Quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra được gửi ngay đến đối tượng thanh tra  để thực hiện

Các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình cung cấp thông tin, tài liệu cho đơn vị chủ trì để xây dựng quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra; khi thấy cần thiết, đơn vị chủ trì thu thập thông tin, tài liệu và làm việc với các cơ quan có liên quan để thống nhất nội dung quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra; đơn vị chủ trì tiếp thu các ý kiến tham gia, hoàn thiện quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra, xin ý kiến của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và trình Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành; quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ được gửi ngay đến Kiểm toán Nhà nước, thanh tra bộ, thanh tra tỉnh và đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện.

Trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch thanh tra của bộ, thanh tra bộ chủ trì, phối hợp với thanh tra tổng cục, cục, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ, thuộc tổng cục và tương đương tham mưu việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra của bộ; thanh tra tổng cục, cục, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ, thuộc tổng cục và tương đương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình cung cấp thông tin, tài liệu cho thanh tra bộ để tham mưu điều chỉnh kế hoạch thanh tra; khi thấy cần thiết, thanh tra bộ thu thập thông tin, tài liệu và làm việc với các cơ quan có liên quan để thống nhất việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra.

Chánh thanh tra bộ chủ trì làm việc với chánh thanh tra tổng cục, cục, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ, thuộc tổng cục và tương đương về dự thảo quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra của bộ; tiếp thu các ý kiến tham gia để hoàn chỉnh quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra của bộ trình bộ trưởng ban hành; quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra của bộ được gửi về Thanh tra Chính phủ để báo cáo; gửi ngay đến Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam và thanh tra tỉnh để phối hợp xử lý chồng chéo, trùng lặp (nếu có); đồng thời, thông báo cho đối tượng thanh tra và cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện.

Trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh tham mưu việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra của Bảo hiếm xã hội Việt Nam; bảo hiểm xã hội tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình cung cấp thông tin, tài liệu cho Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tham mưu điều chỉnh kế hoạch thanh tra. Khi thấy cần thiết, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam thu thập thông tin, tài liệu và làm việc với các cơ quan có liên quan để thống nhất việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra; Chánh Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì làm việc với giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh về dự thảo quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; tiếp thu các ý kiến tham gia để hoàn chỉnh quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành;

Quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được gửi về Thanh tra Chính phủ để báo cáo; gửi ngay đến Kiểm toán Nhà nước, thanh tra bộ, thanh tra tỉnh để phối hợp xử lý chồng chéo, trùng lặp (nếu có); đồng thời, thông báo cho đối tượng thanh tra và cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện.

Trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch thanh tra của tỉnh, thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với thanh tra sở, thanh tra huyện tham mưu việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra của tỉnh; thanh tra sở, thanh tra huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình cung cấp thông tin, tài liệu cho thanh tra tỉnh để xây dựng quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra. Khi thấy cần thiết, thanh tra tỉnh thu thập thông tin, tài liệu và làm việc với các cơ quan có liên quan để thống nhất nội dung quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra; chánh thanh tra tỉnh tiếp thu các ý kiến tham gia để hoàn chỉnh quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra của tỉnh trình chủ tịch UBND tỉnh ban hành.

Quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra của tỉnh được gửi về Thanh tra Chính phủ để báo cáo; gửi ngay đến Kiểm toán Nhà nước, thanh tra bộ để phối hợp xử lý chồng chéo, trùng lặp (nếu có); đồng thời, thông báo cho đối tượng thanh tra và cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện. Quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra được thực hiện theo mẫu số 04 ban hành kèm theo thông tư này.

Cơ quan thanh tra cấp trên có trách nhiệm kiểm tra việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra của cấp dưới

Về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra, Chương V Thông tư quy định, việc theo dõi, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra được tiến hành bằng hình thức yêu cầu gửi báo cáo. Cơ quan thanh tra cấp trên tiến hành theo dõi, đôn đốc đối với cơ quan thanh tra cấp dưới để bảo đảm việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra theo đúng quy định của pháp luật và nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm và xử lý chồng chéo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra.

Về thẩm quyền, Thanh tra Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra của bộ, của tỉnh và của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; thanh tra bộ theo dõi, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra của thanh tra tổng cục, cục, của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ, thuộc tổng cục và tương đương; Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo dõi, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra của bảo hiểm xã hội tỉnh; thanh tra tỉnh theo dõi, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra của thanh tra sở, thanh tra huyện.

Cơ quan thanh tra cấp trên có trách nhiệm kiểm tra việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra của cấp dưới và được thực hiện như thẩm quyền theo dõi, đôn đốc được quy định tại khoản 3 Điều 17 Thông tư này. Việc kiểm tra được thực hiện không quá 1 lần/năm hoặc kiểm tra đột xuất khi xét thấy cần thiết.

Thời gian kiểm tra không quá 3 ngày làm việc đối với một cơ quan, đơn vị được Thanh tra Chính phủ kiểm tra, không quá 2 ngày làm việc đối với một cơ quan, đơn vị được thanh tra bộ, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thanh tra tỉnh kiểm tra.

Trước khi tiến hành kiểm tra, cơ quan thanh tra phải có văn bản gửi cơ quan, đơn vị được kiểm tra trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung, thành phần tổ kiểm tra.

Cơ quan, đơn vị được kiểm tra có trách nhiệm chuẩn bị thông tin, tài liệu liên quan và báo cáo kết quả việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.

Tổ kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra theo đúng thời gian, địa điểm, nội dung và không được gây khó khăn cho cơ quan, đơn vị được kiểm tra. Kết thúc kiểm tra, tổ kiểm tra phải báo cáo bằng văn bản về kết quả kiểm tra với thủ trưởng cơ quan thanh tra tiến hành kiếm tra.

Báo cáo phải nêu rõ tình hình, kết quả việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra của cơ quan, đơn vị được kiểm tra; khó khăn, vướng mắc về việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra hoặc chồng chéo kế hoạch thanh tra (nếu có); kiến nghị xử lý các khó khăn, vướng mắc hoặc chồng chéo (nếu có); các nội dung khác (nếu có).

Phương Hiếu