Theo chủ nhiệm đề tài, thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều vụ việc tham nhũng phát hiện trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, bao gồm cả dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước đã được xã hội hóa.

Các hành vi tham nhũng phổ biến trong cung cấp dịch vụ công thường là thu sai chế độ để vụ lợi, nhận hối lộ để cung cấp dịch vụ sai quy định như bỏ qua một số điều kiên để cấp giấy phép, giấy kiểm định chất lượng, chứng thực hồ sơ, nhũng nhiễu người dân sử dụng dịch vụ công để vòi vĩnh, vụ lợi.

“Điều này cho thấy phòng, chống tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công chưa hiệu quả, cơ chế, chính sách, pháp luật để phòng, chống tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công chưa chặt chẽ, quy định còn thiếu và tản mác. Chưa có văn bản pháp luật quy định tổng thể về quản lý nhà nước đối với cung cấp dịch vụ công như các loại hình dịch vụ công, chủ thể có trách nhiệm, thẩm quyền, yêu cầu…” - ThS Lê Thị Thúy nói.

Mặt khác, Luật Hành chính công được kiến nghị xây dựng chứa đựng các nội dung nói trên nhưng qua nhiều lần dự thảo đã tạm dừng cho một số nội dung của dự thảo Luật chưa được đánh giá tác động kỹ lưỡng, chưa đảm bảo chất lượng và thời điểm trình chưa thích hợp. Luật này tạm dừng nhưng các quy định cần thiết liên quan đến cung cấp dịch vụ công và phòng, chống tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công nói trên cũng chưa được hoàn thiện, lồng ghép vào trong các văn bản luật khác.

Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát trên thực tế cũng chưa thường xuyên để phát hiện kịp thời các sai phạm, khiến tham nhũng, tiêu cực xảy ra có tính hệ thống và ở mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước, sự công bằng trong thụ hưởng dịch vụ công của người dân.

ThS Lê Thị Thúy cho biết, trên cơ sở mục tiêu là đề xuất quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công, đề tài triển khai 3 nội dung chính, bao gồm:

Nội dung 1: Cơ sở lý luận về phòng, chống tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công.

Nội dung 2: Thực trạng phòng, chóng tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam hiện nay.

Nội dung 3: Quan điểm và giải pháp cho việc phòng, chống tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam.

Góp ý hoàn thiện đề cương, TS Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, phần cơ sở lý luận về phòng, chống tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công cần bổ sung nguy cơ nảy sinh tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công; phần khái quát thực cung cấp dịch vụ công và tình hình tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam thời gian qua.Nên bỏ phần khái quát tình hình tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam thời gian qua; đồng thời bổ sung các yếu tố tác động đến việc cung cấp dịch vụ công.

ThS Nguyễn Sĩ Giao, Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, nội dung đề tài nghiêng nhiều về mảng phòng, chống tham nhũng mà chưa nhấn mạnh được tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công. Vì thế, ThS Giao cho rằng, đề tài cần mô tả hành vi tham nhũng, đặc điểm trong tham nhũng dịch vụ công.

TS Tạ Thu Thủy, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác phát triển, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra nhận xét, nội dung một số vấn đề chung về phòng, chống tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công cần bổ sung nguy cơ tham nhũng và một số dạng hành vi tham nhũng trong cung cấp dịch vụ công; bổ sung yếu tố tác động là quy định pháp luật về cơ cấu tổ chức.

Theo ThS Đào Thị Thu Hà, Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác phát triển, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra đề tài nên bổ sung thêm nội dung kinh nghiệm trong nước về phòng, chống tham nhũng trong cung cấp dich vụ công và cần nghiên cứu sâu hơn phương thức cung cấp dịch vụ công.

ThS Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học và Thông tin, Thư viện, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, nội dung tính cấp thiết cần xem xét lại một số ví dụ về những hành vi tham nhũng ở các bệnh viện vì những ví dụ đó không phải là dịch vụ công; bổ sung thêm căn cứ về mặt chủ thể, bao gồm chủ thể nhà nước và chủ thể được ủy quyền để từ đó đưa ra các giải pháp toàn diện; các yếu tố đảm bảo cần bổ sung yếu tố về giá của dịch vụ công.

Ngoài ra, chủ nhiệm đề tài nên nhận dạng sự khác nhau giữa dịch vụ công với không phải là dịch vụ công.

Thái Hải