Từ Argentina đến Panama, ghi nhận một số quan chức đã buộc phải từ chức vì các cáo buộc gian lận trong hoạt động mua sắm máy thở, khẩu trang và các vật tư y tế. Các phi vụ "trộm cắp" này được thúc đẩy bởi sự thổi giá của các nhà sản xuất và sự trục lợi của những người trung gian có mối quan hệ chính trị. Tất cả họ đều là những kẻ coi cuộc khủng hoảng là một cơ hội để tham nhũng.

“Mỗi khi xảy ra tình huống tồi tệ, các quy tắc chi tiêu được nới lỏng và luôn có kẻ tìm cách lợi dụng để kiếm chác lợi nhuận", ông José Ugaz, cựu công tố viên Peru, người đã bỏ tù cựu Tổng thống Alberto Fujimori và là Chủ tịch Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) năm 2014-2017, nói.

Dịch bệnh khiến kinh tế đi xuống…

Các ổ dịch do virus corona gây ra vẫn đang lan rộng ở Mỹ Latinh, gây ra sự đột biến về các ca tử vong, khiến hệ thống y tế chao đảo và các nền kinh tế trên bờ vực sụp đổ.

Mới đây, báo cáo do Tổ chức Getulio Vargas Foundation (FGV) thực hiện và công bố ngày 26/5, cho thấy, chỉ số đánh giá tình hình kinh tế của các nước khu vực Mỹ Latinh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 31 năm do tác động của đại dịch COVID-19.

11 nước tại khu vực Mỹ Latinh được phân tích trong báo cáo đều ghi nhận chỉ số đánh giá tình hình kinh tế xấu hơn trong 4 tháng đầu năm nay. Đáng lo ngại là Brazil khi chỉ số này ở mức -2 điểm tụt xuống tới mức -60,9 điểm, trong khi Paraguay từ mức -28 điểm xuống tới mức -70,4 điểm.

Cũng theo báo cáo, tại tất cả 11 nước nói trên, sự đổi mới và nhu cầu tiêu dùng thấp được xem là những yếu tố quan trọng cần khắc phục để phát triển kinh tế, trong khi đó tham nhũng được xác định là vấn đề then chốt của 9 nước, ngoại trừ Chile và Uruguay.

… Nhưng các báo cáo về tham nhũng vẫn gia tăng

Trong bối cảnh dịch bệnh, các báo cáo về gian lận, tham nhũng đã tăng lên.

Ngày 26/5, cảnh sát ở Rio de Janeiro (Brazil) đã đột kích vào dinh thự của Thống đốc bang. Đây là hoạt động nằm trong cuộc điều tra mở rộng về vụ tham ô công quỹ 150 triệu USD dành để xây dựng các bệnh viện dã chiến.

Tại Colombia, 14/32 thống đốc đang bị điều tra về các tội danh như tham nhũng, trao bất hợp pháp các hợp đồng không qua đấu thầu...

Tại Thủ đô Buenos Aires của Argentina, các công tố viên đang điều tra thương vụ của người là bạn thân của một chính trị gia đã tận dụng mối quan hệ chính trị để bán 15.000 khẩu trang N95, mặc dù đã hết hạn sử dụng và khiến thành phố phải chi trả gấp 10 lần so với giá niêm yết.

Có lẽ vụ việc không mong muốn lớn nhất là ở Bolivia, nơi Bộ trưởng Y tế bị bắt giữ trong bối cảnh cáo buộc rằng 170 máy thở đã được mua với giá cao, gần 28.000 USD mỗi chiếc. Trong khi nhà sản xuất máy thở ở Tây Ban Nha cho biết, họ bán chúng cho nhà phân phối chỉ với giá 6.000 euro (6.500 USD). Tồi tệ hơn, các máy này không phù hợp cho việc chăm sóc trong khoảng thời gian dài.

Những cáo buộc tương tự về việc thanh toán quá mức đã làm rung chuyển Panama, nơi trợ lý hàng đầu của Tổng thống Laurentino Cortizo phải từ chức và Phó Tổng thống cũng phải chịu áp lực từ chức sau khi các công tố viên triển khai việc điều tra kế hoạch mua 100 máy thở với giá gần 50.000 USD mỗi chiếc.

Tại Brazil, nơi có số lượng vụ việc được xác nhận là cao thứ 2 thế giới, cảnh sát ở một bang đã thành lập đội đặc nhiệm có biệt danh “Corona Jato” để điều tra các tội ác liên quan đến đại dịch.

Một điều chắc chắn rằng, trong thảm họa dịch bệnh đã xuất hiện tham nhũng ở khắp nơi trên thế giới, không chỉ ở Mỹ Latinh. Tây Ban Nha, Italy và nhiều quốc gia khác cũng đã rúng động bởi những tiết lộ về các hành vi sai phạm trong đại dịch. Tại Mỹ, ước tính 16% trong gói viện trợ 1 tỷ USD được chi sau cơn bão Katrina đã "bốc hơi" trong các khoản thanh toán có khả năng bị gian lận. Một dẫn chứng đó là, Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang đã chi trả một khoản hỗ trợ cá nhân 8.000 USD để ở 70 đêm tại một khách sạn ở Hawaii.

Tuy nhiên, vấn nạn "trộm cắp" quỹ Nhà nước đặc biệt gây phiền toái đối với Mỹ Latinh, bởi tình trạng đói nghèo và mạng lưới an sinh xã hội "tơi tả" nơi đây. Hơn một nửa cố công nhân lao động làm việc trong khu vực phi Chính phủ không được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc an sinh xã hội.

Lạc quan nào cho sự thay đổi?

Roberto de Michele, một chuyên gia hàng đầu về minh bạch tại Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ có trụ sở tại Washington, cho biết, ngay cả trong điều kiện bình thường, ước tính 10 - 25% chi tiêu toàn cầu cho chăm sóc sức khỏe đã mất do tham nhũng - tương ứng với hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Các nước Mỹ Latinh liên tục được xếp hạng trong số những quốc gia tham nhũng nhất. Một khảo sát mới nhất của TI có trụ sở tại Berlin chỉ ra rằng, hơn một nửa cư dân trong khu vực nghĩ rằng, vấn đề đang trở nên tồi tệ hơn, với 1/5 thừa nhận đã đưa hối lộ cho các quan chức Nhà nước trong 1 năm qua. Các bê bối liên quan đến những quan chức xà xẻo tiền từ các chương trình ăn trưa ở trường học, nhận những chiếc cặp đầy tiền mặt hoặc sắp xếp vị trí công việc cho những người thân thiết... là những thông tin nhan nhản trên báo chí, truyền thông.

Tuy nhiên, ông Still, Roberto de Michele vẫn lạc quan cho rằng, áp lực xã hội sẽ mang lại sự thay đổi.

Một ví dụ, năm 2016, khi công ty xây dựng khổng lồ Odebrecht của Brazil thừa nhận đã trả 788 triệu USD hối lộ trên khắp Mỹ Latinh trong suốt hơn 1 thập kỷ, đã dẫn tới việc bỏ tù các cựu Tổng thống ở Peru và Brazil.

Bên cạnh đó, công nghệ cũng có thể giúp bảo vệ các quỹ Nhà nước, ông Michele nói, trích dẫn ở Paraguay đã cho ra mắt một nền tảng cho phép người dùng theo dõi đường đi trong thời gian thực về tình trạng của 110 hợp đồng khẩn cấp trị giá 26 triệu USD chi tiêu trong COVID-19. Bộ trưởng Tài chính Paraguay Benigno López cho biết, nền tảng này sẽ trao quyền cho các nhóm công dân để giám sát cách sử dụng các nguồn lực kinh tế.

Hoài Phương