Phát biểu dẫn đề, Viện trưởng Viện CL&KHTT Nguyễn Quốc Văn cho biết, trên cơ sở Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 19/5/2018 về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” của Ban Chấp hành Trung ương, ngành Thanh tra luôn xác định việc nâng cao chất lượng cán bộ cả về bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ và năng lực chuyên môn là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và liên tục.

Bên cạnh đó, ngành Thanh tra đang đứng trước những yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nặng nề, phức tạp, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, thanh tra viên của ngành phải không ngừng học tập, trau dồi cả về bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ và năng lực chuyên môn.

Xuất phát từ yêu cầu của Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2213/QĐ-TTg ngàu 8/12/2015 và hiện nay Thanh tra Chính phủ đang được giao nhiệm vụ sơ kết, đánh giá việc thực hiện Chiến lược, xây dựng kế hoạch cụ thể cho giai đoạn 2023-2030, trong đó, có nội dung nhiệm vụ “xây dựng ngành Thanh tra, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước”.

Bên cạnh đó, tại các thông báo kết luận cuộc họp giao ban của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, việc bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủ và cán bộ ngành Thanh tra luôn được Tổng Thanh tra quan tâm, nhắc nhở, lưu ý.

“Với chủ trương của Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ, công chức, viên chức tại các đơn vị tham mưu, đơn vị sự nghiệp có thể tham gia các đoàn thanh tra cùng với các cục, vụ chức năng để cọ xát và thêm kinh nghiệm thực tiễn cũng được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ lưu ý, quan tâm. Do đó nhu cầu hoàn thiện kỹ năng, nghiệp vụ tham gia đoàn thanh tra cho nhóm đối tượng này là thực sự cần thiết” - Viện trưởng nhấn mạnh.

Tại buổi sinh hoạt khoa học, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, nghiệp vụ tham gia đoàn thanh tra. Theo đó, các nội dung như quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục hoạt động thanh tra; thẩm quyền, trách nhiệm của thành viên đoàn thanh tra; quyền, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra… được các đại biểu trao đổi và thảo luận.

Cùng với đó là các nội dung như: Những lưu ý khi tác nghiệp, quản lý rủi ro có thể xẩy ra trong quá trình thanh tra thông qua các tình huống nghiệp vụ cụ thể.

Ngoài ra, các đại biểu đưa ra các đề xuất nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ của thành viên đoàn thanh tra.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi sinh hoạt khoa học. Ảnh: TH 

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, nhu cầu hoàn thiện kỹ năng, nghiệp vụ, cách thức xử lý trong quá trình thanh tra là cần thiết, nhất là kỹ năng của con người về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn trong nghề nghiệp của mình. Song, không ít vụ việc, khi đoàn thanh tra làm đúng thẩm quyền, trách nhiệm của mình thì các đối tượng thanh tra chống đối, cản trở (nhất là thanh tra chuyên ngành). Vậy, vấn đề đặt ra có cơ chế nào trong việc bảo vệ đoàn thanh tra không?

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ II, Thanh tra Chính phủ cho rằng, thực tiễn khi tham gia đoàn thanh tra thì thời gian thanh tra không phải là vấn đề lớn, đối tượng thanh tra rất tinh tường, khi khảo sát nắm bắt tình hình là họ đã đối phó. Do vậy các thành viên thanh tra cần phải có chuyên môn, nghiệp vụ để thu thập thông tin và khai thác thông tin.

Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch thanh tra cũng cần phải gọn gàng, càng gọn càng tốt, nếu không khi tiến hành thanh tra, cần phải giải trình, trả lời rất vất vả. Nhiều khi chúng ta bị kiểm điểm do dự thảo kế hoạch quá nhiều, nhưng xong kết luận lại không có gì. Do đó, theo ông Hùng, việc xây dựng kỹ năng cho các thành viên rất cần thiết từ việc thu thập nội dung thông tin, các báo cáo nội bộ của đơn vị đối tượng thanh tra, để xem trong suốt quá trình có tồn tại gì và có thể mở rộng phát triển thêm theo kết luận đó.

“Các thành viên đoàn thanh tra cần có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có một số đồng chí có tư tưởng mình được giao quyền rất oai, nhiều khi không nghe chỉ đạo của trưởng đoàn thanh tra, gây ra nhiều khó khăn của toàn đoàn. Nhưng thực tế trách nhiệm là thuộc về trưởng đoàn phải chịu”, Phó Vụ trưởng nói.

Ngoài ra, các thành viên đoàn cần phải có ý thức, trách nhiệm và tuân thủ cao đối với quy định của thành viên đoàn thanh tra. Khi tham gia đoàn thanh tra, cần tập trung vào nghiên cứu tài liệu và tăng cường thảo luận nhóm, báo cáo phản biện lẫn nhau và tìm cách khai thác những tồn tại ở nội bộ của đơn vị ấy. Đồng thời, báo cáo tiến độ đoàn thanh tra phải được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên

Đối với việc nâng cao trình độ nghiệp vụ, ông Hùng cho rằng, rất khó có biện pháp cụ thể, bởi mỗi cuộc thanh tra ở Thanh tra Chính phủ đều có sắc thái riêng. Tuy nhiên, một số kỹ năng cơ bản như viết báo cáo, viết biên bản còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, lập luận chưa sắc nét còn tồn tại ở một số Đoàn thanh tra. Vì vậy, nâng cao được trình độ nghiệp vụ trước tiên thành viên đoàn thanh tra cần phải khắc phục những kỹ năng tồn tại đó.

Hiện nay, Luật Thanh tra mới khá an toàn cho cán bộ thanh tra so với luật cũ, tính chấp hành, tính tuân thủ, tính kỷ luật là vấn đề đặt lên hàng đầu.

Ông Lê Văn Đức, Phó Trưởng Phòng Thông tin, Tư liệu và Thư viện , Viện CL&KHTT - người từng tham gia đoàn thanh tra cho biết, mỗi thành viên đoàn cần phải hiểu rằng mình có thế mạnh gì, thiếu gì, cần phải nắm chắc pháp luật, hiểu biết pháp luật - đây là điều kiện quan trọng nhất, thế mạnh nhất của mỗi thành viên đoàn thanh tra.

Thái Hải