Kế hoạch nhằm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về PCTN; kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực; chỉ đạo của Tỉnh ủy, của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh, của UBND tỉnh về công tác PCTN, tiêu cực; nâng cao trách nhiệm của giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, TP (sau đây viết tắt là các cơ quan, đơn vị) trong việc chỉ đạo, điều hành và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về PCTN.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, liêm chính, kỷ cương; xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo quy định; lành mạnh hoá các quan hệ xã hội thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; khắc phục những hạn chế, yếu kém, tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng; củng cố lòng tin của nhân dân, góp phần giữ vững ổn định tình hình chính trị - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các quy định pháp luật về PCTN, tiêu cực; chú trọng công tác phòng ngừa tham nhũng, chỉ đạo bộ phận tham mưu, đơn vị trực thuộc bám sát nội dung, yêu cầu tại kế hoạch này để xây dựng kế hoạch công tác PCTN của cơ quan, đơn vị, trong đó phải xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, đề ra các giải pháp và thời gian thực hiện cụ thể.

Hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm túc các tổ chức, cá nhân vi phạm, các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc PCTN.

2. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật để có những hành động, việc làm cụ thể tạo chuyển biến thực sự đối với công tác PCTN.

Nội dung tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về PCTN, trọng tâm là: Luật PCTN năm 2018; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kế hoạch số 138-KH/TU ngày 22/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 22/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác PCTN, tiêu cực, lãng phí; tuyên truyền các kết quả nổi bật về công tác PCTN, tiêu cực; tuyên truyền mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác PCTN; giới thiệu, biểu dương gương người tốt, việc tốt, tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện công tác PCTN, tiêu cực.

Về hình thức tuyên truyền: Thực hiện các hình thức tuyên truyền trên báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, đài truyền thanh huyện, TP, hệ thống truyền thanh cơ sở; trang thông tin điện tử, in ấn, phát hành tài liệu, tổ chức hội nghị báo cáo viên, hội nghị của các cơ quan, đơn vị, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi bộ, các cuộc họp cơ quan, đơn vị; các đơn vị căn cứ điều kiện, tình hình cụ thể để lựa chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp; chú ý đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao tác dụng, hiệu quả công tác tuyên truyền.

3. Thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng

a) Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị

Các cơ quan, đơn vị thực hiện công khai, minh bạch theo quy định tại Mục 1, Chương II của Luật PCTN năm 2018 và công khai trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch tự kiểm tra việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị để phòng, ngừa tham nhũng, tiêu cực; tổng hợp kết quả tự kiểm tra gửi về Thanh tra tỉnh để tổng hợp báo cáo chung.

b) Xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn

Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện nghiêm túc các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ để áp dụng tại đơn vị, việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ và đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định, phục vụ hiệu quả hoạt động của đơn vị; xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch tự kiểm tra nội bộ về việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tổng hợp kết quả tự kiểm tra gửi về Thanh tra tỉnh để tổng hợp báo cáo chung.

c) Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn và chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức

- Về thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý phải thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử, bao gồm nhũng việc phải làm, hoặc không được làm phù hợp với quy định của pháp luật và đặc thù nghề nghiệp nhằm đảm bảo liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 04/10/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 30/8/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công vụ, công chức, nhất là việc thực hiện quy tắc ứng xử, những việc cán bộ, công chức không được làm, trách nhiệm giải trình, việc thực thi công vụ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm điểm, xác minh, kết luận khi có dấu hiệu tham nhũng theo quy định pháp luật.

- Về tặng quà và nhận quà tặng

Cơ quan, đơn vị và người có chức vụ, quyền hạn không được sử dụng trái quy định tài chính công, tài sản công làm quà tặng dưới mọi hình thức; không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan đến công việc do mình hoặc cơ quan, đơn vị mình giải quyết hoặc quản lý.

- Về kiểm soát xung đột lợi ích

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về xung đột lợi ích; nhận diện các dấu hiệu có xung đột lợi ích theo quy định của Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 59/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ; thực hiện xử lý thông tin, phản ánh, kiến nghị về xung đột lợi ích; chỉ đạo thực hiện các biện pháp xử lý về xung đột lợi ích; định kỳ tổng hợp báo cáo các trường hợp có xung đột lợi ích đã được giải quyết.

- Về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức

Tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ; Công văn số 5436/UBND-NC ngày 20/11/2020 của UBND tỉnh về chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

d) Thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ đạo thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của Luật PCTN năm 2018; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ; tiếp nhận, quản lý, bàn giao bản kê khai về cơ quan Kiểm soát tài sản, thu nhập; công khai bản kê khai theo quy định; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai; tổng hợp báo cáo kết quả kê khai theo quy định.

đ) Thực hiện chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng

- Thực hiện nghiêm chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng theo quy định của Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

- Định kỳ các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm kiểm điểm, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện trách nhiệm người đứng đầu trong việc phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng và báo cáo kết quả xử lý trách nhiệm người đứng đầu thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị khi xảy ra vụ việc liên quan đến tham nhũng.

e) Cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán

- Về cải cách hành chính

Tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2022 - 2025 và kế hoạch cải cách hành chính hàng năm của tỉnh; chỉ đạo thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước; rà soát, thống kê, bổ sung kịp thời những thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ theo quy định; công khai thủ tục hành chính; giải quyết kịp thời các công việc hành chính của người dân, doanh nghiệp; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phương án ”5 tại chỗ”; tổ chức kiểm soát các thủ tục hành chính theo quy định; tiến hành thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ và giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước.

- Về thực hiện phương thức thanh toán qua tài khoản

Các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; trả lương qua tài khoản, sử dụng hồ sơ, hóa đơn điện tử trong thanh toán; Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước Thái Bình thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện trả lương qua tài khoản, thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định, triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin.

g) Về tình hình tham nhũng vặt

Các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 09/9/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 5049/UBND-NC ngày 27/10/2020 của UBND tỉnh về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc phát hiện, xử lý tình trạng “tham nhũng vặt” ở cơ quan, đơn vị; tập trung ở các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm để xử lý nghiêm và công khai nhằm tăng cường răn đe, chấn chỉnh.

h) Về công tác giám định tư pháp, kê biên, thu hồi tài sản tham nhũng

Các tổ chức, cá nhân làm công tác giám định, định giá tài sản kịp thời thực hiện các yêu cầu trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng về giám định, định giá tài sản, cung cấp tài liệu phục vụ yêu cầu điều tra các vụ việc, vụ án, nhất là các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo, các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

i) Về việc thực hiện công tác PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước

Các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước theo quy định của Luật PCTN năm 2018 và các luật khác có liên quan ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp trong đơn vị; thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa, kiểm soát xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng; thực hiện tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức mình; có trách nhiệm phản ánh, tố cáo, báo cáo khi phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước theo quy định; xử lý nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại đơn vị.

4. Công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng

a) Công tác tự kiểm tra nội bộ

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch tự kiểm tra nội bộ trong đơn vị; theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý nhằm ngăn ngừa và kịp thời phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Chỉ đạo việc tự kiểm tra về tài chính, kế toán theo quy định của Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

b) Công tác thanh tra gắn với đấu tranh PCTN

Thanh tra tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ đạo tiến hành thanh tra, kiểm tra theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt. Công tác thanh tra, kiểm tra cần chú trọng việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm (nếu có); kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập trong quản lý. Tăng cường công tác xử lý sau thanh tra; các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra phải được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kịp thời theo quy định pháp luật.

c) Công tác giải quyết khiếu nại; tố cáo hành vi tham nhũng

Tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2018, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

d) Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm về PCTN

Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, xác định nội dung trọng tâm, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong triển khai thực hiện; xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân có vi phạm. Các vụ việc liên quan đến tham nhũng phải được giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

đ) Công tác điều tra, truy tố, xét xử

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử các vụ án về tham nhũng, kinh tế mới phát hiện, đảm bảo không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; đồng thời, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ án tồn đọng nhằm củng cố lòng tin trong nhân dân và góp phần phòng ngừa tội phạm tham nhũng.

5. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí trong việc thực thi Luật PCTN

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trong việc tuyên truyền, giáo dục nhân dân và các thành viên tổ chức mình thực hiện quy định của pháp luật về PCTN; xem xét kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên về các biện pháp nhằm phát hiện và phòng ngừa tham nhũng; xử lý kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp và người dân do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên yêu cầu; phối hợp và tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông tham gia giám sát việc thực hiện công tác PCTN theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan báo chí tích cực phát huy việc phát hiện tham nhũng; phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan chức năng để phục vụ việc xem xét, xử lý vụ việc tham nhũng mà báo chí đã phát hiện.

Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định số 65-QĐ/TW ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền PCTN; kịp thời chỉ đạo, định hướng, cung cấp đầy đủ thông tin về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN; kết quả công tác PCTN nhất là những thông tin được dư luận đặc biệt quan tâm.

(Còn nữa)