Điều 18.2.TT.2.9. Mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng

(Điều 9 Thông tư số 04/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015)

1. Mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng phản ánh mức độ nguy hiểm, tác hại mà hành vi tham nhũng gây ra cho xã hội nói chung, được đo lường thông qua kết quả xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người có hành vi tham nhũng và cảm nhận, trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức.

2. Kết quả xử lý người có hành vi tham nhũng được xác định trên cơ sở tổng hợp dữ liệu về số người bị xử lý kỷ luật, bị xử lý hình sự với các hình thức cụ thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng trong mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương và trên phạm vi toàn quốc, thông qua công tác quản lý nhà nước, hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát và xét xử.

3. Việc tính điểm và xác định mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng được thực hiện như sau:

a) Điểm thành phần 1 được xác định căn cứ vào các hình thức xử lý đối với người có hành vi tham nhũng bị xử lý trách nhiệm theo ngành, lĩnh vực, địa phương thông qua công tác quản lý nhà nước, hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử.

- Nếu trong các hình thức xử lý đối với người có hành vi tham nhũng có người bị kết án với khung hình phạt tương đương với nhóm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: 30 (điểm);

- Nếu trong các hình thức xử lý đối với người có hành vi tham nhũng có người bị kết án với khung hình phạt tương đương với nhóm tội phạm rất nghiêm trọng: 20 (điểm);

- Nếu trong các hình thức xử lý đối với người có hành vi tham nhũng có người bị kết án với khung hình phạt tương đương với nhóm tội phạm nghiêm trọng: 10 (điểm);

- Nếu trong các hình thức xử lý đối với người có hành vi tham nhũng có người bị kết án với khung hình phạt tương đương với nhóm tội phạm ít nghiêm trọng hoặc bị xử lý kỷ luật: 5 (điểm);

- Nếu không có trường hợp nào bị xử lý do hành vi tham nhũng: 0 (điểm).

b) Điểm thành phần 2 được xác định căn cứ vào kết quả khảo sát cảm nhận, trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức về mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng như sau:

- Mức độ đặc biệt nghiêm trọng: 40 (điểm);

- Mức độ rất nghiêm trọng: 30 (điểm);

- Mức độ nghiêm trọng: 20 (điểm);

- Mức độ ít nghiêm trọng: 10 (điểm);

- Mức độ không nghiêm trọng: 0 (điểm).

c) Việc xác định và nhận định mức độ nghiêm trọng:

- Điểm tổng hợp trên 70 (điểm) đến 100 (điểm) tương ứng với mức “Đặc biệt nghiêm trọng”;

- Điểm tổng hợp trên 40 (điểm) đến 70 (điểm) tương ứng với mức “Rất nghiêm trọng”;

- Điểm tổng hợp trên 20 (điểm) đến 40 (điểm) tương ứng với mức “Nghiêm trọng”;

- Điểm tổng hợp trên 0 (điểm) đến 20 (điểm) tương ứng với mức “ít nghiêm trọng”;

- Điểm tổng hợp bằng 0 (điểm) tương ứng với mức “Không nghiêm trọng”.

Ví dụ: Nếu kết quả xử lý tham nhũng trong ngành, lĩnh vực hoặc địa phương bao gồm xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có người bị kết án với khung hình phạt tương đương với nhóm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và qua khảo sát cảm nhận, trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức về mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng xác định là đặc biệt nghiêm trọng, thì các điểm thành phần và điểm, tổng hợp như sau: điểm thành phần 1: 30 (điểm); điểm thành phần 2: 40 (điểm) và điểm tổng hợp sẽ là: 2 x 30 + 1 x 40 = 100 (điểm); như vậy, nhận định tình hình tham nhũng là “đặc biệt nghiêm trọng”.

Điều 18.2.NĐ.1.16. Tiêu chí đánh giá về số lượng, tính chất và mức độ của vụ việc, vụ án tham nhũng

(Điều 16 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2019)

Tiêu chí đánh giá về số lượng, tính chất và mức độ của vụ việc, vụ án tham nhũng được xác định dựa trên kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm các tiêu chí thành phần sau:

1. Số lượng người có hành vi tham nhũng;

2. Vị trí, chức vụ của người có hành vi tham nhũng;

3. Lĩnh vực để xảy ra hành vi tham nhũng;

4. Mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng;

5. Giá trị tiền, tài sản bị thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra;

6. Số vụ việc, vụ án tham nhũng đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận.

Điều 18.2.NĐ.1.17. Tiêu chí đánh giá việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng

(Điều 17 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2019)

Tiêu chí đánh giá việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng bao gồm các tiêu chí thành phần sau:

1. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

2. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

3. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Điều 18.2.TT.2.10. Nội dung đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng

(Điều 10 Thông tư số 04/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015)

1. Việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện theo các nội dung cụ thể sau đây:

a) Chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống tham nhũng;

b) Xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

c) Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng;

d) Phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.

2. Căn cứ vào quy định tại Khoản 1 Điều này, các bộ, ngành, địa phương có thể bổ sung các nội dung về đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực hoặc địa phương.

Điều 18.2.TT.2.11. Phương pháp đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng

(Điều 11 Thông tư số 04/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015)

1. Các bộ, ngành, địa phương tiến hành tự đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương thuộc thẩm quyền quản lý căn cứ vào số điểm tổng hợp trên thang điểm 100, cụ thể như sau:

a) Điểm thành phần 1 được tính tối đa là 30 (điểm) và tối thiểu là 0 (điểm) dựa trên tổng điểm số của các nội dung đánh giá được quy định tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư này;

b) Điểm thành phần 2 được tính tối đa là 40 (điểm) và tối thiểu là 0 (điểm) căn cứ vào cảm nhận, trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức về công tác phòng, chống tham nhũng;

c) Điểm tổng hợp được tính như sau:

Điểm tổng hợp = (2) x Điểm thành phần 1 + (1) x Điểm thành phần 2.

Ví dụ: Nếu qua tổng hợp số liệu thống kê cho thấy, điểm thành phần 1 là 20 (điểm) và điểm thành phần 2 là 30, thì điểm tổng hợp sẽ là: 2 x 20 + 1 x 30 = 70.

2. Hằng năm, các bộ, ngành, địa phương gửi kết quả tự đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng và các thông tin, dữ liệu có liên quan cho Thanh tra Chính phủ để phục vụ công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

Điều 18.2.TT.2.12. Đánh giá nội dung về chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống tham nhũng

(Điều 12 Thông tư số 04/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015)

1. Đánh giá về việc chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện theo các tiêu chí sau:

a) Việc xây dựng, ban hành và thực hiện kế hoạch kiểm tra, kế hoạch thanh tra hằng năm tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

b) Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về công tác phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật;

c) Việc xây dựng, ban hành và thực hiện kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng;

d) Việc đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng và gắn kết quả phòng, chống tham nhũng với công tác thi đua, khen thưởng.

2. Việc tính điểm đánh giá về nội dung chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện như sau:

a) Điểm tối đa đạt được là 6, điểm tối thiểu là 0;

b) Không thực hiện một trong các tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều này: bị trừ 1,5 (điểm);

c) Thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng tiến độ một trong các tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều này: bị trừ 0,75 (điểm).

Điều 18.2.TT.2.13. Đánh giá nội dung về xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật có liên quan đến phòng, chống tham nhũng

(Điều 13 Thông tư số 04/2014/TT-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015)

1. Đánh giá về việc xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật có liên quan đến phòng, chống tham nhũng được thực hiện theo các tiêu chí sau:

a) Việc xây dựng, ban hành và thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói chung, trong đó có các văn bản liên quan đến phòng, chống tham nhũng;

b) Việc xây dựng, ban hành và thực hiện kế hoạch rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật nói chung, trong đó có các văn bản liên quan đến phòng, chống tham nhũng;

c) Việc xây dựng, ban hành và thực hiện kế hoạch quán triệt, kiểm tra thực hiện văn bản quy phạm pháp luật nói chung, trong đó có các văn bản liên quan đến phòng, chống tham nhũng.

2. Việc tính điểm đánh giá nội dung về xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật có liên quan đến phòng, chống tham nhũng được thực hiện như sau:

a) Điểm tối đa đạt được là 6, điểm tối thiểu là 0;

b) Không thực hiện một trong các tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều này: bị trừ 2 (điểm);

c) Thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng tiến độ một trong các tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều này: bị trừ 1 (điểm).

(Còn nữa)

Hồng Việt