2,5 nghìn tỷ USD mỗi năm và các mục tiêu phát triển bền vững

Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững hiện thiếu 2,5 nghìn tỷ USD mỗi năm để có thể thực hiện thành công.

Trong bối cảnh đó, hậu quả kinh tế và sức khỏe của đại dịch COVID-19 đòi hỏi các quốc gia sẽ cần huy động thêm nhiều tiền hơn nữa để có thể thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Tuy nhiên, mọi kế hoạch trở nên khó khăn hơn, khi những nguồn lực quý giá mà các quốc gia có thể sử dụng để đáp ứng các mục tiêu phát triển lại bị mất bởi tham nhũng, trốn thuế và tránh thuế.

Rõ ràng, với khoảng thời gian còn lại là 10 năm để đạt được các mục tiêu vào năm 2030, chúng ta cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa nhằm bảo đảm những nguồn lực cần thiết để chi trả cho dịch vụ công quan trọng như trường học, bệnh viện... không bị chiếm dụng hay che giấu trong các thiên đường thuế ở nước ngoài.

Việc thiếu hụt những hành động phối hợp toàn cầu để ngăn chặn dòng tài chính bất hợp pháp đã, đang và sẽ làm suy yếu sự phục hồi của các quốc gia sau COVID-19 cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bền vững lâu dài.

Để giải quyết những lo ngại đó, Hội đồng Cấp cao về trách nhiệm giải trình, minh bạch và liêm chính tài chính quốc tế để đạt được Chương trình Nghị sự 2030 (FACTI) đã ra đời (tháng 3/2020) và tiến hành các hội nghị quan trọng.

Được thành lập bởi Liên hợp quốc, Hội đồng FACTI bao gồm các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, với nhiệm vụ đề xuất cải cách thể chế có thể giúp kiềm chế dòng tiền bẩn và huy động các nguồn lực để đạt được chương trình nghị sự phát triển đầy tham vọng của Liên hợp quốc.

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), những hội nghị mà FACTI tổ chức là thực sự cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. TI cũng đưa ra đề xuất với Hội đồng FACTI về 3 vấn đề cải cách ưu tiên để giải quyết những tác động nguy hiểm của dòng tài chính bất hợp pháp.

1. Một chương trình nghị sự chung để giải quyết vấn đề ẩn danh, bí mật

Mặc dù hiện nay đã có những khung khổ quốc tế để giải quyết nạn tham nhũng, trốn thuế và tránh thuế, cũng như những hoạt động tội phạm khác liên quan đến dòng tài chính bất hợp pháp, thế nhưng dòng tiền bẩn ồ ạt trên toàn cầu vẫn là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai phát triển bền vững.

Mẫu số chung của vấn đề là sự ẩn danh, bí mật. Các công cụ, tổ chức toàn cầu hiện cần phải làm nhiều hơn nữa để khám phá bí mật và chấm dứt tình trạng ẩn danh.

Bằng cách tổ chức một chương trình nghị sự cốt lõi để ưu tiên giải quyết các vấn đề ẩn danh, bí mật, bao gồm cải cách các tiêu chuẩn báo cáo, chú trọng hơn vào tính minh bạch trong các đánh giá quốc gia và tập trung vào giải quyết vấn đề ẩn danh, bí mật thông qua chính sách công và các nghiên cứu, FACTI có thể đương đầu được với thách thức này.

Hội đồng FACTI cũng nên khuyến khích những nỗ lực phối hợp để bảo đảm các tổ chức, bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và các tổ chức khác cùng hợp tác để chống lại vấn đề ẩn danh, bí mật.

Những nội dung hợp tác cụ thể: Tăng cường tính minh bạch, loại bỏ sự ẩn danh, bí mật quyền sở hữu lợi ích của công ty, doanh nghiệp. Đây là chìa khóa để giải bài toán ẩn danh, xác định đường đi của dòng tiền bẩn. Từ đó, ngăn chặn những tác nhân tham nhũng rút tiền từ các quỹ phát triển, thường được che giấu trong những khu vực pháp lý bí mật và giúp phát hiện các hành vi sai trái.

Ở thời điểm hiện nay, FACTI là tổ chức quốc tế duy nhất có khả năng, nhiệm vụ tìm các giải pháp cho những thách thức này. 

TI bày tỏ mong muốn, Hội đồng FACTI đóng vai trò là người triệu tập, tổ chức cuộc bàn thảo về bí mật và ẩn danh, đồng thời củng cố công việc của các tổ chức cũng như những khung quy định hiện có, và lấp đầy những lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng toàn cầu.

leftcenterrightdel
Hội đồng Cấp cao về trách nhiệm giải trình, minh bạch và liêm chính tài chính quốc tế để đạt được Chương trình Nghị sự 2030 (FACTI) ra đời vào tháng 3/2020. Ảnh: UN FACTI Panel 
 

2. Đăng ký tài sản toàn cầu

Việc thành lập cơ quan đăng ký tài sản toàn cầu, chứa nội dung cơ sở dữ liệu về các công ty, tài sản, hàng hóa có giá trị và các tài sản khác - cùng với danh sách chủ sở hữu lợi ích thực sự - sẽ là một yếu tố then chốt trong chống tham nhũng, trốn thuế và tiền bẩn.

Một cơ quan đăng ký như vậy có thể thúc đẩy những nỗ lực đưa vào thuế tài sản - một biện pháp đang trở nên phổ biến trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Việc che giấu và rửa tiền bất hợp pháp hoặc không kê khai, báo cáo sẽ không còn dễ dàng nếu như cơ quan thuế và cơ quan thực thi pháp luật được trao quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu của cơ quan đăng ký tài sản toàn cầu.

Hầu hết các quốc gia đã sẵn có một số hình thức đăng ký tài sản. Theo thống kê, ít nhất 40 quốc gia có đăng ký tài sản với thông tin về chủ sở hữu thực sự của các công ty. Bên cạnh đó, có một số sáng kiến khác, như tiêu chuẩn báo cáo chung, là nơi lưu lại thông tin về các tài khoản. Tuy nhiên, một cơ quan đăng ký tài sản toàn cầu để giải quyết vấn nạn tham nhũng xuyên quốc gia và tạo điều kiện cho hợp tác quốc tế, thu hồi tài sản hiện vẫn chưa tồn tại.

Do đó, Hội đồng FACTI nên nghiên cứu từ các sáng kiến hiện có để có những đóng góp cho một cơ quan đăng ký tài sản toàn cầu, xác định những yếu tố hoặc cơ sở hạ tầng cần thiết để thiết lập cơ quan này.

3. Thỏa thuận thu hồi tài sản

Theo Sáng kiến về thu hồi tài sản bị đánh cắp (Sáng kiến StAR) của Ngân hàng Thế giới và Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), các nước đang phát triển mất khoảng 20 - 40 tỷ USD mỗi năm cho hối lộ, tham ô và các hành vi tham nhũng khác.

Chỉ một phần nhỏ trong số tiền này được hồi trả cho công dân và người nộp thuế. Phần còn lại không thu hồi được là rất lớn, đã tước đi các dịch vụ công thiết yếu như y tế, giáo dục và những nguồn lực rất cần thiết.

Bởi vậy, một nỗ lực quốc tế lớn là rất cấp thiết để vượt qua những trở ngại, thu hồi được tiền tham nhũng cho đất nước bị mất, bao gồm cả tài sản thất thoát do trốn thuế và các luồng tài chính bất hợp pháp khác.

Một trong những lựa chọn lúc này là tạo ra một công cụ rộng lớn bao trùm tất cả dòng tài chính bất hợp pháp. Một thỏa thuận đa phương mới có thể giúp tăng tốc thu hồi tài sản. Thỏa thuận như vậy nên bao gồm các thủ tục để bồi thường cho các nạn nhân thuộc Nhà nước và ngoài Nhà nước của hối lộ nước ngoài, cũng như các tiêu chuẩn để trả lại các tài sản có thể giải trình được.

Niềm tin

TI kêu gọi Hội đồng FACTI phối hợp tổ chức một chương trình nghị sự đầy tham vọng giữa các tổ chức hiện có để chống lại bí mật tài chính. Như đã nói ở trên, vị thế, khả năng và nhiệm vụ của FACTI là tiến hành phân tích hệ thống đăng ký tài sản hiện có, tận dụng chúng để thiết lập một cơ quan đăng ký tài sản toàn cầu. FACTI cũng có quyền đưa ra những đề xuất để giúp đẩy nhanh việc trả lại tài sản bị chiếm dụng trái phép.

Tính minh bạch và tính toàn bộ trong công việc của Hội đồng FACTI cho đến nay được đánh giá cao. FACTI cho thấy tiềm năng của mình trong việc đạt được những tiến bộ đáng kể qua các hoạt động dày đặc trong những tháng vừa qua.

Xử lý tham nhũng, chấm dứt các hành vi lạm dụng thuế và trả lại những khoản bất chính cho các quốc gia bị đánh cắp có thể giúp các Chính phủ có nguồn lực đầy đủ cho y tế, giáo dục và các dịch vụ công thiết yếu khác, giảm bất bình đẳng trong xã hội và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Bằng cách này, chúng ta có thể bảo đảm các nguồn lực cần thiết để vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 ở hiện tại, cũng như các nhu cầu phát triển dài hạn trên toàn thế giới.

Hoài Phương