Được thành lập đến nay đã gần 20 năm, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Lào Cai (thuộc Sở Tư pháp Lào Cai), với phương châm hoạt động hướng về cơ sở và xác định đối tượng thuộc diện TGPL là nhóm yếu thế trong xã hội, hoạt động TGPL luôn được trung tâm chú trọng đẩy mạnh thực hiện, tập trung vào các lĩnh vực tư vấn, truyền thông ngoài trụ sở, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải.

Từ 4 cán bộ ban đầu, đến nay, bộ máy của trung tâm đã được kiện toàn theo hướng tinh gọn, gồm 19 trợ giúp viên pháp lý và 8 chi nhánh trực thuộc đặt tại 7 huyện và thị xã Sa Pa.

Từ các vụ việc dân sự như ly hôn cho đến những vụ việc vi phạm pháp luật… khi có yêu cầu của các đối tượng được TGPL, Trung tâm TGPL tỉnh Lào Cai luôn đáp ứng tốt các hình thức trợ giúp như tư vấn, bào chữa, bảo vệ trong quá trình tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng.

Để nâng cao chất lượng TGPL, các hoạt động truyền thông cho các đối tượng đặc thù tiếp cận pháp luật được đẩy mạnh. Các hoạt động truyền thông hướng về cơ sở được duy trì bằng các hình thức tuyên truyền tại vùng khó khăn như tổ chức các đợt TGPL lưu động về các xã nghèo, thôn, bản khó khăn, lắp đặt bảng thông tin về TGPL tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, các trợ giúp viên pháp lý kết hợp tham gia các buổi tuyên truyền pháp luật của địa phương.

Sự có mặt của trợ giúp viên pháp lý tại các buổi truyền thông TGPL đã giúp người dân mạnh dạn đặt câu hỏi, cởi mở hơn so với những buổi tuyên truyền truyền thống. Việc giải quyết, tư vấn ngay tại chỗ những trường hợp còn vướng mắc về hồ sơ, giấy tờ đất đai hoặc chế độ, chính sách… giúp người dân hiểu, nắm được quy trình giải quyết, hạn chế sai sót không đáng có.

Theo chương trình Đề án Phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, được UBND tỉnh Lào Cai quan tâm chỉ đạo, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, nhất là nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào, giảm dần tình trạng vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. 

UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 336/KH-UBND ngày 26/12/2017 về việc triển khai thi hành Luật TGPL năm 2017 trên địa bàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo Sở Tư pháp và đơn vị chuyên môn (Trung tâm TGPL Nhà nước), triển khai thực hiện các hoạt động TGPL tới người dân nghèo và những người yếu thế, như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng, tổ chức các đợt truyền thông về địa bàn các thôn, bản nghèo, đặc biệt khó khăn.

Với kế hoạch đã đặt ra, quá trình thực thi Luật TGPL từ năm 2017 đến nay, trung tâm tiếp nhận và giải quyết kịp thời 4.166 vụ việc cho 4.166 đối tượng có yêu cầu. Trong đó, số vụ tham gia tố tụng là 2.123 vụ (chiếm 51%) so với tổng số vụ việc tiếp nhận, đại diện ngoài tố tụng là 6 vụ (chiếm 0,1%), số vụ tư vấn là 2.037 vụ (chiếm 48,9%). Số vụ việc do TGPL thực hiện là 3.722 vụ (chiếm 89,35%); luật sư thực hiện TGPL 13 vụ (chiếm 0,31%); số vụ do cộng tác viên khác thực hiện 431 vụ (chiếm 10,34%). Tỉ lệ số vụ tham gia tố tụng hàng năm đều tăng lên, đảm bảo chỉ tiêu vụ việc tố tụng mà Bộ Tư pháp giao hàng năm, trong đó có 197 vụ việc thành công, không có vụ việc nào gây thiệt hại cho đối tượng được trợ giúp và phát sinh trách nhiệm bồi thường.

Theo bà Nguyễn Thị Hương Thủy, Trưởng Chi nhánh TGPL số 6 huyện Bát Xát, quá trình thực hiện TGPL không chỉ giúp người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, mà còn góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân tại địa phương và hạn chế hành vi vi phạm pháp luật.

Anh Tẩn Láo San ở thôn Séo Pờ Hồ, xã Mường Hum tìm đến Chi nhánh TGPL số 6 huyện Bát Xát với mong muốn được hỗ trợ giải quyết việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của gia đình. Sau khi được hướng dẫn, anh nắm được quy trình cũng như các thủ tục, giấy tờ cần thiết để giải quyết công việc. Anh San cho biết, bản thân được hỗ trợ rất nhiệt tình, từ khâu chuẩn bị hồ sơ đến trình tự, nên công việc được xử lý nhanh chóng.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác TGPL tại tỉnh Lào Cai vẫn gặp những khó khăn nhất định. Với đặc điểm của một tỉnh vùng cao, nên quá trình thực hiện TGPL và triển khai các hoạt động truyền thông về TGPL có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số phải thông qua phiên dịch. Một số buổi truyền thông TGPL tại thôn, bản phải tổ chức vào buổi tối, do ban ngày người dân tập trung làm kinh tế, nên còn gặp nhiều khó khăn.

Bà Trần Thị Chinh, Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh Lào Cai cho biết: Trong thời gian tới, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về TGPL thông qua các đợt trợ giúp tại các xã nghèo, khó khăn; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ TGPL để hỗ trợ cho các đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số.

Đổi mới hình thức, phương thức truyền thông, tăng cường trợ giúp lưu động để người dân biết và tiếp cận với các dịch vụ TGPL. Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Lào Cai cũng sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong hoạt động tố tụng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp.

“Với mục tiêu tập trung vào thực hiện vụ việc TGPL, trong đó chú trọng vụ việc tham gia tố tụng, cùng với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh, thì số lượng và chất lượng vụ việc tham gia tố tụng của trung tâm đều được nâng lên, góp phần thực hiện tốt công cuộc cải cách tư pháp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật", bà Chinh nhấn mạnh.

Nam Dũng