Trên thực tế, chúng ta không bao giờ có thể quay trở lại với thế giới mà chúng ta đã để lại phía sau, trước khi COVID-19 xuất hiện. Và, điều này có ảnh hưởng rất lớn đến việc chống tham nhũng, quản trị và phát triển.

Với tính nghiêm trọng và tốc độ của những thay đổi chính trị, kinh tế - xã hội có thể xảy ra trong những tháng tới, điều quan trọng là chúng ta cần xác định bản chất tác động của các xu hướng này và xem xét các kết quả tiềm năng khác nhau để có cơ sở hoạch định các kịch bản hay hướng tới những ý kiến mang tầm chiến lược.

Báo cáo mới của TI có tên: "Dẫn đầu xu thế" (Getting Ahead of the Curve), cung cấp thông tin về cuộc bàn luận xung quanh 10 lĩnh vực chính của đời sống xã hội, chính trị và kinh tế, bao gồm từ vấn đề giảm kiểm tra, thiếu công bằng, cho đến vai trò của các công ty công nghệ lớn trong xã hội của chúng ta.

Vấn đề kinh tế và quản trị toàn cầu, vấn đề chính trị nội bộ, vai trò của kinh doanh và công nghệ trong cuộc sống, hay vấn đề mối quan hệ giữa công dân - Nhà nước và thị trường... đang gia tăng nhanh chóng, trở thành những xu hướng chính như là kết quả của cuộc khủng hoảng về kinh tế và sức khỏe.

Nếu các chủ thể chính trị, đặc biệt là trong ngành hành pháp, sử dụng cuộc khủng hoảng COVID-19 để củng cố quyền lực và giữ chặt quyền lực khi đại dịch lắng xuống, thì công tác kiểm tra, công bằng và luật pháp có thể bị đe dọa nghiêm trọng. Điều này cũng gây khó khăn cho hoạt động của các tổ chức giám sát (công dân, xã hội dân sự, truyền thông) và cả các cơ quan chuyên trách (như tòa án) trong việc đấu tranh giảm thiểu các nguy cơ tham nhũng.

Bên cạnh đó, sự bất bình đẳng trong thu nhập có khả năng làm gia tăng tham nhũng, vì giới giàu có và quyền lực nắm trong tay các quy trình chính trị phục vụ lợi ích của chính họ và bảo vệ các đặc quyền của họ.

Cuộc khủng hoảng cũng mang tới nguy cơ nới rộng khoảng cách về chất lượng quản trị trên toàn thế giới. Năng lực quản lý nhà nước có khả năng suy yếu nghiêm trọng ở những nơi vốn đã yếu; công tác kiểm tra, công bằng bị phá hủy thêm ở những nơi vốn không đủ... Tham nhũng sẽ thúc đẩy, và được thúc đẩy bởi những xu hướng này.

Tuy nhiên, điều này có thể không xảy đến với tương lai của chúng ta, với 2 cơ hội rõ ràng xuất hiện từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng.

Thứ nhất, công dân và các nhà hoạt động có thể ngày càng gia tăng sử dụng các công cụ trực tuyến để tham gia vào đời sống khu vực công và các tổ chức.

Những lời cảnh tỉnh từ công dân có thể còn mạnh mẽ hơn ở những nơi cần thiết nhất, và công nghệ mới có thể tạo điều kiện cho các hoạt động công khai cũng như sự tham gia tốt hơn của công dân, các nhà hoạt động.

Mặc dù đại dịch có thể làm gia tăng lượng thông tin sai lệch, tin giả, nhưng COVID-19 cũng có thể giúp người ta nhận thức sâu sắc hơn về thực tế rằng, truy cập vào nguồn thông tin chất lượng tốt, các địa chỉ đáng tin cậy không chỉ rất quan trọng, mà còn là vấn đề của sự sống và cái chết.

Thứ hai, cuộc khủng hoảng hiện tại cũng mang tới một cơ hội để xem xét lại các khái niệm cơ bản, như khái niệm "lợi ích chung". Chúng ta cũng nhận thức ngày càng rõ ràng rằng, mọi người cần được hưởng những hỗ trợ cơ bản, bao gồm: Chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ việc làm hoặc thu nhập cơ bản, và thậm chí các nhu cầu cơ bản hơn như được nghỉ khi có vấn đề về sức khỏe...

Vẫn còn nhiều điều bất ổn, nhưng theo TI, nếu cả 2 cơ hội tiềm năng nêu trên trở thành hiện thực, chúng sẽ cung cấp động lực lớn cho những nỗ lực chống tham nhũng cả trong ngắn hạn và dài hạn. Điều quan trọng, chúng sẽ đóng góp rất lớn cho các hệ thống tổ chức - nơi quyền lực được thực thi và nơi chịu trách nhiệm để mang lại lợi ích cho toàn xã hội hơn là quyền lợi được đảm bảo bất di bất dịch.

Hoài Phương