Ghi nhận vai trò của luật sư trong giải quyết KN,TC

Phát biểu dẫn đề, Viện trưởng Viện CL&KHTT Nguyễn Quốc Văn nhấn mạnh: Vai trò của luật sư trong đời sống xã hội nước ta được ghi nhận và khẳng định rõ trong chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta thời gian qua.

Pháp luật đã ghi nhận vai trò của luật sư trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) như: Tham gia vào quá trình giải quyết KN theo đề nghị của người KN,TC thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người KN khi được ủy quyền; xác minh, thu thập chứng cứ có liên quan đến nội dung KN theo yêu cầu của người KN và cung cấp chứng cứ cho người giải quyết KN; nghiên cứu hồ sơ vụ việc, sao chụp, sao chép các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung KN để bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người KN….

Bên cạnh đó, sự tham gia của luật sư trong giải quyết KN,TC thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân nâng cao nhận thức về pháp luật tiếp công dân, KN,TC và giải quyết KN,TC, hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý; tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, hạn chế khiếu kiện sai, góp phần bảo đảm việc KN,TC đúng pháp luật; các hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân giúp hạn chế phát sinh các vụ việc phức tạp, kéo dài, vượt cấp…

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung trao đổi nhiều vấn đề như: Cơ sở pháp lý về vai trò của luật sư trong tiếp công dân, giải quyết KN,TC; thực tiễn triển khai chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết KN,TC ở cơ sở giữa Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam; thực tiễn sự tham gia của đội ngũ luật sư trong công tác tiếp công dân, KN,TC; những kinh nghiệm thông qua các vụ việc cụ thể, từ đó tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của người dân khi đi KN,TC; những vấn đề pháp lý và thực tiễn đặt ra cần giải quyết nhằm tăng cường, phát huy vai trò của luật sư trong tiếp công dân và giải quyết KN,TC.

Nhận thức về vai trò luật sư có “vấn đề”

Luật sư Đỗ Đức Thịnh, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, trong thời gian qua vai trò của luật sư về việc giải quyết tranh chấp và bảo đảm quyền lợi của công dân còn khiêm tốn. Nhưng nhìn nhận một cách khách quan, Nhà nước và luật sư đang lúng túng trước những phát triển quá nhanh, quá đa dạng và phức tạp của xã hội trên các phương diện. Hiện tượng KN,TC ngày càng tăng, phức tạp, vòng vo mà nguyên nhân là do KN,TC, tố tụng hành chính còn nhiều bất cập  

Mặt khác, nhận thức của xã hội, của nhân dân, của Nhà nước đối với vai trò đội ngũ luật sư chưa rõ ràng, có vấn đề. Trong khi đó, ngoài Nhà nước, luật sư mới là người đưa pháp luật vào mọi góc gách của xã hội một cách hiệu quả nhất. Điều này chứng tỏ vai trò của luật sư rất lớn trong xã hội.

Tuy nhiên, không phải luật sư nào cũng thực hiện tốt vai trò này, trong quá trình hành nghề, nhiều luật sư cũng vi phạm đạo đức, nghề nghiệp, vi phạm kỷ luật tố tụng…

Theo ông Thịnh, chúng ta phải sử dụng luật sư một cách đúng vai trò, vừa bảo vệ được quyền lợi tốt nhất cho khách hàng, vừa tuyên truyền, bảo vệ được chế độ, pháp chế Nhà nước. Muốn vậy, cần chú trọng đến đạo đức nghề nghiệp; đẩy mạnh truyền thông, để những luật sư giỏi cần được tuyên dương, những luật sư chưa tốt cần uốn nắn.

TS Nguyễn Văn Kim, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Thanh tra Chính phủ khẳng định việc phối hợp với luật sư trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC có nhiều kết quả đáng ghi nhận, vai trò luật sư trong tư vấn KN ổn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, vai trò luật sư trong KN, công tác phối hợp cơ quan Nhà nước trong các vụ việc KN tạo điều kiện cho luật sư còn hạn chế; quy định của pháp luật về sự tham gia của luật sư mới chỉ là những quy định về quyền và nghĩa vụ của luật sư, mà chưa có những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để luật sư có thể thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình; hiệu quả sự tham gia của luật sư có trường hợp vẫn chưa được bảo đảm do đặc thù của chủ thể bị KN trong các vụ khiếu nại hành chính; việc trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân ở các địa phương nhiều gặp nhiều khó khăn do các vụ việc thường đã được các cơ quan giải quyết qua nhiều cấp, kéo dài qua nhiều năm; tính chất vụ việc phức tạp, nhạy cảm nên khi trợ giúp pháp lý cho người dân, luật sư cũng không thể nắm bắt hết và hiểu thấu đáo bản chất các vụ việc trong thời gian ngắn

Nâng tầm vai trò luật sư

Đại diện luật sư Văn phòng 181 chia sẻ, thực tế đã từng hành nghề luật sư tư vấn tại Trụ sở Tiếp Công dân TƯ từ nhiều năm nay cho thấy, hoạt động tại Trụ sở hoạt động thuận lợi, các luật sư làm đúng bổn phận của mình, hoạt động độc lập,…

 Tuy nhiên, công tác giải quyết KN,TC ở cơ sở rất yếu, người dân không muốn khởi kiện ra tòa vì họ cho rằng sẽ thua, nhận thức pháp luật của người dân đa phần yếu, họ không tin tưởng cách giải quyết cơ sở, cơ quan Nhà nước lại không trung thực vì mình ra quyết định giải quyết KN, TC ngay từ đầu. Vì vậy các vụ việc KN,TC lên Trung ương có thể đúng, có thể sai nhưng do họ mất lòng tin ở chính quyền cơ sở…

Vấn đề luật sư trợ giúp quyền TC, thì luật chưa quy định nên nhiều đơn tố cáo của công dân luật sư muốn giúp nhưng cũng phải rụt rè rụt rè…

Các đại diện nhân dân như đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân… lại không ủng hộ, chia sẻ công việc của luật sư, vấn đề phối hợp của các cơ quan tố tụng chưa chặt chẽ…

 Các vụ việc có tính chất phức tạp, nhạy cảm, do đó khi trợ giúp pháp lý cho người dân, luật sư cũng không thể nắm bắt hết và thấu hiểu hết bản chất các vụ việc trong thời gian ngắn, kinh phí tổ chức thực hiện các nội dung theo chương trình tại Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam và một số địa phương còn hạn chế, chủ yếu sử dụng nguồn chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị phối hợp tổ chức thực hiện nên phần nào ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả triển khai….

“Trong thời gian tới, cần đổi mới các quy định của pháp luật, nêu cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đối với công tác luật sư. Trong đó, chú trọng đến quá trình giải quyết của luật sư (từ khâu nào đến khâu nào) mà quan trọng ngay từ khi viết đơn,  sau đó đến khâu đối thoại để đề cao vai trò của luật sư. Đồng thời công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Luật sư, Hội Luật gia Việt Nam, Thanh tra Chính phủ cần nâng lên thành luật, nêu cao ý thức trách nhiệm về phía Nhà nước và luật sư” - ông Nguyễn Văn Kim đề xuất.

 

 

Thái Hải