Chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết PAKN

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh nhấn mạnh: Quy định của pháp luật về giải quyết PAKN và bảo vệ người PAKN về tham nhung, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức còn rất thiếu, tản mạn, chưa thống nhất, chưa đầy đủ để có thể tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho bộ, ngành, địa phương và người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình tương tác và thực thi công vụ.

Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hiện hết sức lúng túng trong quá trình giải quyết PAKN; các cơ quan tổ chức, cá nhân hết sức bị động khi thực hiện việc theo dõi, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Việc bảo vệ người PAKN về hành vi tham nhũng, tiêu cực nhìn chung chưa được thực hiện, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của người PAKN….

Tại hội thảo, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra Nguyễn Quốc Văn cho biết, hiện nay các quy định về PAKN nằm rải rác trong một số văn bản như Luật Tiếp công dân năm 2013, Thông tư 06/2014/TT-TTCP quy định tiếp công dân và Thông tư 07/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, PAKN, các quy định này chủ dừng lại ở khâu tiếp nhận, xử lý đơn PAKN, chưa có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết phía sau cho đơn PAKN.

“Tóm lại, hiện nay chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết PAKN; các quy định liên quan trong các văn bản còn chưa thống nhất, tường minh”, ông Văn nhấn mạnh.

Số lượng đơn thư PAKN chiếm khoảng 80% đơn thư

Ông Văn cho biết, số lượng đơn thư PAKN là rất lớn, chiếm khoảng 80% đơn thư các loại đơn mà cơ quan Nhà nước nhận được hàng năm; đề cập đến nhiều nội dung khác nhau như PAKN về nội dung chính sách pháp luật; về sai phạm của cán bộ, công chức, tổ chức, cá nhân; về các vấn đề, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan và cán bộ, công chức nhà nước.

Mặt khác, do thiếu quy định về thẩm quyền, trình tự thỉ tục để giải quyết PAKN, nhiều cơ quan và cán bộ, công chức đã bỏ qua hoặc đã linh hoạt vận dụng các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo để giải quyết PAKN.

Do không có cơ sở pháp lý vững chắc nên không thể xác định trách nhiệm của các chủ thể Nhà nước có liên quan; không thể thúc ép việc giải quyết; đa số đơn PAKN chưa được giải quyết hoặc không được giải quyết kịp thời, thỏa đáng.

Quan điểm của các địa phương không thống nhất, đã số cho rằng cần phải ban hành văn bản quy định cụ thể để giải quyết PAKN; một số cho rằng không cần ban hành quy định riêng vì sẽ có thêm nhiều trình tự, thủ tục phải thực hiện.

Ông Văn cũng cho biết thêm, hiện nay cũng chưa có quy định riêng về bảo vệ người PAKN, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức nhưng đã có quy định liên quan như Luật Tố cáo có quy định về bảo vệ người tố cáo, Điều 67 Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 quy định người PA, báo cáo về hành vi tham nhũng được áp dụng như bảo vệ người tố cáo; Chỉ thị 27-CT/TƯ ngày 10/1/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối công tác bảo về người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

PA về hành vi tham nhũng đã được quy định tại Luật PCTN năm 2018. Luật PCTN năm 2018 quy định dẫn chiếu việc tiếp nhận, xử lý phản ánh về hành vi tham nhũng theo trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Tiếp công dân. Việc bảo vệ người phản ánh về hành vi tham nhũng được Luật PCTN năm 2018 quy định áp dụng các biện pháp bảo vệ như bảo vệ người tố cáo tại Điều 67 .

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH 

Không cần thiết phải ban hành thêm quy định về bảo vệ người PAKN

Theo ông Văn, trước mắt không thể ban hành văn bản của Nhà nước quy định riêng về bảo vệ người phản ánh về hành vi tham nhũng vì sẽ trái với quy định của Luật PCTN năm 2018 (đã yêu cầu áp dụng như bảo vệ người tố cáo).

Thực trạng khảo sát thực tiễn cho thấy, các địa phương gần như không có thống kê riêng về PAKN, đặc biệt là PAKN về tham nhũng. Một số địa phương có thống kê thì PAKN về tham nhũng, tiêu cực chiếm tỷ lệ ít so với các nội dung PAKN khác (chỉ dưới 10%).

Quan điểm của hầu hết các địa phương là không cần thiết phải ban hành thêm quy định về bảo vệ người PAKN mà chỉ cần áp dụng tương tự các quy định về bảo vệ người tố cáo hiện hành. Vì về bản chất, PAKN cũng là hành vi của các nhân, tổ chức cung cấp cho cơ quan Nhà nước thông tin về con người, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; hành vi này luôn có khả năng bị rủi ro vì sự trả thù, trù dập và luôn cần sự tiếp nhận, bảo vệ, bảo đảm và tri ân từ phía Nhà nước đối với sự tình nguyện hy sinh. Việc ban hành thêm quy định mới sẽ là máy móc và thêm rắc rối trong triển khai, sẽ không đem lại hiệu quả.

Xây dựng một cơ quan chuyên trách độc lập, đủ mạnh để tiếp nhận và xử lý giải quyết KNPA

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề pháp lý và thực tiễn có liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị, phản ánh và bảo vệ người kiến nghị, phản ánh, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức. Đặc biệt là, tập trung vào các phương án đề xuất như ban hành nghị định chuyên biệt của Chính phủ quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết PAKN.

Theo TS. Mai Văn Duẩn, Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh Bắc Ninh cho rẳng, tố cáo nói chung, PAKN nói riêng là một trong những kênh thông tin giúp Nhà nước phát hiện, phòng ngừa và xử lý các hành vi gian lận, tham nhũng, tiêu cực, lãng và các hành vi văn bản pháp luật khác. Hơn thế nữa, đây là kênh thông tin phát hiện những hành vi sai phạm, tham nhũng, tiêu cực cách hiệu quả nhất, đỡ tốn kém nhất.

“Thực tiễn cho thấy, không chỉ riêng người tố cáo, người PAKN, thậm chí người phê bình, người đóng góp ý kiến cũng có thể bị trả thù, trù dập. Để bảo vệ họ, Nhà nước phải thành lập cơ quan, thiết chế cơ chế, xây dựng pháp luật”, ông Duẩn đưa ra nhận định.

Mặt khác, chúng ta chưa có quy định cụ thể về tiếp nhận, xử lý, giải quyết PAKN nói chung, PAKN, cung cấp thông tin về có hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức nói riêng.

“Do vậy, trước tiên chúng ta cần ban hành quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh và cung cấp thông tin nói chung, cũng như cần trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh và cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nói riêng. Các quy định đó phải được thực hiện một cách nghiêm túc hiệu quả”, ông Duẩn cho hay.

Lý do là chúng ta không có cơ chế tiếp nhận, xử lý giải quyết PAKN hoặc thực hiện không nghiêm túc, hiệu quả thì chúng ta không những không bảo vệ được người kiến nghị, phản ánh và cung cấp thông tin mà còn gián tiếp tạo cơ hội cho những người bị PAKN cơ hội truy tìm, trả đũa...

Vì vậy, theo ông Duẩn, để tiếp nhận, xử lý, giải quyết PAKN, cũng như bảo vệ người PAKN, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức thực sự có hiệu quả cần xây dựng thể chế xây dựng mô hình cơ quan chuyên trách tiếp nhận, giải quyết về bảo vệ người PAKN, cung cấp thông tin có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Có thể là xây dựng một cơ quan chuyên trách độc lập, đủ mạnh để tiếp nhận và xử lý giải quyết PAKN về hành vi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp nhận các nguồn thông tin, đơn thư yêu cầu, đề nghị…

Thái Hải