Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trương Thị Hồng Hà cho biết, trong những năm qua, đặc biệt là từ sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, vấn đề kiểm soát quyền lực trong tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước nói chung, trong hoạt động hành pháp nói riêng, trong đó có hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) hành chính được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Thực hiện chủ trường, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về KNTC, trong thời gian quan, các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết KNTC, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội.

Tuy nhiên, tình hình KNTC, nhất là KNTC hành chính hiện nay vẫn diễn biến phức tạp như: Có nhiều vụ, việc diễn ra gay gắt, kéo dài, nhiều đoàn đông người đi KN và KN vượt cấp, đã xuất hiện KNTC có tổ chức, hoặc có nhiều người cùng liên kết, gây sức ép đối với các cơ quan nhà nước; có trường hợp KN không đúng, TC sai sự thật, cá biệt có trường hợp  người KNTC có hành vi vi phạm pháp luật, gây rối trật tự nơi công cộng, hành hung người thi hành công vụ, có nhiều trường hợp KNTC hành chính được giải quyết, song cơ quan hành chính không thực thi, có nhiều KNTC hành chính không được giải quyết hoặc giải quyết không đúng thời hạn.

Mặt khác, do xung đột lợi ích giữa người KNTC hành chính và người giải quyết KNTC hành chính nên việc giải quyết KN hành chính lần đầu rất ít hiệu quả, trong khi quy định của pháp luật về KN, người có thẩm quyền giải quyết KN hành chính lần đầu chính là người đã có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị KN. Quá trình này đòi hỏi cần phải có sự thống nhất trong nhận thức về quyền KN, quyền TC của công dân và trách nhiệm giải quyết KNTC hành chính của cơ quan có thẩm quyền cũng như sự kiểm soát quyền lực của các chủ thể có liên quan trong suốt quá trình KNTC

Kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính hiệu quả chưa cao dẫn đến thực trạng phổ biến là quyền lực Nhà nước bị hoặc có nguy cơ bị một số chủ thể có thẩm quyền giải quyết KNTC hành chính thâu tóm, lạm dụng, quyền của người KNTC hành chính không được bảo đảm, thậm chí bị xâm hại, gây mất uy tín của Nhà nước, của cơ quan có thẩm quyền giải quyết KNTC.

Theo PGS.TS Trương Thị Hồng Hà, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trình trạng trên, trong đó nguyên nhân quan trọng là do cơ chế kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính chưa được bảo đảm; quy định pháp luật về kiểm soát quyền lực nhà nước trong giải quyết KNTC chưa đầy đủ, còn tồn tại một số bất cập, mẫu thuẫn, chồng chéo; kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính chưa có hiệu quả thiết thực, còn mang tính hình thức.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Cùng với đó, trách nhiệm công vụ, trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết KNTC hành chính còn nhiều bất cập; chủ thể kiểm soát quyền lực, đối tượng kiểm soát, nội dung kiểm soát, phương thức kiểm soát thông qua hoạt động giám sát (hoạt động giám sát của Đảng, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và có các tổ chức thành viên, của nhân dân) chưa được nhận diện và đánh giá cụ thể.

Hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm, thẩm quyền trong giải quyết KNTC hành chính chưa cao, còn nhiều hạn chế, chưa sâu sát và quyết liệt.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung như: Thực trạng quy định của Đảng và thực hiện kết quả thực hiện các quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính; thực trạng quy định của pháp luật về kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính; thực trạng quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính; bài học kinh nghiệm; những vấn đề đặt ra qua đánh giá thực trạng kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính.

Các đại biểu đều đánh giá đây là đề tài khó. Tuy vậy về cơ bản là nhất trí nhưng cần thể hiện sâu hơn khi đánh giá hiệu quả của công tác giải quyết KNTC, xung đột lợi ích giữa người KNTC hành chính và người giải quyết KNTC hành chính. Đề tài cũng đã đề cập được cơ chế, thể chế pháp luật của việc kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính của các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát.

Các đại biểu đề xuất, phần lý luận về kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC cần làm rõ hơn, trong đó, bổ sung nội dung quyền lực, lạm dụng quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính.

Cần bổ sung vai trò, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung, phương thức kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính; cần đánh giá cụ thể rõ ràng hơn về thực trạng pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về kiểm soát quyền lực và nên có giải pháp về hoàn thiện pháp luật.

Ngoài ra, đề bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm trong kiểm soát quyền lực, các dạng hành vi vi phạm pháp luật trong giải quyết KNTC hành chính. Đề tài nên đề cập tới cả các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài. Phần giải pháp cần bổ sung thêm các chuyên đề cho hợp lý với tổng thể các phần nội dung khác của đề tài.

Thái Hải