Quyết liệt THADS thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt

Báo cáo công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế năm 2021, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), Bộ Tư pháp cho biết, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tích cực chỉ đạo, phối hợp trong việc hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác phối hợp trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát hiện, truy tìm, kê biên, phong toả, xử lý tài sản và động viên người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản ngay từ giai đoạn điều tra, nên một số vụ việc đã thu hồi được triệt để tài sản thất thoát cho Nhà nước.

Nhiều địa phương như TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... đã làm việc với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành Trung ương liên quan để bàn cách tháo gỡ khó khăn, tổ chức thực hiện các giải pháp để thi hành nghiêm các bản án, quyết định liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Đặc biệt, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực, được Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương và lãnh đạo các bộ, ban, ngành ghi nhận.

Trong năm 2021, các cơ quan THADS đã thi hành xong trên 4.000 tỷ đồng. Ngay sau khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng, do có sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, sự nỗ lực của các cơ quan THADS từ 1/10/2021 - 30/11/2021, các cơ quan THADS đã thu được trên 5.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thi hành xong từ (1/10/2020 - 30/11/2021) trên 9.000 tỷ đồng.

Trong những kết quả chung đó, có sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tư pháp, sự chủ động vào cuộc của Tổng cục THADS, của các bộ, ngành, địa phương. Qua đó, nhiều vướng mắc, bất cập đã được kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện cho các cơ quan THADS nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tư pháp và hệ thống THADS cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế như: Tỷ lệ thu hồi trên tổng số phải thu hồi vẫn còn thấp, chưa đạt như mong muốn; việc xử lý một số tài sản kê biên còn chậm; vẫn còn có hiện tượng cán bộ, công chức vi phạm trình tự, thủ tục trong quá trình tổ chức thu hồi tài sản. Có biểu hiện trông chờ, không thực hiện hết trách nhiệm, ỷ lại cấp trên.

Ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản

Đề cập đến giải pháp về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái cho biết, toàn hệ thống THADS phải xây dựng kế hoạch cụ thể căn cứ vào định hướng của Tổng cục THADS, quyết định giao chỉ tiêu rất chi tiết đối với 9 nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ chính, trong đó đặt trọng tâm ở chỉ tiêu thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Mỗi nhóm chỉ tiêu sẽ đi kèm các giải pháp để thực hiện, trong đó quy định rõ trách nhiệm từ các đơn vị thuộc Tổng cục, cục đến các chi cục THADS.

Tổ chức, kiểm soát thật tốt việc thực hiện kế hoạch, nhất là đối với những vấn đề phát sinh sẽ tiến hành các biện pháp, giải pháp phù hợp. Đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện các vụ việc thi hành án có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng những việc lớn, những vụ việc có điều kiện thi hành và có thể thi hành dứt điểm.

Tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp thanh tra, kiểm sát, bảo đảm việc thi hành án hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra sai phạm. Nếu sai phạm, thiếu sót thì phải phát hiện sớm, khắc phục ngay từ đầu; không làm phát sinh các điểm nóng, các vụ việc phức tạp.

Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Bộ Tư pháp tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Tổ chức nghiên cứu hoàn thiện về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; tập trung hoàn thiện chính sách hình sự đối với người phạm tội tham nhũng đã chủ động khắc phục hậu quả; rà soát, sửa đổi bổ sung quy định về thi hành án dân sự, trước mắt sửa đổi, bổ sung bất cập về uỷ thác thi hành án dân sự (được quy định tại Điều 55, 56, 57 Luật THADS); xây dựng trình tự, thủ thục riêng về thi hành án các vụ án tham nhũng, kinh tế trong giai đoạn thi hành án dân sự; hoàn thiện quy định về thẩm định giá, bán đấu giá tài sản đã kê biên, phong toả để thi hành án.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hoàn thiện cơ chế tương trợ tư pháp về hình sự để thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý tài sản phạm tội ở nước ngoài.

Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan tố tụng nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong toả tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản.

Các cơ quan điều tra nghiên cứu hoàn thiện quy định của pháp luật về kê biên tài sản, phong toả tài khoản. Trước mắt, cần rà soát, phát hiện những nội dung pháp luật còn bỏ trống, chưa cụ thể để tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên ngành Trung ương để kịp thời tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thu hồi tài sản.

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của cơ quan THADS, tăng cường phối hợp trong công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm sát công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nhất là công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đẩy mạnh hoạt động tương trợ tư pháp, sớm phát hiện và xử lý tài sản phạm tội ở nước ngoài; tăng cường trách nhiệm của Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp và Kiểm sát viên trong việc thực hiện chức năng kiểm sát đối với các vụ việc này.

Tòa án Nhân dân Tối cao tiếp tục chỉ đạo các Tòa án Nhân dân có thẩm quyền tích cực phối hợp với các cơ quan THADS, khẩn trương giải thích, đính chính bản án hoặc có văn bản trả lời kiến nghị của cơ quan THADS; chuyển giao đầy đủ, kịp thời, đúng quy định bản án và các tài liệu kèm theo để cơ quan THADS kịp thời tổ chức thi hành.

Thái Hải