Hối lộ ở nước ngoài có chi phí và hậu quả to lớn đối với các quốc gia trên toàn cầu. Những "cái giá" đó càng trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch COVID-19. Không ít vụ việc hối lộ ở nước ngoài đã xảy ra trong lĩnh vực y tế thời gian qua, chúng ta không thể lặng im để cho tham nhũng có "cái giá" phải trả bằng mạng sống của nhiều con người.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) vừa có báo cáo có tên "Xuất khẩu tham nhũng", qua đó đánh giá sự thi hành của 47 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, bao gồm 43 quốc gia là thành viên Công ước Chống hối lộ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong việc ngăn chặn hành vi hối lộ ở nước ngoài của các doanh nghiệp quốc tế, và 4 nhà xuất khẩu hàng đầu không phải là thành viên Công ước, là: Trung Quốc, Hồng Công, Ấn Độ và Singapore.

Theo bà Delia Ferreira Rubio, Chủ tịch TI, "tiền bị mất cho hối lộ ở nước ngoài lên tới hàng triệu USD, lẽ ra có thể tới các quỹ dịch vụ cứu sinh như chăm sóc sức khỏe. Rất nhiều Chính phủ đã "nhắm mắt làm ngơ" khi các công ty của họ sử dụng tiền hối lộ để giành được công việc kinh doanh ở thị trường nước ngoài. Các nước G20 và những nền kinh tế lớn khác có trách nhiệm thực thi các quy tắc".

Những điểm nổi bật

Báo cáo phân loại từng quốc gia trong 47 nước được phân tích theo 4 loại mức độ thực thi: Tích cực, Trung bình, Hạn chế, Ít hoặc Không.

Theo đó, chỉ 4 trong số 47 quốc gia được phân tích tích cực thực thi quy tắc chống hối lộ ở nước ngoài. 8 quốc gia thực thi ở mức trung bình.

Đáng lo ngại, gần 3/4 số quốc gia ở mức hạn chế, rất ít hoặc không thực thi các quy tắc chống hối lộ ở nước ngoài.

Con số này bao gồm 1/2 số quốc gia thuộc G20 và 8 quốc gia thuộc top 15 nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Những sự tiến bộ và đi lùi

Kể từ năm 2018, 4 nước (chiếm 12,4% xuất khẩu toàn cầu) đã giảm việc thực thi, trong khi 6 quốc gia (chiếm 6,8% xuất khẩu thế giới) đã cải thiện, có những tiến bộ trong thực hiện các quy tắc chống hối lộ ở nước ngoài.

Đức là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3 (với 7,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu) đã theo đuổi ít hơn các cuộc điều tra và ghi nhận ít hơn các vụ án được khép lại liên quan đến hối lộ, tham nhũng ở nước ngoài.

Tương tự, Italy - thuộc top 10 nhà xuất khẩu lớn (2,6%) cũng đã có những bước lùi - giống như Na Uy.

Cụ thể, cả Đức và Italy đã tụt hạng, từ mức độ thực thi tích cực xuống trung bình.

Ở phía ngược lại, Pháp và Tây Ban Nha (chiếm lần lượt 3,5% và 2% xuất khẩu toàn cầu) đã cải thiện hiệu quả thực thi của mình.

Công tác điều tra

Theo báo cáo "Xuất khẩu tham nhũng", từ năm 2016 - 2019, các quốc gia đã mở ít nhất 421 cuộc điều tra và 93 vụ việc, đã kết luận 244 trường hợp với các biện pháp trừng phạt, trong đó có 125 vụ lớn được kết luận kèm theo án phạt đáng kể.

Đánh giá mức độ tích cực trong thực thi

Có thể thấy, việc tích cực thực thi quy tắc chống hối lộ ở nước ngoài đã giảm hơn 1/3 so với năm 2018.

Năm 2020, chỉ 4/47 quốc gia được đánh giá ở mức tích cực, 4 quốc gia này chiếm 16,5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Trong khi năm 2018, có 7 quốc gia (chiếm 27% xuất khẩu toàn cầu) được đánh giá tích cực.

Theo báo cáo, Mỹ, Anh, Thụy Sỹ, và Israel là các quốc gia duy trì vị trí tích cực thực thi.

Những phát hiện quan trọng khác

Báo cáo cũng nêu rõ những thiếu sót chính trong thông tin về các nỗ lực thực thi và tiến độ chậm của quốc gia trong việc đưa vào thực hiện đăng ký sở hữu lợi ích trung tâm khu vực công - một công cụ quan trọng để phát hiện, điều tra và ngăn chặn hối lộ ở nước ngoài.

Ngoài ra, báo cáo xem xét các vấn đề quan trọng về bồi thường, hợp tác quốc tế, trách nhiệm pháp lý của công ty mẹ - công ty con và hiệu quả hoạt động của quốc gia trong việc cải thiện khuôn khổ pháp lý và hệ thống thực thi để giải quyết tình trạng hối lộ ở nước ngoài.

Khi so sánh các mức độ thực thi với điểm CPI (Chỉ số nhận thức tham nhũng) năm 2019, kết quả cho thấy, điểm CPI cao không đồng nghĩa với việc tích cực thực thi chống hối lộ ở nước ngoài.

Trên thực tế, có 14/20 quốc gia có chỉ số CPI ở top đầu, không thực thi đầy đủ quy tắc về chống hối lộ ở nước ngoài. Thậm chí, quốc gia có vẻ "sạch nhất" về tham nhũng lại là một trong những quốc gia ở mức nghiêm trọng về trừng phạt hối lộ ở nước ngoài.

Khuyến nghị

Báo cáo kêu gọi tất cả quốc gia ký kết Công ước Chống hối lộ của OECD, cũng như các nước xuất khẩu lớn khác trên toàn cầu hành động nhiều hơn nữa để thực thi chống hối lộ ở nước ngoài. Bao gồm:

- Chấm dứt bí mật về quyền sở hữu của các công ty - đóng vai trò là rào cản để phát hiện và điều tra hối lộ ở nước ngoài.

- Công khai số liệu thống kê về thực thi và kết quả các vụ việc để cho thấy tham nhũng quốc tế đang được xử lý như thế nào.

- Ngừng coi hối lộ ở nước ngoài như một loại tội phạm không có nạn nhân và thực hiện đưa tiền bồi thường cho nạn nhân vào quá trình thực thi.

- Tăng cường pháp luật và hệ thống thực thi để xử lý các vụ việc tham nhũng quốc tế phức tạp, cải thiện khuôn khổ hợp tác quốc tế.

- Nghiên cứu gia tăng trách nhiệm của công ty mẹ đối với các hành động của công ty con của họ để giúp ngăn chặn hành vi hối lộ ở nước ngoài và rửa tiền liên quan.

Hoài Phương