Theo dõi Báo Thanh tra trên
Đông Hà + Thanh Hoa
Thứ năm, 12/12/2024 - 09:00
(Thanh tra) - Nhiều khu “đất vàng” tại các vị trí đắc địa của thành phố Hà Nội được giao cho các đại gia bất động sản phát triển dự án, nhưng sau nhiều năm vẫn bị bỏ hoang hoặc xây dựng dở dang, chậm tiến độ… khiến người dân không khỏi xót xa cho nguồn lực khổng lồ bị phung phí.
Khu đất có diện tích hơn 13.400m² tọa lạc tại 254 Hoàng Quốc Việt (phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) bỏ hoang đã nhiều năm, gây lãng phí lớn về nguồn lực đất đai. Ảnh: Đông Hà
LTS: Trong khi nguồn lực đất đai ngày càng hạn chế thì tại thành phố Hà Nội có những khu “đất vàng” đã bị bỏ hoang suốt nhiều năm. Ngoài ra, còn hàng trăm công trình, dự án tại các vị trí đắc địa khác cũng đang rơi vào tình trạng xây dựng dở dang. Ai cũng phải xót xa cho những tài sản nghìn tỷ ở vị trí trung tâm bị “trùm màn, đắp chiếu”.
Trước thực trạng lãng phí nguồn lực quý giá này, UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, đột phá, có địa chỉ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất trên địa bàn.
Báo Thanh tra khởi đăng loạt bài viết “Chống lãng phí tài nguyên đất đai tại thành phố Hà Nội” nhằm đưa ra góc nhìn toàn diện về thực trạng lãng phí đất, chỉ ra nguyên nhân, đồng thời phản ánh những nỗ lực của thành phố trong việc khai thác và phát huy nguồn lực đất đai, qua đó tạo động lực cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Từ “đất vàng” thành “đất hoang”
Tọa lạc tại vị trí đắc địa ngay ngã tư đường Hoàng Quốc Việt và Phạm Văn Đồng, khu đất 254 Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, có diện tích hơn 13.400m². Được đánh giá là một khu “đất vàng”, nhưng suốt nhiều năm qua, nơi này lại rơi vào cảnh hoang phế. Đã ngót chục năm kể từ khi khu đất này được giao cho Công ty Cổ phần Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (nay là Công ty Cổ phần Familia) để phát triển dự án trung tâm thương mại, văn phòng, nhà trẻ và căn hộ.
Vì nhiều lý do, dự án đã bị đình trệ, dẫn đến hàng chục nghìn mét vuông đất vẫn chỉ là một bãi đất trống, không có dấu hiệu thi công. Thực tế ghi nhận vào những ngày đầu tháng 12/2024, khu vực dự án được quây rào tôn kín, bên trong chỉ có một ngôi nhà cấp 4 rộng khoảng 300m². Cổng vào bằng sắt đã han gỉ, xuống cấp. Bên trong, cỏ dại mọc um tùm, không có dấu hiệu được chăm sóc, tạo nên khung cảnh hoang tàn, tiêu điều giữa khu vực đô thị sầm uất.
Tương tự, khu đất rộng 13.159m² tại số 220 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, được quy hoạch để phát triển Tháp Tài chính Quốc tế - IFT do Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ làm chủ đầu tư.
Tháng 10/2017, Bảo Việt Nhân thọ được UBND thành phố Hà Nội cho thuê đất và nhận bàn giao đất trên thực địa từ ngày 19/11/2021.
Đến nay, đã hơn 17 tháng kể từ ngày nhận bàn giao, chủ đầu tư vẫn chưa triển khai xây dựng dự án, khu đất vẫn bị bỏ bê, không sử dụng đúng mục đích. Việc chậm trễ trong đầu tư xây dựng này đã vi phạm quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013. Dù nằm tại vị trí đắc địa, khu đất hiện vẫn ngoài rào tôn, trong để cỏ mọc. Điều này khiến nhiều người dân qua lại không khỏi tiếc nuối trước sự lãng phí nghiêm trọng của một mảnh “đất vàng” giữa lòng thủ đô.
Nằm ngay nút giao cầu Nhật Tân, giáp với đường Võ Chí Công, khu đất ký hiệu TM01, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, có diện tích 19.699m² cũng đã bị bỏ mặc nhiều năm. Theo hồ sơ quy hoạch, ô đất này vốn được định hướng phát triển thành trung tâm thương mại.
Tuy nhiên, trải qua hàng loạt vấn đề như việc “sang tên đổi chủ”, xin điều chỉnh quy hoạch và xây dựng không phép… dự án vẫn chưa được triển khai. Hiện tại, khu đất được quây rào tôn sơ sài, bên trong cỏ dại mọc um tùm, không có dấu hiệu thi công.
Trong Khu đô thị cao cấp Nam Thăng Long (Ciputra, tọa lạc trên địa bàn hai quận Bắc Từ Liêm và Tây Hồ), nhiều khu đất cũng rơi vào tình trạng bỏ trống suốt thời gian dài. Một trong số đó là ô đất ký hiệu IA.25 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm), diện tích khoảng 18.000m², thuộc quỹ đất 20% Ciputra giai đoạn II. Dù đã được quy hoạch, giải phóng mặt bằng từ lâu, nhưng đến nay, ô đất này vẫn chưa được triển khai xây dựng. Thậm chí, có thời điểm, một số đối tượng bên ngoài đã lợi dụng đất trống để buôn bán vật liệu xây dựng trái phép, gây mất an ninh trật tự trong khu vực.
Nằm ngay đối diện, ô đất TM13, có diện tích khoảng 52.095m², được UBND thành phố Hà Nội giao cho Công ty Cổ phần Bất động sản Fulland để đầu tư xây dựng dự án công trình thương mại hỗn hợp. Theo quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư do UBND thành phố Hà Nội cấp ngày 6/10/2021, dự án dự kiến triển khai từ quý II/2021 và hoàn thành vào quý IV/2024. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn trong tình trạng ngổn ngang, mới chỉ thi công một phần cọc móng. Đáng chú ý, vào đầu tháng 6/2024, Công ty Fulland bất ngờ gửi văn bản đến UBND thành phố Hà Nội đề nghị điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.
Những ngày cuối năm, khi các công trình, dự án xây dựng khắp nơi đang hối hả chạy nước rút để hoàn thành, người dân đi qua phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, không khỏi chạnh lòng khi thấy khu đất rộng hơn 20.000m² tại số 94 Lò Đúc vẫn bị bỏ hoang. Mảnh “đất vàng” này từng là cơ sở sản xuất và trụ sở làm việc của Công ty Rượu Hà Nội (nay là Công ty Cổ phần Cồn Rượu Hà Nội).
Theo chủ trương di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô, vào khoảng năm 2007-2008, Công ty Cổ phần Cồn Rượu Hà Nội đã bàn giao khu đất này cho Công ty Cổ phần Kinh doanh Nhà qua hai giai đoạn, với tổng diện tích lên đến 21.852m².
Năm 2013, Công ty Cổ phần Kinh doanh và Xây dựng Nhà cùng Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Đô thị Thiên Bình đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội cho phép Công ty Thiên Bình thay thế Công ty Kinh doanh Nhà làm chủ đầu tư dự án tại 94 Lò Đúc. Công ty Thiên Bình do chính Công ty Kinh doanh Nhà đề xuất thành lập và nắm giữ 90% vốn điều lệ. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, khu đất này vẫn chưa được đưa vào sử dụng, gây ra sự lãng phí nghiêm trọng về tài nguyên đất.
Thêm một “tấc đất tấc vàng” khác bị bỏ hoang, gây lãng phí và mất mỹ quan đô thị là khu đất tại số 295 Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Năm 2008, UBND thành phố Hà Nội đã cho Công ty Liên danh SAS Hà Nội Royal Hotel LTD thuê để xây dựng Khách sạn SAS Hà Nội. Tuy nhiên, đến năm 2013, dự án này bị UBND thành phố chấm dứt và thu hồi đất. Khu đất sau đó được giao cho Trung tâm Giao dịch đất đai và Phát triển quỹ đất Hà Nội (nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) quản lý.
Tiếp đó, khu đất được chuyển cho Công ty TNHH MTV Khai thác Điểm đỗ xe Hà Nội nghiên cứu phương án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp trồng cây xanh. Công ty này cũng được giao nhiệm vụ lập, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và chủ trương đầu tư dự án. Dẫu vậy, sau nhiều năm, mọi thứ vẫn chỉ nằm trên giấy. Hiện tại, khu đất bị bỏ trống với một số cọc móng ngầm đã xây dựng từ lâu nay xuống cấp nghiêm trọng, gây mất mỹ quan đô thị. Khu đất tại số 295 Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một minh chứng rõ nét cho sự lãng phí tài nguyên đất đai giữa lòng thủ đô. Tình trạng này không chỉ khiến người dân thủ đô tiếc nuối mà còn đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm quản lý và hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, đặc biệt trong bối cảnh quỹ đất nội đô ngày càng khan hiếm.
Giấc mơ dang dở trên những mảnh đất bạc tỷ
Nói về tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai tại thành phố Hà Nội, phải kể đến các công trình và dự án quy mô lớn, chiếm diện tích đất khổng lồ nhưng sau nhiều năm khởi công vẫn “đắp chiếu”. Những dự án này không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn làm cho bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, ô nhiễm.
Nằm tại một trong những vị trí đắc địa nhất Hà Nội, Dự án Siêu thị thương mại dịch vụ Bắc Qua (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm) do Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Bắc Qua làm chủ đầu tư đã được khởi công từ năm 2011, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào quý I/2013. Khi dự án khởi động, chính quyền và người dân khu vực kỳ vọng sẽ có một siêu thị đẳng cấp ngay giữa trung tâm phố cổ, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ thương mại tại khu vực này.
Tuy nhiên, đã hơn một thập kỷ trôi qua, công trình vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Không chỉ chậm tiến độ, Dự án Siêu thị Thương mại dịch vụ Bắc Qua còn nằm trong danh sách các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai (do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội công bố vào tháng 12/2023). Bao năm nay, người dân địa phương và du khách mỗi khi đi qua con phố Hàng Khoai và Nguyễn Thiện Thuật đều không khỏi xót xa trước tình trạng lãng phí nghiêm trọng của một dự án từng được quảng bá rầm rộ.
Cách đó không xa, Dự án Xây dựng Trung tâm thương mại và nhà ở tái định cư trên diện tích hơn 4.072m² tại số 22+24 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) đang trong quá trình hoàn thiện. Dù được cấp phép từ tháng 6/2010 và sở hữu vị trí đắc địa ngay giữa quận Hoàn Kiếm, nhưng dự án đã không được triển khai như tiến độ dự kiến ban đầu. Điều này khiến hàng nghìn mét vuông “đất vàng” nội đô bị bỏ hoang trong nhiều năm qua, gây lãng phí nghiêm trọng. Đến nay, dự án do Công ty Cổ phần Thời Đại Mới T&T làm chủ đầu tư vẫn đang nằm trong danh sách bị giám sát về việc sử dụng đất đai, cho thấy sự chậm trễ và thiếu hiệu quả trong quá trình triển khai.
Nằm trên trục đường Phạm Văn Đồng, Dự án Siêu tháp Habico Tower từng gây chấn động thị trường bất động sản với giá bán căn hộ lên đến 85 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, công trình này vẫn chỉ là một khối bê tông hoang lạnh, gây mất mỹ quan đô thị. Dự án Habico Tower do Công ty Cổ phần Hải Bình (Habico) làm chủ đầu tư, được khởi công từ năm 2008 trên khu đất rộng hơn 4.490m², với tổng vốn đầu tư lên đến 220 triệu USD (tương đương hơn 5.000 tỷ đồng).
Theo thiết kế ban đầu, Habico Tower bao gồm hai tòa tháp cao 180m, với 4 tầng hầm và 36 tầng nổi. Dự án được kỳ vọng sẽ trở thành một tòa nhà thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng và căn hộ cao cấp cho thuê, trở thành biểu tượng mới của kiến trúc thành phố Hà Nội. Nhưng, đến thời điểm hiện tại, siêu dự án này vẫn đang nằm “đắp chiếu” bỏ hoang, cỏ dại mọc cao lút đầu người, khiến nhiều người qua lại không khỏi tiếc nuối trước sự lãng phí của một công trình từng rất được kỳ vọng…
Một trong những dự án chậm tiến độ nhận nhiều bình luận trái chiều thời gian qua là công trình trụ sở làm việc của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM). Theo báo cáo từ VICEM, Dự án Tòa tháp Trung tâm Điều hành và Giao dịch VICEM, do Tổng Công ty làm chủ đầu tư với 100% vốn Nhà nước, đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2010 và khởi công xây dựng từ năm 2011. Dự án có quy mô 31 tầng nổi, 4 tầng hầm, với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh lên đến khoảng 2.743 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù đã hoàn thành phần thô từ tháng 8/2015, nhưng tòa tháp này bất ngờ bị bỏ hoang. Trải qua nhiều năm phơi nắng dầm sương, công trình dần trở nên hoang tàn, trơ khung xương đen kịt, xấu xí. Hình ảnh của tòa tháp bỏ hoang giữa lòng thành phố khiến người qua lại không khỏi tiếc nuối cho một dự án từng được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của VICEM.
Ngoài những khu đất bỏ hoang, những công trình dự án chậm tiến độ kể trên, tại Hà Nội còn có hàng nghìn khu đất, dự án nằm ở các vị trí đắc địa cũng rơi vào cảnh hoang phế, “giậm chân tại chỗ” do vướng phải các vấn đề pháp lý, giải phóng mặt bằng… Trong đó, có thể kể đến các công trình như: Dự án Văn phòng cho thuê kết hợp khách sạn tại số 270 Thụy Khuê (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Ba Đình làm chủ đầu tư; Dự án Xây dựng Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, văn phòng cho thuê tại đường Xuân La (phường Xuân La, quận Tây Hồ) do Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Hồng làm chủ đầu tư; Dự án Cao ốc quốc tế Hồ Tây tại số 18 đường Thụy Khuê (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) do Công ty Liên doanh Cao ốc quốc tế Hồ Tây làm chủ đầu tư; Dự án Xây dựng Khu văn phòng và nhà ở tại số 2-4 Đội Nhân ( phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) do Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư dự án quốc tế ICC làm chủ đầu tư; Dự án Đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng lắp ráp thiết bị điện, điện tử do Công ty Cổ phần Hữu nghị Fortika làm chủ đầu tư…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhiều khu “đất vàng” tại các vị trí đắc địa của thành phố Hà Nội được giao cho các đại gia bất động sản phát triển dự án, nhưng sau nhiều năm vẫn bị bỏ hoang hoặc xây dựng dở dang, chậm tiến độ… khiến người dân không khỏi xót xa cho nguồn lực khổng lồ bị phung phí.
Đông Hà + Thanh Hoa
09:00 12/12/2024(Thanh tra) - Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang vừa ban hành Văn bản số 04-TC/UBKT về thông cáo kết quả kỳ họp thứ 41, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Bùi Bình
20:37 11/12/2024Trần Kiên
18:02 11/12/2024N. Phó - L. Bằng
17:24 11/12/2024PV
14:50 11/12/2024Hải Hà
14:50 11/12/2024PV
Trần Lê
Trần Quý
Kim Thành
Đông Hà + Thanh Hoa
Cảnh Nhật
Phương Anh
TC
TC
Kim Thành
Bùi Bình
Cao Sơn