Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chống lãng phí tài nguyên đất đai tại thành phố Hà Nội:

Bài 4: Vào cuộc giải cứu “đất vàng”

Đông Hà + Thanh Hoa

Thứ sáu, 20/12/2024 - 14:00

(Thanh tra) - Thành phố Hà Nội, với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị của cả nước, đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi sự tận dụng tối đa nguồn lực, đặc biệt là quỹ đất. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều dự án trên các khu vực “đất vàng” tại những vị trí đắc địa với giá trị kinh tế cao lại bị bỏ hoang trong nhiều năm.

Để giải quyết tình trạng lãng phí đất đai cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng, sự minh bạch trong quản lý, đặc biệt là trách nhiệm của các chủ đầu tư. Ảnh: Đông Hà

Lãng phí đất đai, nhất là ở các khu vực trung tâm, không chỉ là tổn thất về kinh tế mà còn làm mất đi những cơ hội phát triển bền vững của thành phố Hà Nội. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng, sự minh bạch trong quản lý và trách nhiệm của chủ đầu tư. Việc chắt chiu từng nguồn lực, tối ưu hóa giá trị của quỹ đất, không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại của thành phố Hà Nội mà còn xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong những năm tới.

Quyết liệt đánh thức “đất vàng”

Ngày 20/11/2024, tại hội nghị công bố quyết định thành lập “Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí” của UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, việc chậm triển khai dự án và quản lý không hiệu quả nguồn lực đang gây lãng phí nghiêm trọng.

Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố đã rà soát 712 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, trong đó có nhiều dự án kéo dài trên 10 năm hoặc thu hồi dang dở. “Thành phố đã đưa các dự án vào diện tháo gỡ để khôi phục vận hành. Những dự án không thể triển khai do vướng mắc pháp lý hoặc lý do khách quan đã bị thu hồi”, ông Thanh khẳng định.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TH

Trước đó, HĐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết 04 (ngày 8/4/2022) nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án chậm triển khai. UBND thành phố cũng thành lập Tổ công tác đặc biệt vào ngày 16/8/2023 để rà soát, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư.

UBND thành phố đã ban hành 17 văn bản chỉ đạo và phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện rà soát, xử lý từng dự án cụ thể. Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan thường trực đã phát hành 11 văn bản đôn đốc và tổng hợp 15 báo cáo gửi UBND thành phố và Ban Chỉ đạo Thành ủy. Ban Cán sự Đảng UBND thành phố cũng báo cáo Thường trực Thành ủy 6 lần về tiến độ xử lý.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố đã chủ trì nhiều cuộc họp với lãnh đạo quận, huyện, trực tiếp kiểm tra hiện trạng từng dự án và phân công các Phó Chủ tịch UBND thành phố theo dõi, giám sát. Thành phố đã triển khai đồng bộ các biện pháp như thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, kịp thời phát hiện vi phạm, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Nhờ các biện pháp quyết liệt, nhiều dự án được gia hạn đã khắc phục vi phạm, sử dụng đất đúng mục đích, hoàn thiện thủ tục và đưa đất vào khai thác, sử dụng. Các khoản tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cũng được nộp vào ngân sách Nhà nước. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, thành phố xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại khó khăn khi áp dụng các quy định pháp luật về đất đai do thay đổi chính sách hoặc điều kiện bất khả kháng như dịch COVID-19. Chủ tịch UBND thành phố đã kịp thời chỉ đạo các biện pháp tháo gỡ, đặc biệt đối với các trường hợp đã hết thời gian gia hạn nhưng vẫn chậm tiến độ.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII diễn ra ngày 4/12/2024. Ảnh: Viết Thành (Báo Hà Nội Mới)

Tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII diễn ra ngày 4/12/2024, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài lưu ý 7 vấn đề trọng tâm yêu cầu các cấp, ngành tập trung cụ thể hóa và chỉ đạo quyết liệt trong thời gian tới, trong đó:… “Thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là trong các lĩnh vực chi tiêu từ ngân sách nhà nước, quản lý đất đai…; tiếp tục tập trung nhận diện, rà soát các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, kéo dài nhiều năm chưa thực hiện, dự án thu hồi đất dở dang gây lãng phí để có giải pháp tháo gỡ để giải phóng nguồn lực, kiên quyết thu hồi các dự án không có khả năng thực hiện”.

Khơi thông nguồn lực lớn

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, lũy kế đến tháng 11/2024, đã có 706 dự án (chiếm 99,2%) với tổng diện tích 11.352 ha đất đã được rà soát, kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý, giao các đơn vị tiếp tục giám sát xử lý và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đầu tư và đưa đất vào sử dụng; 6 dự án (chiếm 0,8%) với tổng diện tích 81,6 ha đất, đã có quyết định chủ trương nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, đề xuất phương án xử lý.

Trong đó, có 420 dự án với tổng diện tích 9.095,6 ha đất được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, nhưng vẫn tiếp tục được giám sát theo quy định của pháp luật (tăng 10 dự án so với 6 tháng đầu năm 2024).

292/712 dự án với tổng diện tích 2.337,9 ha đất đã có chỉ đạo thực hiện, tiếp tục giám sát, đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau thời gian gia hạn 24 tháng, kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng dịch bệnh Covid 19 theo quy định của pháp luật (giảm 10 dự án so với 6 tháng đầu năm 2024).

Trong số này, 97 dự án với tổng diện tích 318,4 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng: UBND thành phố quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng (42 dự án được kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng dịch bệnh COVID-19 theo quy định của pháp luật).

189 dự án với tổng diện tích 1.937,9 ha đất, đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm được UBND thành phố giao các Sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã giám sát, tiếp tục đôn đốc thực hiện đối với từng dự án.

6 dự án với tổng diện tích 81,6 ha đất, đã có quyết định chủ trương nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đang tiếp tục kiểm tra để đề xuất phương án xử lý cụ thể.

Trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục rà soát các hạn chế, khó khăn, vướng mắc khi áp dụng các quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai 2024 và các Nghị định hướng dẫn thi hành tại các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố để đánh giá, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Nghiên cứu đề xuất tháo gỡ các vướng mắc về đầu tư, đất đai đảm bảo sớm đưa đất vào sử dụng, tránh lãng phí cho xã hội và khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai.

Tiếp tục cập nhật thông tin, rà soát các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất; tổ chức phân loại các nhóm dự án chậm triển khai, phân công thanh tra, kiểm tra, kết luận đối với từng dự án, đề xuất các giải pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Kiểm tra định kỳ việc thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư. Thường xuyên rà soát, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn thành phố giải quyết các khó khăn, vướng mắc ngay từ ban đầu.   

“Đối với các trường hợp chây ỳ, không thực hiện đúng đủ nghĩa vụ tài chính, không đủ năng lực, UBND thành phố quyết định thực hiện các biện pháp kiên quyết để xử lý thu hồi, chấm dứt thực hiện. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc thực hiện các thủ tục, quy trình điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để kéo dài thời gian thực hiện dự án, chậm đưa đất vào sử dụng”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông khẳng định.

Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội (HNREA) Nguyễn Thế Điệp đánh giá UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và quyết liệt trong chỉ đạo từ cấp trên xuống dưới, nhờ đó, một khối lượng công việc lớn đã được hoàn thành trong thời gian ngắn. Trước đó, công tác xử lý gặp phải sự chậm trễ kéo dài.

“UBND thành phố Hà Nội cần tiếp tục duy trì sự quyết liệt này, bởi quỹ đất chưa được triển khai còn quá lớn, gây lãng phí nhiều nguồn lực quốc gia, trong khi Thủ đô vẫn cần diện tích đất lớn để phát triển hạ tầng phục vụ kinh tế - xã hội”, ông Điệp chia sẻ.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính. Ảnh: NVCC

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực công, đặc biệt là tài nguyên đất. Đây là vấn đề cốt lõi trong bối cảnh quỹ đất đô thị ngày càng hạn hẹp, đòi hỏi sự tối ưu hóa để phục vụ phát triển kinh tế xã hội và cải thiện chất lượng sống của người dân.

Ông Long cũng bày tỏ sự kỳ vọng vào những thay đổi mạnh mẽ từ phía lãnh đạo Trung ương và chính quyền Hà Nội. Đặc biệt, sự quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm trong việc tuyên chiến với các hành vi lãng phí đã tạo động lực thúc đẩy toàn hệ thống chính trị và cơ quan quản lý vào cuộc. Chính quyền thành phố Hà Nội cũng đang thể hiện quyết tâm cao trong việc rà soát, xử lý các dự án bỏ hoang và hoàn thiện các chính sách liên quan.

“Với sự đổi mới về cơ chế, chính sách, cùng việc áp dụng các biện pháp chế tài nghiêm khắc, sẽ không còn ai dám phớt lờ hoặc để xảy ra tình trạng lãng phí đất đai như trước đây. Điều này không chỉ góp phần khôi phục hiệu quả sử dụng đất đai, mà còn tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, bền vững, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây sẽ là bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo tài nguyên đất đai được sử dụng đúng mục đích, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng và quốc gia”, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 4: Vào cuộc giải cứu “đất vàng”

Bài 4: Vào cuộc giải cứu “đất vàng”

(Thanh tra) - Thành phố Hà Nội, với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị của cả nước, đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi sự tận dụng tối đa nguồn lực, đặc biệt là quỹ đất. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều dự án trên các khu vực “đất vàng” tại những vị trí đắc địa với giá trị kinh tế cao lại bị bỏ hoang trong nhiều năm.

Đông Hà + Thanh Hoa

14:00 20/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm