Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chống lãng phí tài nguyên đất đai tại thành phố Hà Nội:

Bài 3: Ai chịu trách nhiệm khi tài nguyên quốc gia bị lãng phí?

Đông Hà + Thanh Hoa

Thứ tư, 18/12/2024 - 08:00

(Thanh tra) - Hàng nghìn khu đất, công trình xây dựng, dự án bị bỏ hoang ở thành phố Hà Nội là minh chứng rõ ràng cho sự lãng phí nghiêm trọng nguồn tài nguyên quốc gia. Đây không chỉ là thất thoát kinh tế mà còn là bài toán lớn về quản lý đô thị và trách nhiệm của các bên liên quan. Ai phê duyệt dự án, ai giám sát, chủ đầu tư nào để xảy ra tình trạng này?

Khu đất có diện tích hàng chục nghìn m2 toạ lạc tại vị trí đắc địa của thành phố Hà Nội bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí lớn. Ảnh: Đông Hà

Trách nhiệm cần được làm rõ, bởi đất đai không chỉ là tài sản mà còn là cơ hội phát triển, hiện đang bị lãng phí qua từng ngày.

Đau xót đất bỏ hoang, dân sống tạm bợ

Lãng phí nguồn lực đất đai không chỉ phơi bày những bất cập trong quy hoạch và quản lý đô thị mà còn làm nổi bật góc khuất về cuộc sống khốn khó của người dân. Thật xót xa khi giữa lòng thành phố Hà Nội, bên những khu đô thị mới bỏ hoang, cỏ mọc um tùm là những cảnh đời lam lũ, nơi người dân phải chấp nhận sống trong những căn nhà tạm bợ, mòn mỏi chờ đợi qua năm tháng.

Tại quận Hoàng Mai, dự án khu tái định cư và nhà ở thấp tầng tại phường Yên Sở đã kéo dài hơn một thập kỷ nhưng vẫn chưa thể về đích. Theo kế hoạch ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành vào quý IV/2020, nhưng đến nay, phần nhà tái định cư mới đạt khoảng 85% khối lượng hợp đồng. Trong khi đó, phần hạ tầng kỹ thuật đấu giá chỉ hoàn thành san nền khoảng 60% khu đất. Một hộ dân vẫn chưa đồng ý với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và đã đưa vụ việc ra tòa, khiến dự án tiếp tục bị đình trệ.

Cũng tại quận Hoàng Mai, từ năm 2004, UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định thu hồi 35ha đất để giao cho Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi triển khai dự án này. Tuy nhiên, sau gần 2 thập kỷ, dự án vẫn chỉ là những bãi đất trống, cỏ mọc quá đầu người, gây lãng phí nghiêm trọng tài nguyên đất và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của các hộ dân xung quanh. Điều đáng nói là khu đất thực hiện dự án nằm ở một trong những vị trí đắc địa bậc nhất quận Hoàng Mai, tiếp giáp với nhiều khu đô thị hiện đại và công viên lớn. Một số người dân nơi đây cho biết, dự án đã làm đảo lộn cuộc sống, tước đi kế sinh nhai và buộc họ phải sống trong cảnh tạm bợ, cơ cực.

Một dự án khác cũng gây nhiều bức xúc là dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư cao tầng phục vụ di dân giải phóng mặt bằng - N01 tại ô đất D17, Khu đô thị mới Cầu Giấy. Dự án nằm trên phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, vốn được thiết kế để tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng, phục vụ mở rộng tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài và di dân Khu đô thị mới Cầu Giấy. Tổng mức đầu tư dự án, sau 3 lần điều chỉnh, đã tăng lên hơn 421 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2010-2012, nhưng đến nay vẫn dang dở. Nhiều tòa nhà bị bỏ hoang, xuống cấp, rêu phong phủ kín, gây lãng phí nghiêm trọng và làm xói mòn niềm tin của người dân.

Suy giảm nguồn lực quốc gia

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng lãng phí đất đai kéo dài tại thành phố Hà Nội. Ông nhận định, dù đất nước còn chưa giàu, nhiều dự án vẫn bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí nghiêm trọng, góp phần làm suy yếu nguồn lực quốc gia.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Nhà nước cần sớm xây dựng cơ chế hiệu quả để phòng ngừa và xử lý triệt để tình trạng các dự án, công trình bị bỏ hoang. Ngay từ khâu lập quy hoạch, phải thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, có tầm nhìn dài hạn để tránh lãng phí. Trường hợp xảy ra sai sót, cần mạnh dạn sửa sai ngay lập tức, không để kéo dài gây thêm hậu quả.

“Nhà nước và người dân đều phải tiết kiệm nguồn lực. Đất nước chưa giàu mà lãng phí thì khó có thể phát triển được”, ông Võ nhấn mạnh.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: TL

Bên cạnh đó, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, việc để tồn tại các công trình, dự án bỏ hoang, lãng phí tiềm năng “đất vàng” không chỉ làm giảm giá trị kinh tế mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho lợi ích quốc gia. Vì vậy, cần rà soát và bổ sung các chế tài pháp luật để xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan. Ông kiến nghị mỗi địa phương phải chủ động kiểm tra, rà soát các dự án, công trình bị bỏ hoang, từ đó đề xuất giải pháp xử lý, tìm hướng giải thoát, chấm dứt sự lãng phí kéo dài.

“Trường hợp doanh nghiệp lập dựa án nhưng chỉ "ôm đất giữ phần" mà không triển khai, cần cương quyết thu hồi đất. Đồng thời, phải truy cứu trách nhiệm cán bộ, tổ chức đã buông lỏng quản lý, để tình trạng lãng phí đất đai xảy ra”, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng các khu “đất vàng” bị hoang hóa hoặc dự án xây dựng dở dang tại Hà Nội không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, quy hoạch đô thị, và chất lượng môi trường sống. Trước hết, tình trạng này gây lãng phí tài nguyên đất đai, đặc biệt tại những vị trí đắc địa. Những khu đất nếu được khai thác hiệu quả có thể trở thành động lực phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, hoặc xây dựng các công trình công cộng thiết yếu. Bên cạnh đó, các dự án bị đình trệ làm mất đi cơ hội tạo việc làm, đặc biệt trong ngành xây dựng và các lĩnh vực liên quan đến phát triển đô thị. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội.

Ngoài ra, việc hoang hóa các khu đất còn làm giảm nguồn thu ngân sách từ thuế và phí đất đai. Điều này hạn chế khả năng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công cộng, làm suy giảm năng lực phát triển của thành phố.

Các khu đất bị bỏ hoang cũng làm giảm sự tin tưởng của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư tại thành phố Hà Nội. Hình ảnh những dự án dở dang khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về tính minh bạch trong thủ tục hành chính và các rủi ro pháp lý. Hơn nữa, tình trạng này làm gia tăng chi phí đầu tư, khi các nhà đầu tư mới phải đối mặt với những vấn đề phát sinh từ các khu đất chưa được sử dụng hợp lý. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cũng xuất hiện khi một số nhóm lợi ích chiếm ưu thế trong việc khai thác đất đai, gây mất niềm tin và cản trở phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, sự mất cân đối trong phát triển đô thị là hệ quả trực tiếp khi các khu đất vàng không được khai thác tối đa. Những khu vực này bị bỏ hoang trong khi các khu vực khác chịu áp lực phát triển quá mức, làm suy giảm hiệu quả phân bổ tài nguyên và hạ tầng đô thị. Điều này không chỉ làm tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng và dịch vụ công, mà còn tạo ra một đô thị hóa thiếu bền vững. Các khu vực bị bỏ hoang kéo dài làm giảm giá trị khu vực xung quanh, ảnh hưởng tiêu cực đến quy hoạch tổng thể của thành phố.

Thêm nữa, những khu đất hoang không được quản lý dễ trở thành nơi lấn chiếm, phát sinh các hoạt động tội phạm, làm giảm mỹ quan đô thị và chất lượng sống của người dân. Đồng thời, các khu vực này thường bị ô nhiễm bởi rác thải hoặc sử dụng sai mục đích, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

“Tóm lại, việc các khu đất và dự án bị hoang hóa tại thành phố Hà Nội không chỉ làm lãng phí tài nguyên mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư và quy hoạch đô thị của thủ đô. Để khắc phục tình trạng này, cần có sự điều chỉnh trong quản lý và triển khai các dự án phát triển đô thị một cách hiệu quả và bền vững”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói.

“Truy” trách nhiệm đến cùng

Những dự án “treo” kéo dài hàng thập kỷ, những khu đất đắc địa quây tôn phơi nắng, phơi sương… tại thành phố Hà Nội không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai mà còn ảnh hưởng lớn đến quy hoạch đô thị, đời sống người dân. Dù đã được gia hạn sử dụng đất, hàng loạt dự án vẫn nằm “án binh bất động”, khiến những khu đất đắc địa biến thành những bãi trống hoang tàn, đầy tiềm năng nhưng chưa được khai thác. Vấn đề này đang đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và cả chủ đầu tư.

Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội (HNREA), tình trạng các khu “đất vàng” bị bỏ hoang và dự án xây dựng dở dang tại thành phố Hà Nội là vấn đề nhức nhối, gây lãng phí nghiêm trọng tài sản thuộc sở hữu của toàn dân. Nguyên nhân thực trạng trên bắt nguồn từ cả cơ quan quản lý Nhà nước và chủ đầu tư. Về phía Nhà nước, ông Cường cho rằng các cơ chế, chính sách hiện nay còn nhiều chồng chéo, phức tạp, khiến việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài và hạ tầng chưa đồng bộ cũng là rào cản lớn, khiến nhà đầu tư dù muốn nhưng không thể thực hiện dự án đúng tiến độ. Ngoài ra, năng lực quản lý yếu kém ở một số địa phương đã khiến nhiều dự án quan trọng bị bỏ lửng, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị.

Trong khi đó, về phía chủ đầu tư, ông chỉ rõ nhiều doanh nghiệp không đủ sức khỏe tài chính, thiếu chuyên môn và năng lực quản lý dự án. Một số trường hợp, chủ đầu tư không có tầm nhìn dài hạn hoặc không dự đoán được những rủi ro phát sinh, dẫn đến tình trạng “lực bất tòng tâm”, khiến dự án dở dang kéo dài hàng thập kỷ.

“Đây là vấn đề cần giải quyết khẩn cấp, bởi không chỉ gây lãng phí tài sản đất đai mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, quyền lợi của người dân và hình ảnh quốc gia trước bạn bè quốc tế”, ông Cường nhấn mạnh.

Chủ tịch HNREA nói thêm, để hàng loạt khu đất có vị trí đắc địa bỏ hoang nhiều năm, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước (đơn vị lập quy hoạch, phê duyệt… và giám sát dự án). Việc để các dự án kéo dài nhiều năm mà không có biện pháp xử lý hoặc hỗ trợ kịp thời, phản ánh sự thiếu hiệu quả trong quản lý. Các cơ quan quản lý còn phải chịu trách nhiệm về những bất cập trong cơ chế, chính sách, khiến quá trình thực hiện dự án bị đình trệ. Ngoài ra, sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cấp, đặc biệt trong việc giải phóng mặt bằng và phát triển hạ tầng, cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Ngược lại, các doanh nghiệp tham gia dự án phải chịu trách nhiệm nếu không đủ năng lực tài chính, chuyên môn hoặc quản lý để hoàn thành công trình. Việc chậm trễ hoặc bỏ hoang dự án không chỉ gây lãng phí tài sản mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cư dân sống quanh khu vực. Ông nhấn mạnh rằng các chủ đầu tư phải có trách nhiệm minh bạch trong việc triển khai dự án và chấp nhận các biện pháp chế tài nếu không đáp ứng được cam kết.

“Đất đai không chỉ là tài sản mà còn là nguồn lực chung của toàn dân. Do đó, cả cơ quan quản lý và chủ đầu tư đều phải có trách nhiệm sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng”, ông Cường cho hay.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính. Ảnh: NVCC

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai tại các khu “đất vàng” ở Hà Nội phản ánh trách nhiệm của nhiều bên, bao gồm cơ quan Nhà nước, chủ đầu tư và các đơn vị quản lý quy hoạch. Cụ thể, các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm trong công tác quy hoạch và phê duyệt dự án. Quy hoạch thiếu hợp lý hoặc thay đổi đột ngột mà không tính đến tác động lâu dài có thể dẫn đến dự án bị gián đoạn, bỏ hoang. Đồng thời, sự thiếu đồng bộ giữa các cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân khiến tài nguyên đất bị lãng phí.

Ngoài ra, việc kiểm tra và giám sát lỏng lẻo từ các đơn vị như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng hoặc chính quyền địa phương dễ tạo điều kiện cho chủ đầu tư chậm trễ tiến độ hoặc không triển khai dự án. Trong công tác cấp phép, quy trình thiếu minh bạch hoặc bị ảnh hưởng bởi lợi ích nhóm cũng dẫn đến việc cấp phép cho các dự án không đủ năng lực thực hiện. Về phía các chủ đầu tư, trách nhiệm đảm bảo năng lực tài chính và tuân thủ các quy định xây dựng là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư thiếu trách nhiệm hoặc cố tình "lách" luật để tối đa hóa lợi nhuận, gây sử dụng đất kém hiệu quả.

Sự chồng chéo trong quản lý và quy trình phê duyệt cũng là vấn đề đáng chú ý. Thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan hoặc quy trình phê duyệt kéo dài, phức tạp đã làm đình trệ không ít dự án. Đặc biệt, sự can thiệp từ các yếu tố chính trị và lợi ích nhóm khiến nhiều dự án bị đình trệ hoặc không được triển khai. Để khắc phục tình trạng này, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, minh bạch hóa quy trình cấp phép, và áp dụng các biện pháp, chế tài mạnh mẽ để yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành dự án đúng tiến độ. Những giải pháp này sẽ giúp giảm thiểu lãng phí đất đai, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững cho thủ đô.

“Nhìn chung, sự lãng phí tài nguyên đất đai tại các khu vực đắc địa ở Hà Nội có thể là kết quả của sự kết hợp giữa quản lý không chặt chẽ, quy trình phê duyệt không hiệu quả, hoặc sự thiếu sót trong việc dự đoán và đối phó với nhu cầu phát triển của thành phố. Nếu các cơ quan chức năng không có sự phối hợp chặt chẽ và thiếu các cơ chế giám sát hiệu quả, thì việc lãng phí tài nguyên đất đai là điều khó tránh khỏi.

Trách nhiệm đối với tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai tại các khu đất vàng không thể quy hoàn toàn cho một bên mà là sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm cả cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư, và các yếu tố liên quan đến quy trình quản lý, cấp phép”, chuyên gia nhấn mạnh.

Bài 4: Vào cuộc giải cứu “đất vàng”

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 3: Ai chịu trách nhiệm khi tài nguyên quốc gia bị lãng phí?

Bài 3: Ai chịu trách nhiệm khi tài nguyên quốc gia bị lãng phí?

(Thanh tra) - Hàng nghìn khu đất, công trình xây dựng, dự án bị bỏ hoang ở thành phố Hà Nội là minh chứng rõ ràng cho sự lãng phí nghiêm trọng nguồn tài nguyên quốc gia. Đây không chỉ là thất thoát kinh tế mà còn là bài toán lớn về quản lý đô thị và trách nhiệm của các bên liên quan. Ai phê duyệt dự án, ai giám sát, chủ đầu tư nào để xảy ra tình trạng này?

Đông Hà + Thanh Hoa

08:00 18/12/2024
Đình chỉ chức vụ Chủ tịch UBND xã Mường Hoa

Đình chỉ chức vụ Chủ tịch UBND xã Mường Hoa

(Thanh tra) - Ngày 17/12, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Duy Công, Chủ tịch UBND xã Mường Hoa với thời gian 10 ngày làm việc.

Nam Dũng

17:37 17/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm