỷ luật khiển trách; ông Lê Đình Huấn, Phó Bí thư Huyện ủy cũng nhận kỷ luật khiển trách, cùng Chủ tịch UBND huyện này bị kỷ luật cảnh cáo. Sai phạm của những người đứng đầu huyện Chư Sê được Tỉnh ủy Gia Lai nhận định là vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các quy định về cải cách hành chính, PCTN, lãng phí; lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo… Sau đó, dù còn tuổi công tác, ông Nguyễn Hồng Hà đã làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi 2 năm (nghỉ năm 2023).

Sai phạm lũng đoạn tài chính được Gia Lai mạnh dạn bóc gỡ là tại HĐND tỉnh Gia Lai. Dưới thời Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND Nguyễn Thế Quang, Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Thị Lựu, cơ quan này dùng ngân sách chi tiếp khách trong và ngoài tỉnh, chi mua sắm, quà cáp vô tội vạ, gây thiệt hại 11,2 tỷ đồng.

Sai phạm bị phát giác, ông Quang bị kết án 8 năm 6 tháng tù; bà Lựu nhận 5 năm 6 tháng tù giam. Trước khi giữ chức Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Thế Quang là Bí thư Huyện ủy Chư Pah.

Cùng sai phạm tại cơ quan HĐND tỉnh Gia Lai, một nội dung khác được Công an tỉnh Gia Lai tách ra điều tra riêng là việc tiếp khách ngoài tỉnh không đúng quy định. Ông Vũ Tiến Anh, đương kim Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai (thay ông Nguyễn Thế Quang) đang hầu tra, được xác định có liên đới sai phạm.

Công cuộc PCTN, tiêu cực để xây dựng Đảng được Tỉnh ủy Gia Lai nhận định có nhiều ưu điểm. Đó là, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, đơn vị, địa phương tập trung xây dựng và triển khai thực hiện công tác PCTN.

Thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN, tiêu cực; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, chú trọng công tác xác minh tài sản, thu nhập thuộc thẩm quyền.

Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN, tiêu cực được đẩy mạnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, thiếu sót và xem xét, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức Đảng.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Bên cạnh đó, các tổ tham mưu, giúp việc công tác nội chính, PCTN, tiêu cực và cải cách tư pháp hoạt động nghiêm túc, có hiệu quả. Công tác PCTN khu vực ngoài Nhà nước được chú trọng. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông và Nhân dân phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn.

Vũ Linh - Nam Phong