Theo Chính phủ, năm 2024, tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều gần 38% so với cùng kỳ năm trước.

Các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực, trong đó có nhiều vụ án tham nhũng lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

“Điểm danh” điển hình là 2 đại án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An.

Với loại án này, Chính phủ cho hay, phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư của Nhà nước để trục lợi, nhận hối lộ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, xây dựng. Hay lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ để trục lợi.

Nói về những đại án tham nhũng, có sự cấu kết của cán bộ Nhà nước với doanh nghiệp, Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) đặc biệt lưu ý, sự “móc ngoặc” này không phải diễn ra mới đây mà có tính chất lâu dài, khi phát hiện đã là nghiêm trọng.

Ông dùng từ “rất bất ngờ” khi nói tới những vụ việc này, lý do bởi Nhân dân tưởng rằng những vấn đề này đã được giải quyết những năm vừa qua, đáng lẽ được ngăn chặn và giảm đi, nhưng thực tế không phải vậy.

“Những lúc như vậy, tôi cảm thấy giống như trời rung đất chuyển”, Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim nói.

Ông bày tỏ quan điểm đồng tình với đánh giá của Chính phủ, cũng như nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp: “Tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn phức tạp, có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất trong bộ máy Nhà nước với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi. Tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài…”.

Đồng thời, “còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh”.

Người dân phẫn nộ trước hành vi tham nhũng của nhiều quan chức

Đánh giá trên của Chính phủ, theo ông Kim, rất đúng, đầy đủ, toàn diện so với những năm trước. Ông cũng cho hay, “người dân cảm thấy phẫn nộ trước hành vi tham nhũng của nhiều quan chức, thậm chí là cán bộ cấp cao”.

Từ đó, ông đề nghị Chính phủ, trong từng vụ việc, phải nêu lên được trách nhiệm liên đới của các cơ quan theo dõi, giám sát, đánh giá, quản lý hoạt động của các doanh nghiệp cũng như việc quản lý đội ngũ cán bộ.

Bởi theo ông, qua các đại án tham nhũng “bộc lộ việc giám sát quyền lực, giám sát hoạt động công vụ của cán bộ, công chức còn yếu kém”.

Dẫn chứng sau đó, đại biểu đoàn Nam Định cho hay ông đã trực tiếp ngăn chặn một giao dịch đáng ngờ lên tới 1.000 tỷ đồng, trong khi giá trị thực của bất động sản Nhà nước không quá 100 tỷ đồng. Các bên đã bắt tay nhau nâng giá giao dịch lên cả nghìn tỷ.

“Tôi có đi thuyết phục một số cán bộ có trách nhiệm để giải quyết vấn đề này, nhưng cảm thấy họ không nhiệt tình lắm. Sau đó, gần 2h sáng, tôi dậy viết thư cho Thủ tướng. Thủ tướng sau đó chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành vào cuộc”, ông Vũ Trọng Kim kể.

Đại biểu Quốc hội cho biết, đến khi vụ việc Vạn Thịnh Phát đổ bể thì xác định vụ việc ông nói chính là giao dịch, mua bán của một công ty con của họ.

“Trước đó, tôi đã có thông tin này, vụ việc đã rõ ràng nhưng các cơ quan chức năng vào cuộc còn kém, thiếu khách quan, mất cả năm mới ngăn chặn được”, vẫn theo lời ông Vũ Trọng Kim.

Cần giải pháp đột phá để phòng, chống tham nhũng hiệu quả

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho rằng, những sai phạm về tham nhũng, tiêu cực thời gian qua cho thấy có sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực.

“Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.

Cạnh đó, việc khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thiếu bản lĩnh, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai không dám làm còn chậm, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường. Ảnh: P.Thắng 

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu lưu ý, nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng là “thực trạng đã được nhận diện rõ từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả”.

Từ đó, nhóm nghiên cứu đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.

Trong các năm 2023 và 2024 đã xảy ra nhiều vụ án tham nhũng lớn, phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến các lĩnh vực đăng kiểm, y tế, giáo dục, đấu thầu, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản…

Trên cơ sở kết quả điều tra, xử lý các vụ án nêu trên, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế- xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự trong thời gian tới.

“Chúng ta phải tiếp tục kiên trì, không dừng, không nghỉ, tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường. 

Hương Giang