Giám định là hoạt động chuyên môn do chuyên gia hay một tổ chức thực hiện, nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ việc hay vụ án có tính chất phức tạp, kéo dài. Cơ quan, người có thẩm quyền có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm thu thập chứng cứ và một trong các biện pháp đó là trưng cầu giám định.

Luật Thanh tra hiện hành quy định người ra quyết định thanh tra có quyền trưng cầu giám định về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra, nhưng pháp luật về thanh tra lại chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các bên trưng cầu và thực hiện giám định, cũng như xác định tổ chức, cá nhân nào thực hiện giám định…

Việc trưng cầu giám định làm cơ sở cho đánh giá, xử lý các vi phạm pháp luật phát hiện trong hoạt động thanh tra hiện nay còn nhiều tồn tại, vướng mắc, cụ thể: Chưa làm rõ về căn cứ giám định, chủ thể giám định, trách nhiệm của các bên giám định; chưa làm rõ về trình tự, thủ tục, thời hạn giám định, gia hạn giám định, vấn đề giám định lại, giám định nhiều lần trong một vụ việc; chưa làm rõ xung đột về kết quả/kết luận giám định và xung đột về đánh giá kết luận giám định giữa các cơ quan thanh tra, giữa các cơ quan thanh tra với cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tố tụng, giữa các cơ quan giám định; chưa làm rõ giá trị pháp lý của kết luận giám định… Đây là vấn đề đặt ra và cần nghiên cứu và đề xuất các giải pháp thực hiện.

Mặt khác, công tác giám định trong hoạt động thanh tra chưa được nhận thức đầy đủ, thống nhất và chưa được đề cao trong ngành Thanh tra. Thanh tra Chính phủ chưa có tổ chức giám định chuyên trách. Việc tổ chức các hoạt động liên quan quan đến giám định chưa được Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra thực hiện đầy đủ theo đúng tinh thần pháp luật thanh tra và pháp luật giám định tư pháp.

Để chứng minh sự thật khách quan của vụ việc là vấn đề hết sức khó khăn, cho nên nhu cầu cần giám định để phục vụ công tác quản lý Nhà nước như: Thanh tra, kiểm tra hoạt động thuế, tài chính, ngân hàng, văn hóa, y tế, chứng khoán của cơ quan, tổ chức, cá nhân ngày càng nhiều.

Nhiều ngành và lĩnh vực cũng đã có quy định về công tác giám định của ngành như: Giám định về kỹ thuật hình sự; giám định pháp y, giám định bảo hiểm y tế, giám định thương mại. Đặc biệt là giám định trong hoạt động thanh tra đã liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực

Để đạt mục tiêu hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực tiễn công tác giám định trong hoạt động thanh tra, đề tài nghiên cứu được chia thành 3 chương: Chương 1: Một số vấn đề lý luận cơ bản liên quan đến giám định trong hoạt động thanh tra; Chương 2: Thực trạng giám định trong hoạt động thanh tra; Chương 3: Quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả giám định trong hoạt động thanh tra.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH 

Tại hội thảo, chủ nhiệm đề tài tập trung vào việc xin ý kiến về thực trạng công tác giám định trong hoạt động thanh tra.

Nhận xét chung về quy định pháp luật về giám định trong hoạt động thanh tra, chủ nhiệm đề tài cho rằng, thể chế về công tác giám định trong hoạt động thanh tra, hệ thống tổ chức có chức năng giám định trong hoạt động thanh tra ở Trung ương và địa phương đã được củng cố, kiện toàn một bước; các bộ, ngành quan tâm, củng cố hoạt động giám định nói chung tỏng từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành, hướng dẫn và chỉ địa các địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giám định…

Thời gian qua, việc trưng cầu giám định về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra đã được thực hiện tương đối tốt. Thông qua kết quả giám định đã giúp người ra quyết định thanh tra có cơ sở khoa học để kết luận, đảm bảo chính xác, khách quan… Tuy  nhiên, vấn đề về kinh phí giám định vẫn là vấn đề khó khăn, vướng mắc hiện nay khi thực hiện quyền này…

TS Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CLKHTT cho rằng, phần thực trạng của đề tài còn một số nội dung không phù hợp, nhất là về hiệu lực các văn bản pháp luật trong phạm vi nghiên cứu. Do đó, chủ nhiệm đề tài cần có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn; cần làm sâu sắc thêm các quy định về giám định trong hoạt động thanh tra được quy định trong Luật Thanh tra, Nghị định 86/2011/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành khác có nội dung liên quan về vấn đề này.

Về thực trạng hoạt động giám định, chủ nhiệm cần làm rõ thêm các vụ việc đã được đề cập đến trong nội dung đề tài. Từ đó, nhận định về kết quả đạt được, đồng thời, làm rõ những bất cập trong quy định pháp luật về vấn đề này, để từ đó có đề xuất, kiến nghị ở phần giải pháp.

Theo TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CLKHTT, để giải quyết được các vấn đề về thực trạng cũng như mục tiêu nghiên cứu, Chủ nhiệm đề tài cần đề cập đến vấn đề chuyên gia giám định; xung đột trong kết quả giám định; vấn đề giám định, giám định lại…

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, đề tài cần xem xét đến trách nhiệm của người đứng đầu trong vấn đề giám định; cần chi tiết các nội dung và làm rõ các giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả giám định trong hoạt động thanh tra…

Thái Hải