Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình ra Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, dự kiến khai mạc ngày 15/1. Đây là dự án luật quan trọng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt kinh tế - xã hội, đến mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp về cả trước mắt và lâu dài. 

Trước đó, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến, xem xét tại 3 kỳ họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhiều lần cho ý kiến chính thức, kết luận bằng văn bản. Dự án Luật Đất đai sửa đổi đến nay đã cơ bản hoàn thiện để trình ra Quốc hội.

Tạo lập nơi ở, việc làm cho người dân có đất bị thu hồi 

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội nói sửa đổi Luật Đất đai lần này được kỳ vọng rất nhiều.

“Sau nhiều lần xem xét, dự thảo luật có nhiều thay đổi cốt lõi, cơ bản hoàn thiện. Nhưng vẫn còn những điểm, chúng ta mong muốn, kỳ vọng cao hơn nữa, để trở thành nguyên tắc cho sự phát triển”, theo lời đại biểu Quốc hội.

Ông nhận định “nút thắt lớn nhất" trong quan hệ đất đai hiện nay là chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Luật Đất đai sửa đổi không giải quyết thấu đáo vấn đề này thì các quan hệ về xã hội, đầu tư vẫn rất khó khăn. 

“Một nguyên nhân lớn khiến nhiều dự án triển khai chậm là do khâu giải phóng mặt bằng”, Đại biểu Quốc hội lưu ý.

Nghị quyết 18 năm 2022 về quản lý, sử dụng đất của Trung ương đưa ra nguyên tắc: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm cho người có đất bị thu hồi có chỗ ở, cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. 

“Nguyên tắc này không phải điều gì xa vời mà rất nhân văn, bình đẳng và công bằng. Dù giải phóng mặt bằng để làm đường hay làm dự án kinh doanh đều nhằm mục tiêu mang lại sự phát triển cho xã hội, mang lại lợi ích cho mọi người. Vì vậy, những người bị thu hồi đất phải được hưởng lợi, hay ít nhất không bị thiệt thòi”, GS.TS Hoàng Văn Cường nêu quan điểm. 

Vì vậy, nguyên tắc trên dù không đưa vào dự thảo luật, cũng phải có định hướng để các văn bản hướng dẫn thực thi quán triệt rõ tinh thần đó. 

Đại biểu góp ý, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư “không phải trả cục tiền”, “không phải mua lại nhà, đất” mà còn phải tính toán tạo lập nơi ở, dịch vụ, việc làm cho người dân có đất bị thu hồi. 

leftcenterrightdel
 GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội. Ảnh: H.G

“Xây nhà cao tầng thì tính toán cho người dân có thể bán hàng, kinh doanh ở khu vực tầng hầm. Thu hồi đất làm nhà máy thì tính toán cho người dân làm việc tại nhà máy, hay cung cấp các dịch vụ cho công nhân. Hay với người không còn tuổi lao động thì có thể mua bảo hiểm để họ có lương hưu, đảm bảo cuộc sống… “, ông Cường nêu ví dụ và cho biết, nhiều nơi địa phương đã triển khai như vậy, mang lại kết quả rất tốt. 

Thỏa thuận hay thu hồi đất khi làm dự án nhà ở thương mại?

Nội dung nữa liên quan đến việc thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất ở hay thu hồi đất, cũng là điều đại biểu “rất băn khoăn”.

Nhiều ý kiến cho rằng phải tăng cường thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án, có như vậy, người có đất sẽ hưởng lợi hơn. Nhưng theo đại biểu Cường, thực tế, chưa chắc người dân được hưởng lợi hơn.

“Doanh nghiệp chỉ trả tiền xong là xong. Họ sẽ không có các chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như khi Nhà nước đứng ra thu hồi đất. Như vậy, người dân lấy gì để đảm bảo có nhà ở tốt hơn, giữ được sinh kế, có cuộc sống tốt hơn…”, đại biểu phân tích.

Ông còn lo lắng không phải trường hợp nào người dân cũng có đủ năng lực để đàm phán với nhà đầu tư để bảo đảm quyền lợi của mình. Ngược lại, cũng có những dự án bị đình trệ vì không thỏa thuận được với người dân khi tất cả đồng tình, chỉ 1, 2 người không đồng ý.

Từ thực tế đó, Đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội góp ý, với các dự án phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt thì thực hiện thu hồi đất. Bởi mục đích của quy hoạch là phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

“Thu hồi đất, kết hợp với chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp như tôi nói ở trên, chắc chắn đa số người dân sẽ đồng tình, dự án được thực hiện suôn sẻ, nhanh chóng, sớm mang lại các lợi ích như kỳ vọng”, ông Cường nêu ý kiến.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trình ra phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/1 quy định thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua hình thức thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đối với đất ở hoặc đất ở.

Về thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ, dự thảo luật thiết kế 2 phương án.

Cụ thể, phương án 1: “Thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mà không thuộc trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất”.

Phương án 2: “Thực hiện các dự án do HĐND cấp tỉnh chấp thuận phù hợp với quy hoạch nhằm tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc để giao cho nhà đầu tư trúng thầu dự án sử dụng đất, bao gồm: dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; dự án chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn”.

Về điều tiết địa tô và hạn chế đầu cơ đất, theo Đại biểu Quốc hội, Luật Đất đai sửa đổi phải giải quyết được. Bởi việc mua găm đất, quây rào, bỏ hoang, chờ giá lên hoặc “thổi giá” để kiếm lời đang gây nhiều hệ lụy.

“Giá đất bị đẩy lên chóng mặt, khiến người thu nhập thấp ngày càng khó mua được nhà. Những cơn sốt giá, “bong bóng” giá cũng gây ra những hệ lụy không nhỏ cho thị trường tài chính và cả nền kinh tế”, GS.TS Hoàng Văn Cường lưu ý.

Theo đại biểu, hầu hết các nước trên thế giới quy định thuế đất rất cao để tránh tình trạng “găm giữ đất”. “Luật Đất đai không phải luật quy định về thuế, nhưng cần đưa ra yêu cầu, nguyên tắc để luật chuyên ngành triển khai chính sách này”, ông Cường nhấn mạnh. 

Dự thảo luật đã đặt vấn đề về thuế với đất sử dụng vượt hạn mức, để hoang hóa, nhưng đại biểu thấy “thế nào là hoang hóa thì không rõ”, vì vậy, cần đưa ra nguyên tắc để đánh thuế vào giá trị của đất đai.  

Hương Giang