Cơ quan Chống gian lận thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) vừa ra mắt kế hoạch mới nhằm tăng cường cuộc chiến lâu dài chống lại tham nhũng của EU.

Trong đó, vấn đề được đánh giá lớn nhất là việc thành lập Văn phòng Công tố châu Âu độc lập mới (EPPO). EPPO sẽ có thể thực hiện các cuộc điều tra và truy tố hình sự như một sự bổ sung cho chức năng tư vấn, điều tra một cách nghiêm ngặt của OLAF.

Trong tương lai, các công tố viên châu Âu thuộc EPPO sẽ có thể hợp tác với các tổ chức của EU và chính quyền các địa phương trong nỗ lực giải quyết nạn tham nhũng xuyên biên giới, với quy mô rộng lớn.

Những nỗ lực của họ có thể sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình pháp lý. Điều này là cần thiết, bởi sự chậm trễ về thời gian có thể là một nguyên nhân pháp lý khiến nhiều vụ chống tham nhũng tại các tòa án quốc gia bị dừng lại.

Trưởng Công tố của Cơ quan Chống tham nhũng Romania (DNA), ông Crin Bologa, ngày 6/7 đã nhấn mạnh rằng, những nỗ lực xuyên biên giới của OLAF và EPPO là đặc biệt hiệu quả trong việc bảo vệ lợi ích tài chính của EU.

“Tuần trước, với sự hỗ trợ của các quan chức Bỉ, chúng tôi đã có thể đưa ra tòa một số cá nhân bị cáo buộc rửa tiền và trốn thuế. Những hỗ trợ của họ rất có giá trị", ông Bologa tuyên bố.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc OLAF, Ville Itala, kêu gọi hoạt động truy tố cần được thực hiện hiệu quả hơn và các quốc gia thành viên EU cần nhìn nhận, đánh giá cao hơn đối với các hoạt động của OLAF, nhằm giảm thiểu tham nhũng từ các quỹ. Bởi hiện nay, các vụ tham nhũng ảnh hưởng tới ngân sách của EU thường không được xem trọng như các vụ ảnh hưởng đến ngân sách của quốc gia. Dẫn tới kết quả là, nhiều vụ bị đánh mất tính pháp lý khi không được ưu tiên xem xét kịp thời.

“Một số quốc gia thành viên rất sẵn lòng làm việc với chúng tôi, nhưng không phải tất cả mọi người... Những gì chúng ta thấy là khi đề cập đến tham nhũng, điều quan trọng thực sự phải là công tác phòng ngừa", ông Vitala nói với Báo The Brussels Times.

Đại diện OLAF cho biết, sẽ mở rộng những nỗ lực ngăn chặn tham nhũng xảy ra. "Chúng tôi muốn tăng cường đào tạo con người tại chỗ để có thể phát hiện ra tham nhũng, gian lận ở tất cả các cấp. Đào tạo tại từng địa phương và thu thập thông tin, tôi nghĩ, sẽ là 2 giải pháp chính", ông Vitala nói và tin tưởng, những hiệu chỉnh, sửa đổi của OLAF và Văn phòng Công tố mới có thể giúp nâng cao đáng kể tỷ lệ thành công trong công cuộc chống tham nhũng tầm nhìn 6 năm tới.

Hoài Phương