Vào cuối tháng 5 vừa qua, vẫn là tập đoàn khai thác và kim loại lớn thứ hai của Anh-Úc (đứng sau BHP), chuyên sản xuất quặng sắt, đồng, kim cương, vàng và uranium - Rio Tinto - đã cho nổ tung các hầm đá từng là nơi trú ngụ của tộc người Puutu Kunti Kurrama và Pinikura có niên đại lên tới 46.000 năm tuổi để dọn đường cho việc mở rộng một mỏ quặng sắt.

Nằm trong dự án Brockman 4 được cấp phép vào tháng 4/2013, hoạt động khai thác trên đã gây thiệt hại đến nhiều loại cổ vật.

Dư luận bàng hoàng. Bản thân các nhân viên của Rio Tinto cũng vô cùng bức xúc. Cổ đông yêu cầu thay đổi. Gã khổng lồ khai thác đối thủ, BHP, cũng đã nhanh chóng tạm dừng kế hoạch phá dỡ 40 địa điểm của thổ dân trong cùng một khu vực giàu sắt.

Đại diện về bảo vệ tài sản văn hoá và hoà bình của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), ông Peter Stone nhận định, việc phá huỷ di tích khảo cổ tại hẻm núi Juukan là một trong những thiệt hại tồi tệ nhất của lịch sử đương đại, giống như việc Taliban đốt cháy các bức tượng Phật Bamiyan.

Rio Tinto đã tiến hành một cuộc đánh giá nội bộ. Hội đồng Liên bang đã có cuộc điều tra về bối cảnh dẫn đến sự kiện này. Và, 4 tháng sau, Giám đốc Điều hành của Rio Tinto cùng 2 quản lý cấp cao khác đã phải từ chức.

Điều đáng quan tâm là, thiệt hại chỉ được phát hiện khi những người bản địa tình cờ ghé thăm hẻm núi Juukan hôm 15/5. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại vụ và Đất đai Ben Wyatt ch‌o biết, ông không nhận được thông tin về vụ khai thác.

Trên thực tế, việc các công ty khai thác phá hủy các địa danh văn hóa của người bản địa không phải là mới. Thậm chí, đây là một hành vi được luật pháp cho phép và được lặp lại ở nhiều nơi trên khắp thế giới.

Việc phá hủy này được tạo điều kiện thực thi bởi sự thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình, trong khi lợi nhuận tối đa được đưa lên hàng đầu. Và, chúng ta không thể để điều này tiếp tục tồn tại.

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Úc, cần những cải cách mạnh mẽ. Để di sản văn hóa bản địa được bảo vệ, các công ty và Chính phủ phải hành động với tính minh bạch và trách nhiệm cao hơn, đồng thời tôn trọng và bảo đảm quyền của người bản địa trong việc đạt được thỏa thuận với sự tự do, ưu tiên và đầy đủ thông tin (FPIC).

Những nguyên tắc vừa nêu có thể áp dụng cho cả Chính phủ và khối doanh nghiệp, ở Úc và trên toàn cầu, có thể diễn giải cụ thể như sau:

- Các cuộc đàm phán và thỏa thuận với người bản địa phải không bị ép buộc hay bị ảnh hưởng không đúng đắn;

- Việc cân nhắc và tham vấn ý kiến của người dân bản địa phải được đưa ra trước khi có bất kỳ sự triển khai nào;

- Tất cả các thành viên của nhóm bản địa cần được thông báo đầy đủ thông tin về khai thác mỏ và các dự án lớn khác để có cơ hội đưa ra ý kiến hoặc từ chối, không đồng ý.

Vấn đề tham nhũng

Không chỉ ở Úc mà tại nhiều quốc gia khác, cộng đồng người dân sống gần các địa điểm khai thác không được cung cấp đầy đủ thông tin mà họ cần và đáng được biết. Họ không được tư vấn và tham gia một cách có ý nghĩa về tác động của việc khai thác đối với cuộc sống của họ; và quá thường xuyên, các quy tắc không được tuân thủ hoặc thực thi đầy đủ.

Vấn đề này khá phức tạp đối với các cộng đồng bản địa. Bởi, nơi các công ty khai thác mỏ hoạt động thường là ở vùng sâu, vùng xa. Người dân bản địa có mối liên hệ đặc biệt về lịch sử, văn hóa và tinh thần với vùng đất này, tuy nhiên, họ thường bị thiệt thòi do khả năng tiếp cận y tế, giáo dục, cơ hội kinh tế và tiếng nói chính trị kém hơn.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế Úc, được công bố vào năm 2017, phát hiện một số nguy cơ tham nhũng nghiêm trọng trong cách thức trao quyền khai thác ở Tây Úc. Đó là:

1) Những cuộc đàm phán và thỏa thuận giữa các nhóm thổ dân và các công ty khai thác thường bị ảnh hưởng bởi sự thiếu minh bạch và mất cân bằng quyền lực đáng kể.

Không có sự minh bạch, những người thổ dân trông coi đất đai không thể thấy rõ họ được hứa hẹn những lợi ích gì, hoặc những tác động môi trường, xã hội hay di sản đã được thương lượng. Điều này cũng cản trở khả năng của mọi người trong giám sát việc thực hiện các thỏa thuận đó và việc buộc các công ty khai thác phải chịu trách nhiệm.

2) Các khoản quyên góp chính trị hào phóng, các chiến dịch vận động hành lang hiệu quả... đã góp phần tạo nên văn hóa giao tiếp từ các công ty khai thác, và rất khó để từ chối.

Điều này góp phần làm cho môi trường pháp lý bị vẩn đục, tham nhũng xuất hiện. Tại đó, các quy định luật pháp, chính sách được đưa ra một cách thiếu nhất quán hoặc nhiều lần ra khỏi lợi ích công và hướng tới lợi ích của một nhóm hoặc cá nhân nhỏ lẻ.

Ở một bang như Tây Úc - nơi 1/3 tổng sản phẩm của bang đến từ khai thác; và lĩnh vực khai thác mỏ là một tài trợ chính cho các đảng phái chính trị - điều này có thể giải thích tại sao không có đơn xin phá hủy hơn 463 địa điểm nào trong thập kỷ qua bị chính quyền từ chối.

Nghiên cứu toàn cầu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho thấy, nguy cơ tham nhũng trong việc phê duyệt khai thác hiện có ở nhiều khu vực pháp lý. Không quốc gia nào, cho dù giàu có hay nhiều kinh nghiệm đến đâu, có một quy trình đủ mạnh mẽ để trao quyền khai thác nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất của công chúng lên trên hết. Và hậu quả, đặc biệt là đối với người bản địa, có thể rất tàn khốc.

Tăng cường các hàng rào bảo vệ

Các công ty khai thác thường hoạt động ở nhiều khu vực pháp lý. Các công ty cần hành động để đạt được những tiêu chuẩn cao nhất quán bất kể khu vực tài phán và phải tuân theo thông lệ quốc tế tốt nhất. Điều này có nghĩa là tuân thủ các nguyên tắc về thỏa thuận với sự tự do, ưu tiên và đầy đủ thông tin (FPIC).

Bên cạnh đó, các Chính phủ có trách nhiệm bảo vệ văn hóa và di sản bản địa. Và đó là vấn đề chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc tăng cường các chính sách và hành động để bảo vệ cộng đồng - môi trường và văn hóa của họ.

Tháng 8 vừa qua, chính quyền bang Tây Úc đã công bố dự thảo luật để đưa Đạo luật Di sản Thổ dân gần 40 năm tuổi trở nên phù hợp với mong đợi của cộng đồng. Trong đó, bao gồm các biện pháp bảo vệ, minh bạch cũng như trách nhiệm giải trình mới.

Hoài Phương