Sáng ngày 27/1/2024, UBND tỉnh BR-VT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số năm 2023; sơ kết 2 năm thực hiện Đề án 06 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, năm 2023, trong công tác chuyển đổi số, lĩnh vực chính quyền số đã được UBND tỉnh triển khai với nhiều kết quả tích cực. Tỉnh BR-VT đã tổ chức triển khai kết nối, đồng bộ và tích hợp dữ liệu ngành, lĩnh vực của 26 cơ quan, đơn vị về IOC tỉnh; triển khai nền tảng phân tích các chỉ tiêu của tỉnh như: Chỉ tiêu kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, cải cách hành chính, văn hóa, thể thao... trong đó có 13 chỉ tiêu được dự báo tiến độ, khả năng hoàn thành trong tương lai (những tháng còn lại trong năm).

Cùng với đó, đã xây dựng ứng dụng (app) “điều hành công việc” trên thiết bị thông minh dành riêng lãnh đạo tỉnh nhằm kịp thời chỉ đạo, xử lý và cảnh báo hồ sơ, thủ tục dịch vụ công trực tuyến chậm, trễ hẹn. Triển khai, đưa vào vận hành app IOC tỉnh để phục vụ cán bộ, công chức, viên chức trong theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ, thống kê số lượng hồ sơ trực tuyến...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã năm 2023; giao dịch thanh toán trực tuyến thành công trên Cổng Dịch vụ công tỉnh/Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt 78,9%; 82/82 xã, phường, thị trấn đã xây dựng trang thông tin điện tử; các sở, ban, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình thí điểm nộp hồ sơ trực tuyến, không nộp hồ sơ trực tiếp tại một số ngày trong tuần và đang được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã.

UBND tỉnh BR-VT cho rằng, về chính quyền số, tỷ trọng số hóa trong các hoạt động của chính quyền đã tăng lên, nhiều hoạt động và giao dịch của các cơ quan công quyền với nhau và với người dân đã được thực hiện trực tuyến, đẩy mạnh việc công khai, minh bạch; liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 4 cấp hành chính; 100% cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh đã xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng; rất nhiều cuộc họp của UBND tỉnh với bộ, ngành Trung ương và các địa phương đều được tổ chức trực tuyến…

Tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến đã đạt theo chỉ tiêu đề ra; một số cơ quan, đơn vị đã triển khai thí điểm mô hình ngày nhận hồ sơ trực tuyến tại Bộ phận Một cửa ở cả 3 cấp...

Về kinh tế số, tỉnh đã phối hợp với Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ nghiên cứu phương pháp tính toán đo lường kinh tế số, xã hội số. Năm 2023, đã hỗ trợ đánh giá 3 chỉ tiêu về kinh tế số, gồm: Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, tỷ trọng nhân lực kinh tế số trên lực lượng lao động.

Cùng với đó, đã tổ chức hội thảo doanh nghiệp nhỏ và vừa; hội thảo kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số khu vực miền Đông Nam bộ.

Theo UBND tỉnh, nhận thức phát triển kinh tế số đã từng bước được lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, hộ gia đình; chương trình thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được triển khai tích cực; bước đầu triển khai tiêu thụ sản phẩm lên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ giới hạn trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra quy mô quốc gia và thậm chí quốc tế; số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thường xuyên tiếp cận và sử dụng các nền tảng số; hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều sử dụng hóa đơn điện tử, qua đó đã hạn chế thất thoát ngân sách nhà nước...

Về xã hội số, tỉnh đã triển khai thí điểm xã chuyển đổi số (xã Hòa Long, TP Bà Rịa); hỗ trợ 100 điện thoại cho Tổ công nghệ số cộng đồng khu phố, thôn, ấp của huyện Xuyên Mộc; còn tại TP Vũng Tàu, đã mời đại diện chủ nhà hàng, khách sạn, siêu thị... để tuyên truyền, hướng dẫn, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Tỉnh đoàn cũng đã phối hợp Đoàn Thanh niên cấp huyện ra quân triển khai tuyên truyền về lợi ích khi thanh toán không dùng tiền mặt nhân ngày 26/3/2023; phối hợp các doanh nghiệp viễn thông (VNPT, Viettel) hoàn thành cấp phát ứng dụng ký số cho người dân trên địa bàn huyện Côn Đảo (tương ứng 980/4.608 chữ ký số, đạt 21,27%); phối hợp Ngân hàng Vietinbank, BIDV, Agribank mở tài khoản cho cán bộ, công chức, tiểu thương và người dân trên địa bàn huyện Côn Đảo, huyện Châu Đức.

UBND tỉnh cũng cho biết, tỉnh đã tạo điều kiện, khuyến khích phát triển hạ tầng xã hội số; đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 10 trạm mạng 5G do VNPT và Viettel triển khai; ngoài ra các doanh nghiệp viễn thông đã đồng hành cùng huyện Côn Đảo triển khai ứng dụng ký số cho hơn 20% số lượng người dân trưởng thành trên địa bàn huyện để triển khai dịch vụ công trực tuyến; phối hợp với các ngân hàng thương mại mở tài khoản ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại siêu thị, nhà hàng, chợ 4.0...

Chu Tuấn