Bộ Giao thông Vận tải vừa hoàn thành dự thảo (lần 8) Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó có thể hiện nội dung quản xe công nghệ như xe taxi.

Trao đổi với Báo Thanh tra, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng, quản xe công nghệ như xe taxi là mặt tích cực trong quá trình đổi mới, nhưng bên cạnh đó cần quan tâm đến vấn đề, đảm bảo sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. 

"Nếu không có sự công bằng trong nghĩa vụ thuế với Nhà nước thì chẳng những Nhà nước thất thu ngân sách mà các đơn vị kinh doanh chân chính, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ còn bị “thua, thiệt” cạnh tranh trong thế yếu và sẽ bị dần loại khỏi thị trường”, ông Quyền nhấn mạnh.

Cụ thể, ông Quyền nêu: Về việc thực hiện nghĩa vụ thuế, hiện nay Công ty TNHH GRAB taxi đang áp dụng theo Văn bản số 384/TCT-TNCN ngày 8/2/2017 của Tổng cục Thuế. Theo đó, Grab có trách nhiệm kê khai và nộp thuế phần doanh thu được chia sẻ của Grab và thu, nộp thuế thay cho các đối tác là cá nhân kinh doanh. Như vậy, đối với phần thuế của các cá nhân hợp tác với Grab thì Grab phải kê khai và nộp thuế phần doanh thu 20 ÷ 25% của Grab, và kê khai nộp thuế phần 75 ÷ 80% doanh thu của bên vận tải với mức thuế khoán là 3% thuế giá trị gia tăng (GTGT) và 1,5% thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh taxi,  phải đóng thuế VAT 10%, thuế TNDN 20%, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 32% trên thu nhập được tính của lái xe. Trong khi đó, Grab được áp dụng thuế VAT 3%; thuế thu nhập phần mềm 2% tổng cộng 5%, cho thấy sự bất bình đẳng trong việc áp dụng mức thuế suất, đồng thời Grab không bị ràng buộc bởi BHXH, BHYT, BHTN đối với lái xe.

Còn nếu theo Công văn số 2003/2019/CV-Grab VN gửi VATA, thì Grab nộp thuế VAT và TNCN hộ cho đối tác chỉ là 4,5% doanh thu chia sẻ (trong đó 3% là tỷ lệ thuế GTGT, 1,5% là tỷ lệ thuế TNCN), thì sự bất công bằng về thuế giữa Grab với các doanh nghiệp taxi truyền thống còn lớn hơn.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong kỳ kinh doanh 2014 - 2016 số thuế Grab nộp cho Nhà nước là 9,5 tỷ đồng, bằng 1/30 số thuế Vinasun nộp trong cùng thời gian (1.200 tỷ đồng). Vì vậy, tại Công văn số 15467/BTC-TCT ngày 15/11/2017, Bộ Tài chính nhận định: Grab có dấu hiệu rủi ro thuế cao, buộc đưa vào điều kiện kiểm soát thuế trọng điểm. 

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, lần thứ 2, Bộ Tài chính cho biết, năm 2018, Bộ này tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế đưa “Grab” vào diện giám sát trọng điểm, áp dụng các biện pháp như quản lý đăng ký thuế, quản lý kiểm tra khai thuế… đối với “Grab”.

Để công bằng về nghĩa vụ thuế giữa các đơn vị kinh doanh taxi với các hãng xe công nghệ,  VATA kiến nghị:

Cần tách bạch rõ trách nhiệm, nghĩa vụ thuế của các hãng xe công nghệ, vì hiện nay “Grab” thu, nộp hộ thuế cho người kinh doanh vận tải là 4,5% của “doanh thu chia sẻ (20 ÷ 25% doanh thu vận tải)” thì đó mới là nghĩa vụ thuế của Grab; còn nghĩa vụ thuế của bên vận tải chưa được thực hiện.

Cho nên, để quản lý được doanh thu chịu thuế (100% tiền cuốc xe), yêu cầu “Grab” chuyển thông tin về doanh thu từng chuyến xe về đơn vị vận tải, hoặc cơ quan quản lý thuế để có cơ sở hạch toán doanh thu chịu thuế của từng đầu xe.

Nếu các hãng xe công nghệ thu, nộp hộ thuế cho người kinh doanh vận tải thì doanh thu chịu thuế VAT là doanh thu vận tải (chứ không phải doanh thu chia sẻ) (tức 10% chứ không phải 2 - 2,5%). Doanh thu này hoàn toàn xác định được dựa trên dữ liệu về doanh thu của từng cuốc xe mà các hãng xe công nghệ đã xác định để thu doanh thu chia sẻ và trả phần còn lại cho bên vận tải.

Cũng cần nói rõ, trong xác định doanh thu tính thuế VAT là tổng doanh thu vận tải chứ không phải doanh thu vận tải sau khi trừ 20 ÷ 25% mà các hãng xe công nghệ đã thu (số thu này của “Grab” được hạch toán vào chi phí của bên vận tải tương tự như các đơn vị taxi truyền thống hạch toán chi phí cho bộ đàm, đầu tư và kiểm định công-tơ-mét tính cước…).

Bên cạnh đó, VATA cũng đề nghị Tổng cục Thuế hủy bỏ hoặc điều chỉnh Văn bản 384/TCT-TNCN ngày 8/2/2017, vì công văn này hướng dẫn Grab là bên vận tải thực hiện “chính sách thuế đối với hoạt động hợp tác kinh doanh của công ty Grab taxi”. 

Trong khi, theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải chỉ cho phép Grab thí điểm cung cấp dịch vụ kết nối. Có thể chính sách thuế mới công bằng giữa các đơn vị sử dụng dịch vụ kết nối của “Grab” với các đơn vị kinh doanh cùng ngành nghề.

“Việc giải quyết công bằng về nghĩa vụ thuế giữa các đơn vị kinh doanh taxi với các hãng xe công nghệ là vấn đề lớn, nếu không giải quyết rõ ràng, sẽ tạo ra kẽ hở trong quản lý thuế và gây hỗn loạn trong hoạt động vận tải, và gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước”, VATA nói.

Được biết, những vấn đề trên VATA cũng gửi Kiểm toán Nhà nước khi được đề nghị viết bài tham luận với chủ đề: “Những vướng mắc trong chính sách thủ tục hành chính thuế và một số kiến nghị”.

Nghiêm Lan