Theo phản ánh của người dân tại xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy: Gần đây trên địa bàn khu 8, 9, xã Đồng Trung có việc một số hộ dân tự ý thực hiện việc kè bờ sông Đà dài mấy trăm mét nhưng không hề bị xử lý.

Liên hệ với UBND xã Đồng Trung, phóng viên được cung cấp biên bản làm việc vào ngày 26/4/2023 do ông Hà Ngọc Viên, Chủ tịch UBND xã Đồng Trung chủ trì cùng với Hạt Quản lý đê Tam Thanh đã làm việc với hộ gia đình ông Đỗ Ngọc Thuận và ông Đỗ Minh Sơn, công dân khu 8, xã Đồng Trung về vấn đề đổ đất đá của các hộ này để gia cố đường ra bãi Nổi sông Đà.

Qua kiểm tra hiện trạng, tổ công tác do UBND xã Đồng Trung và Hạt Quản lý đê Tam Thanh phát hiện hộ gia đình ông Đỗ Ngọc Thuận và ông Đỗ Minh Sơn, công dân khu 8, xã Đồng Trung đang đổ đất, đá gia cố mở rộng đoạn đường phục vụ sản xuất ra bãi Nổi khu 8, 9, xã Đồng Trung (tương ứng Km116 đê tả Đà). Tổ công tác đã yêu cầu tạm dừng thi công để làm việc.

Ý kiến của UBND xã Đồng Trung: Tuyến đường phục vụ sản xuất của nhân dân đi ra bãi nổi đã được hình thành từ lâu, nay 2 hộ gia đình gia cố thêm nên UBND xã yêu cầu 2 chủ hộ tạm dừng thi công, thanh thải trả lại hiện trạng đường ban đầu.

Theo ý kiến hộ ông Sơn cho biết: "Tuyến đường ra bãi Nổi này nhiều năm nay bị sạt lở, xói mòn gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển phương tiện, vật tư, phân bón để sản xuất nông nghiệp. Do chưa hiểu biết pháp luật nên chúng tôi đã tự ý vận chuyển đất đắp gia cố đường mà chưa xin phép các cấp thẩm quyền. Chúng tôi thừa nhận việc làm chưa đúng nêu trên và cam kết dừng thi công và từng bước thanh thải bỏ việc gia cố trên".

Từ đó, các bên đã thống nhất kết luận: Yêu cầu gia đình ông Thuận, ông Sơn nghiêm túc thực hiện nội dung cam kết.

leftcenterrightdel
Rõ ràng là đổ đá xây kè lòng sông Đà, nhưng UBND xã Đồng Trung và Hạt Quản lý đê Tam Thanh nói chỉ gia cố đường đi ra bãi Nổi, vậy bãi ở đâu? Ảnh: ND

Ở đây, UBND xã Đồng Trung và Hạt Quản lý đê Tam Thanh đã lập biên bản lập lờ giữa việc 2 hộ dân trên gia cố đường đi từ đường ĐT317 ra bãi Nổi sông Đà vì đường này là đường người dân ra bãi sông bình thường. Sự việc nghiêm trọng là họ đã tự ý thực hiện việc kè bờ sông chứ không phải là gia cố đường đi. Việc làm này rất nguy hiểm vì kè bờ sông Đà bên Phú Thọ thì bên phía huyện Ba Vì, Hà Nội sẽ bị dòng chảy xoáy vào có thể gây xói lở ăn vào bờ.  

Rõ ràng, hộ ông Sơn và hộ ông Thuận đã xây dựng công trình lấn chiếm lòng sông là hoàn toàn sai phạm nhưng không thấy UBND xã Đồng Trung và Hạt Quản lý đê Tam Thanh có đề xuất biện pháp xử lý về hành vi vi phạm.

Theo Điều 25 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định cụ thể về các mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông như sau: Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Kè bờ, gia cố bờ sông, nạo vét, khơi thông luồng để mở mới luồng, tuyến giao thông thủy nội địa, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ không đúng phương án thực hiện được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận gây sạt, lở lòng, bờ, bãi sông hoặc gây ngập úng nặng vùng đất ven sông; Sử dụng phần diện tích lấn sông không đúng mục đích được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận…

Ngoài các mức phạt trên, sẽ buộc phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra; buộc tháo dỡ công trình, dỡ bỏ, di dời các vật gây cản trở dòng chảy.

leftcenterrightdel
Những rọ đá được chuẩn bị để xây dựng rất quy mô. Tính cả đoạn kè này khi hoàn thành cũng phải lên tiền tỷ. Ảnh: ND 

Liên quan đến những vi phạm này, phóng viên Báo Thanh tra liên hệ với Chi cục Thủy lợi Phú Thọ để trao đổi thông tin và được Chi cục Trưởng cho biết là sẽ yêu cầu kiểm tra lại và khi nào có kết quả thì cung cấp thông tin cho báo chí.

Mới đây, ngày 6/7/2023, UBND tỉnh Phú Thọ có Văn bản số 2446 gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Giao thông vận tải; Công an tỉnh và UBND các huyện, thành, thị cho biết: Ngày 5/6/2023, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Văn bản số 2010/UBND-CNXD chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số cơ quan báo chí và thực tế kiểm tra, tình trạng vi phạm các quy định về đê điều, đất đai, giao thông vận tải trong hoạt động của các bến, bãi bốc xếp hàng hóa trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp và chưa có chiều hướng giảm.

Để nhanh chóng chấn chỉnh, khắc phục tình trạng nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện, thành, thị khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh tại văn bản nêu trên.

Trong đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở ngành và các huyện, thành thị tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản số 2010/UBND-CNXD ngày 5/6/2023.

Báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 15/8/2023, theo đó, phải đề xuất các giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai, giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh.

Nam Dũng