Về xây dựng kế hoạch thanh tra, Chương II Thông tư quy định, nội dung kế hoạch thanh tra gồm nội dung thanh tra; đối tượng thanh tra; cơ quan, đơn vị tiến hành thanh tra (cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp); các nội dung khác có liên quan (nếu có). Tờ trình ban hành kế hoạch thanh tra, quyết định ban hành kế hoạch thanh tra và kế hoạch thanh tra được thực hiện theo mẫu số 01, mẫu số 02 và mẫu số 03 ban hành kèm theo thông tư này.

Căn cứ xây dựng kế hoạch thanh tra gồm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ; định hướng chương trình thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; yêu cầu công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ; yêu cầu công tác quản lý nhà nước và việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại hằng năm của các bộ, ngành, địa phương; các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được đăng tải trên báo chí hoặc dư luận xã hội quan tâm; các căn cứ khác theo quy định của pháp luật.

Đơn vị chủ trì có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra; các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình đề xuất kế hoạch thanh tra và cung cấp thông tin, tài liệu cho đơn vị chủ trì để xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra. 

Thông tin, tài liệu để xây dựng kế hoạch thanh tra gồm các thông tin, tài liệu được quy định tại khoản 1 Điều 9; các thông tin, tài liệu do các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ cung cấp.

Trên cơ sở thông tin, tài liệu thu thập được, đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra; đơn vị chủ trì lấy ý kiến của các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ tham gia vào dự thảo kế hoạch thanh tra. Khi thấy cần thiết, đơn vị chủ trì tham mưu Tổng Thanh tra Chính phủ làm việc với các cơ quan có liên quan để thống nhất nội dung dự thảo kế hoạch thanh tra. Đơn vị chủ trì tiếp thu các ý kiến tham gia, hoàn thiện dự thảo kế hoạch thanh tra, xin ý kiến của các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và trình Tổng Thanh tra Chính phủ.

Hồ sơ trình Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành kế hoạch thanh tra gồm tờ trình của đơn vị chủ trì về việc ban hành kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ; dự thảo kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ; dự thảo quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc ban hành kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ; báo cáo tổng hợp các ý kiến tham gia vào dự thảo kế hoạch thanh tra (nếu có); các thông tin, tài liệu khác (nếu có).

Đơn vị chủ trì trình Tổng Thanh tra Chính phủ dự thảo kế hoạch thanh tra chậm nhất vào ngày 10/11 hằng năm. Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành kế hoạch thanh tra chậm nhất vào ngày 15/11 hằng năm.

Kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ được gửi ngay đến Kiểm toán Nhà nước để phối hợp xử lý chồng chéo, trùng lặp (nếu có); đồng thời, gửi ngay đến thanh tra bộ, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thanh tra tỉnh và thông báo cho đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện.

Kế hoạch thanh tra của bộ bao gồm kế hoạch thanh tra của thanh tra bộ, kế hoạch thanh tra của thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ và kế hoạch thanh tra của các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ, thuộc tổng cục và tương đương.

Căn cứ xây dựng kế hoạch thanh tra, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ, thuộc tổng cục và tương đương; định hướng chương trình thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra của Tổng Thanh tra Chính phủ; yêu cầu công tác quản lý nhà nước của bộ, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ, thuộc tổng cục và tương đương; yêu cầu công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ, thuộc tổng cục và tương đương.

Các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được đăng tải trên báo chí hoặc dư luận xã hội quan tâm và căn cứ khác theo quy định của pháp luật.

Thông tư quy định chánh thanh tra bộ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm của thanh tra bộ; chánh thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thanh tra của cơ quan mình, xin ý kiến tổng cục trưởng, cục trưởng xem xét, quyết định và gửi cho thanh tra bộ để tổng hợp, xây dựng kế hoạch thanh tra của bộ; thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm của cơ quan mình và gửi cho thanh tra bộ để tổng hợp, xây dựng kế hoạch thanh tra của bộ; thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc tổng cục và tương đương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm của cơ quan mình, xin ý kiến tổng cục trưởng và tương đương xem xét, quyết định và gửi cho thanh tra bộ để tổng hợp, xây dựng kế hoạch thanh tra của bộ.

Dự thảo kế hoạch thanh tra được quy định tại các điểm b, c và d khoản 3 Điều 10 được gửi về thanh tra bộ chậm nhất vào ngày 10/11 hằng năm để tổng hợp, xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm của bộ.

Thông tin, tài liệu để xây dựng kế hoạch thanh tra gồm các thông tin, tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 10 và các thông tin, tài liệu do các đơn vị thuộc thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ, thuộc tổng cục và tương đương thu thập cung cấp.

Bài 3: Chánh thanh tra bộ trình bộ trưởng dự thảo kế hoạch thanh tra chậm nhất vào ngày 30/11 hằng năm

Phương Hiếu