Tham nhũng ghé thăm các ngóc ngách trong kịch bản phản ứng COVID-19

Nam Phi hiện là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ 5 trên thế giới. Đứng trước những thách thức của cuộc khủng hoảng dịch bệnh và nguy cơ tham nhũng hiện hữu, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa vừa công bố một cuộc điều tra tham nhũng được tiến hành trên phạm vi rộng, nhằm tránh phải chịu tác động kép từ 2 mối lo ngại.

Theo nhà lãnh đạo Nam Phi, cuộc điều tra được thiết lập nhằm xem xét, vạch trần các quan chức tham nhũng, bán rẻ đạo đức và các công ty tư nhân đã cướp đi số tiền khổng lồ lẽ ra được phân bổ sử dụng để bảo vệ sinh mạng và sinh kế của 57 triệu dân trong nước.

"Hơn bất cứ lúc nào, tham nhũng khiến cuộc sống của chúng ta gặp nguy hiểm", Tổng thống Cyril Ramaphosa nói trong bài phát biểu trên sóng quốc gia cuối tuần trước.

Ông cũng nhấn mạnh, thực phẩm cho người nghèo, trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) cho nhân viên y tế và trợ cấp cho những người bị mất việc bởi đại dịch đều bị tham nhũng ghé thăm.

Nam Phi được xem là quốc gia có kịch bản chuẩn bị tốt nhất ứng phó với COVID-19 trong số các quốc gia châu Phi cận Sahara, nhưng vấn nạn tham nhũng tràn lan tồn tại suốt nhiều năm nay đã làm suy yếu các cơ quan, tổ chức, bao gồm cả hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe nơi đây.

Tháng 10 năm ngoái, người đứng đầu Đơn vị Điều tra đặc biệt của Chính phủ cho biết, gian lận, lãng phí và lạm dụng quyền lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã khiến đất nước mất 3,2 tỷ USD mỗi năm. Và đó là trong điều kiện bình thường, không có dịch bệnh. Đơn vị này đã tiến hành điều tra hơn 20 vụ việc bị cáo buộc tham nhũng có liên quan đến tiền cứu trợ COVID-19.

Nam Phi hiện ghi nhận 445.433 ca nhiễm bệnh (số liệu cập nhật lúc 12giờ ngày 27/7), chiếm hơn một nửa tổng số ca bệnh của cả châu Phi, và số ca tử vong vì COVID-19 là 6.769 ca. Trong khi, một báo cáo mới đây cho thấy, số người chết trên thực tế có thể cao hơn.

Các bệnh viện công những tháng vừa qua đã phải vật lộn với dịch bệnh và một số cán bộ nhân viên y tế đã công khai nỗi sợ hãi của mình.

Lo lắng, sợ hãi của họ là không tránh khỏi, khi ở Nam Phi, hơn 5.000 cán bộ nhân viên y tế đã bị nhiễm COVID-19.

Mới đây, Hãng BBC đã công bố điều tra độc quyền trong nhiều tuần cho thấy hình ảnh kinh hoàng trong các bệnh viện quá tải bệnh nhân COVID-19 ở Nam Phi.

Khi các nhân viên quan trọng đình công hoặc nhiễm COVID-19 ở tỉnh Đông Cape, các y tá buộc phải làm cả công việc của người lau chùi, bác sĩ phẫu thuật phải tự giặt đồ và liên tục xảy ra sự cố thai nhi chết trong bụng mẹ tại các khoa sản thiếu nhân viên trầm trọng.

Tiến sĩ John Black - chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở thành phố Port Elizabeth - tâm điểm của cuộc khủng hoảng y tế ở Nam Phi cho biết: Các bệnh nhân đang giành giật nhau nguồn cung ô xy tại Bệnh viện Livingstone ở Port Elizabeth. Các bác sĩ và y tá đang phải sống trong tình hình như thời chiến: máu, chất thải ngập sàn, thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân, thiếu ô xy, thiếu xe cứu thương trầm trọng, không có hệ thống thông khí và bệnh nhân nằm vạ vật khắp nơi...

Theo BBC, hệ thống y tế Nam Phi trên bờ vực sụp đổ khi đại dịch COVID-19 hoành hành. Tổng thống Cyril Ramaphosa đã phải lên tiếng cảnh báo “bão đang trên đầu chúng ta”.

Tham nhũng liên quan đến đại dịch được báo cáo trên khắp Nam Phi

Trong khi các y tá và nhiều nhân viên y tế khác lên tiếng cầu xin sự bảo vệ nhiều hơn, thì số lượng các vụ gian lận nghiêm trọng liên quan đến nguồn cung cấp cần thiết các thiết bị bảo hộ y tế lại gia tăng.

Sau khi tăng giá các mặt hàng khẩu trang lên tới 900%, 2 công ty là Sicuro Safety và Hennox Supplies đã thừa nhận vi phạm và bị xử lý.

Ở tâm điểm mới của dịch bệnh là tỉnh Gauteng, một công ty cung cấp trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho Chính phủ đã tính giá cao gấp 4 lần so với giá thông thường đối với mặt hàng khẩu trang phẫu thuật.

Trong khi đó, các sản phẩm dùng để sát trùng được bán với giá gấp đôi bình thường.

Đáng kể, một chuỗi nhà thuốc lớn đã bị xử phạt vì tăng giá khẩu trang.

Tại tỉnh Kwazulu-Natal, Chính phủ đã đình chỉ các quan chức bị cáo buộc sai phạm liên quan đến việc mua hàng ồ ạt quá mức. Cụ thể, những người này đã mua thiết bị bảo hộ cá nhân và chăn cho người nghèo lên tới 3,4 triệu USD.

Còn tại tỉnh Đông Cape, một trong những vùng nghèo nhất và điểm nóng COVID-19 hiện nay, cũng phải đối mặt với các nghi vấn về việc "mua xe scooter khẩn cấp", không phù hợp với tình hình địa phương.

Sở Y tế tỉnh Đông Cape bị cáo buộc mua 100 xe máy có giá khoảng 8.400 USD/chiếc, mặc dù giá bản lẻ của mỗi chiếc xe này là khoảng 3.290 USD.

Ngoài ra, còn có cả cáo buộc xuất hiện các tổ chức từ thiện giả mạo để khai thác các quỹ cứu trợ.

Tuần trước, Cơ quan Chống tham nhũng Nam Phi (Corruption Watch) cũng đã công bố báo cáo về tham nhũng trong lĩnh vực y tế. Theo đó, cơ quan này đã nhận được khoảng 700 khiếu nại, tố cáo tham nhũng liên quan đến y tế kể từ khi ra mắt vào năm 2012.

Corruption Watch ghi nhận, tham nhũng y tế xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ tham ô tiền cho tới mua sắm bất thường, dẫn tới tình trạng thiếu thuốc men và thiết bị y tế bị hỏng hóc; hoặc áp lực phải hối lộ để được tiếp cận các dịch vụ y tế - vốn là quyền cơ bản của con người.

Cũng theo Corruption Watch, trong y tế, tham nhũng phổ biến nhất tại lĩnh vực việc làm (39%), tiếp đến là mua sắm (22%), và chiếm dụng tài nguyên (16%).

Tham nhũng trong mua sắm thường được thấy là thổi giá, bất thường trong trao thầu, ưu ái các nhà cung cấp và "lại quả" các quan chức khi hợp đồng được trao.

Nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Thất nghiệp ở Nam Phi đã tăng trên 30%, với khoảng 3 triệu người bị mất việc trong tháng đầu tiên đất nước thực thi các giải pháp đóng cửa.

Nhiều gia đình đã phải sống dựa vào các gói thực phẩm cứu trợ của Chính phủ.

Trong khi đó, thật đáng đau xót, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ghi nhận các báo cáo về gian lận trong chi trả, thanh toán.

Tại một vụ việc, khoản chi 478.900 USD cho 200 người lao động đã được trả vào tài khoản ngân hàng của một cá nhân.

Hoài Phương