Theo UBKT Trung ương, Ban Thường vụ Đảng ủy Saigon Co.op đã thiếu trách nhiệm, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát và nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư, huy động vốn, tăng vốn điều lệ, tổ chức đại hội thường niên.

Ông Diệp Dũng đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của tập thể, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và Saigon Co.op.

UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Diệp Dũng và các cá nhân có liên quan.

Còn theo Thông báo Kết luận thanh tra số 79/TB-TTTP-P5 của Thanh tra TP HCM về việc chấp hành các quy định pháp luật tại Saigon Co.op ngày 29/7/2020, đơn vị có dấu hiệu huy động góp vốn trái pháp luật; việc huy động vốn không bình thường với hàng trăm tỉ đồng trong khi các HTX thành viên hoạt động không hiệu quả; đồng thời cơ quan thanh tra phát hiện hàng loạt sai phạm trong việc tăng vốn, quản lý và khai thác không hiệu quả tài sản Nhà nước, vi phạm nghiêm trọng các quy định về pháp luật thanh tra…

Sai phạm trong việc quản lý vốn, tài sản

Saigon Co.op được UBND TP phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 1344/QĐ-UB-KT ngày 5/3/1999 với tổng vốn đăng ký là 23.133.392.985 đồng.

Từ năm 1999 đến nay, Saigon Co.op được UBND TP giao cùng Sở Tài chính - Vật giá (nay là Sở Tài chính) xây dựng Quy chế Quản lý nguồn vốn này trình UBND TP. Tuy nhiên, đến nay các đơn vị vẫn chưa thực hiện, dẫn đến không cung cấp được cho Thanh tra TP cụ thể danh mục vốn, tài sản không chia có giá trị là 21.885.392.000 đồng.

Theo kết luận thanh tra, đến nay Saigon Co.op vẫn chưa xây dựng Quy chế Quản lý nguồn vốn trên là thực hiện không đúng Điều 8 Thông tư số 83/2015/TT-BTC ngày 28/5/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính áp dụng đối với HTX, liên hiệp HTX quy định về quản lý tài sản không chia...

Qua kiểm tra, Thanh tra TP nhận thấy về sử dụng các nguồn vốn, tài sản (nhà, đất...), các tài sản Saigon Co.op tiếp nhận từ Liên hiệp HTX Mua bán TP chuyển sang và nguồn tài trợ khác, Saigon Co.op phải có nghĩa vụ sử dụng có hiệu quả, bảo toàn, phát triển và xây dựng quy chế để quản lý chặt chẽ tài sản không chia nhưng Saigon Co.op chưa mở sổ theo dõi khi tiếp nhận tài sản không chia là không thực hiện đúng quy định.

Việc tăng vốn điều lệ năm 2020, cơ quan thanh tra nhận thấy về trình tự thủ tục, Saigon Co.op thực hiện chưa đúng quy định của Luật HTX và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Saigon Co.op đã được đại hội thành viên thông qua.

Về nguồn vốn góp, các HTX thành viên tổ chức triển khai việc huy động vốn của các thành viên không đúng trình tự thủ tục quy định tại Luật HTX và Điều lệ.

Kiểm tra kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX thành viên, Thanh tra TP cũng nhận thấy có 06 HTX hoạt động kinh doanh không có hiệu quả trong các năm 2018, 2019; một số HTX hoạt động mức lợi nhuận đạt sau thuế dưới 6 tỷ đồng nhưng không tham gia góp vốn, trong khi phần lớn các HTX lợi nhuận đạt được sau thuế chỉ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng lại tham gia góp với số vốn góp hàng trăm tỷ đồng là điều không bình thường, điển hình HTX Thương mại Dịch vụ Linh Tây lỗ gần 48.896.024 đồng nhưng góp vốn trên 952.534.000.000 đồng; HTX Thương mại Thị Nghè lỗ 163.613.499 đồng nhưng tham gia góp vốn 244.550.000.000 đồng…

Phân tích tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn đầu tư của các HTX thành viên, cơ quan thanh tra chỉ ra việc lợi nhuận đạt từ 26% - 39% trên vốn góp cho thấy nhu cầu của các tổ chức, cá nhân muốn góp vốn vào Saigon Co.op là có cơ sở; nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên thì đơn vị sẽ bị chi phối bởi các cá nhân, tổ chức bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Saigon Co.op.

Các hoạt động của Saigon Co.op có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của đơn vị được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung (tài sản chung không chia) và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP nói riêng và cả nước nói chung.

leftcenterrightdel
 Siêu thị Co.opXtra, hệ thống bán lẻ quy mô lớn của Saigon Co.op. Ảnh: Đinh Mười

Về sử dụng tài sản là nhà, đất, Thanh tra TP nhận thấy, các tài sản Saigon Co.op tiếp nhận từ Liên hiệp HTX Mua bán TP chuyển sang và nguồn tài trợ khác, đơn vị  phải có nghĩa vụ sử dụng có hiệu quả, bảo toàn, phát triển và xây dựng quy chế để quản lý chặt chẽ tài sản không chia nhưng chưa mở sổ theo dõi khi tiếp nhận tài sản không chia là không thực hiện đúng quy định.

Qua kiểm tra, danh sách tài sản các mặt bằng nhà đất đơn vị đang quản lý sử dụng thì hiện nay, có trường hợp được thực hiện bằng hợp đồng thuê, điều khoản thanh toán là trả tiền thuê hàng năm hoặc thuê đất trả tiền một lần. Riêng mặt bằng tại số 1 Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức (nay thuộc TP Thủ Đức - PV), Saigon Co.op đã quản lý, sử dụng nhưng không có hồ sơ pháp lý (tại thời điểm kiểm tra).

Vi phạm pháp luật về thanh tra

Để quá trình thanh tra được chính xác, chặt chẽ, khách quan, đúng pháp luật, ngày 24/7/2020, Thanh tra TP có Văn bản số 166/TTTP-P5 đề nghị Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op tạm đình chỉ việc tiến hành đại hội thành viên cho đến khi có kết luận chính thức và ý kiến chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra của người có thẩm quyền theo quy định nhưng không chấp hành, sau đó vẫn tiến hành đại hội, bàn, biểu quyết những vấn đề liên quan làm ảnh hưởng đến hoạt động và nội dung kết luận thanh tra như: Công tác nhân sự, phương án huy động vốn, tăng vốn điều lệ, việc rút vốn của các HTX thành viên là vi phạm pháp luật thanh tra.

Theo Thanh tra TP, các sai phạm nêu trên trách nhiệm thuộc về Hội đồng Quản trị Liên hiệp; Thành viên Liên hiệp; Ban Tổng Giám đốc, các phòng, ban chức năng và cá nhân có liên quan các thời kỳ.

Từ các dấu hiệu sai phạm trên, Thanh tra TP kiến nghị Chủ tịch UBND TP chỉ đạo yêu cầu Saigon Co.op nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật thanh tra như: Tạm ngưng thực hiện các nội dung liên quan đến kết luận thanh tra và không thay đổi nhân sự Hội đồng Quản trị, Ban Tổng Giám đốc, lãnh đạo các phòng, ban đến khi có kết luận xử lý và chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra của người có thẩm quyền…

Yêu cầu Saigon Co.op phối hợp với Sở Tài chính khẩn trương xây dựng quy chế để quản lý, mở sổ theo dõi chặt chẽ tài sản không chia tích lũy qua các thời kỳ; đồng thời, tổ chức rà soát kiểm tra, làm rõ nguồn vốn góp của các HTX thành viên; đề xuất phương án xử lý số vốn điều lệ tăng từ vốn, tài sản không chia; số tiền huy động năm 2020 tăng vốn điều lệ không đúng quy định; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án xử lý số tiền tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn tích lũy không chia qua các năm báo cáo UBND TP…

UBND TP giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Saigon Co.op khẩn trương đề xuất hướng xử lý đối với việc tăng vốn điều lệ của Saigon Co.op qua các năm từ nguồn vốn tích lũy không chia không đúng quy định của Luật HTX, trình UBND TP xem xét, quyết định.

Thanh tra TP cũng đề nghị UBND TP giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp Sở Tài chính, kiểm tra, rà soát tất cả nhà, đất có nguồn gốc của Nhà nước đang giao Saigon Co.op quản lý, sử dụng; đồng thời, giao Giám đốc Công an TP tiếp nhận hồ sơ, tài liệu có liên quan, khẩn trương xác minh, điều tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật để tiến hành xử lý nghiêm theo quy định.

Đinh Mười