Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, ông Trương Văn Lắm báo cáo tại hội nghị: Thời gian qua, việc ủy quyền đã giúp cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện chủ động trong công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý, điều hành và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi nhiệm vụ. Từ đó, nâng cao hiệu quả công việc từng cơ quan, đơn vị…

Việc thực hiện ủy quyền cũng giúp tiết kiệm chi phí hành chính, văn thư và tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (DN). Cùng với đó, từ việc công khai các quy trình giải quyết hồ sơ theo nhiệm vụ ủy quyền trên các phương tiện thông tin và niêm yết tại cơ quan đã góp phần tăng cường hiệu quả trong công tác phục vụ người dân, DN, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính,  hiệu quả hơn.

Ngoài ra, thông qua việc ủy quyền đã giúp rút ngắn thời gian giải quyết vì giảm khâu trung gian khi hồ sơ không phải qua sở, ngành thẩm định hoặc phải trình UBND TP xem xét, quyết định mà các sở, ngành, UBND các quận, huyện sẽ xem xét theo thẩm quyền đã được ủy quyền. Điều này góp phần thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, DN…

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, Sở được Chủ tịch UBND TP ủy quyền 22 nhiệm vụ. Vừa qua, Sở cũng đã thực hiện ủy quyền cho các đơn vị trực thuộc của Sở với 33 nội dung. Việc UBND TP ủy quyền các nhiệm vụ cho Sở có một số ưu điểm nổi bật là công tác tổ chức cán bộ như giải quyết nâng bậc, nâng hạng, xét tuyển công chức rất tốt, nhanh, chủ động và sát thực. Về chuyên môn, việc UBND TP ủy quyền cho Sở phân khai vốn chương trình hàng năm, Sở có trách nhiệm rà soát tiến độ có dự án cụ thể linh hoạt trong tổng số tiền vốn trung hạn là rất tốt; ủy quyền tiêu chuẩn thiết kế kỹ thuật của các tuyến metro số 1 và 2 rất hiệu quả…

Liên quan tới một số vướng mắc trong quá trình thực hiện ủy quyền, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy cho biết, cái vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc ủy quyền của Sở cho quận, huyện. Cụ thể, trong Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép điều chỉnh ủy quyền giữa các cấp chính quyền. Tuy nhiên, khái niệm các cấp chính quyền rất rộng. Như vậy, ngay trong phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 54 cho phép rất rộng, nhưng khi phân khai xuống điều khoản cụ thể thì chỉ cho Chủ tịch UBND TP ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện dẫn đến xung đột. Qua thực tiễn có rất nhiều việc nếu sở ủy quyền được cho quận, huyện thì việc giải quyết công việc rất nhanh cho người dân, cũng như giảm bớt sự vụ cho các sở, ngành…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: TL

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đánh giá cao các sở, ngành, quận, huyện đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện các quyết định ủy quyền của UBND TP. Cụ thể là 85 nội dung ủy quyền đối với sở, ngành, quận, huyện. Việc ủy quyền là chủ trương đúng góp phần giải quyết công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn, tạo sự chủ động theo nhu cầu của cơ sở...

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cũng cho rằng: Việc ủy quyền của cấp dưới hiện nay chưa có sự chủ động, còn lệ thuộc vào ý kiến của Sở Nội vụ và các sở, ngành mà chưa chủ động thực hiện việc ủy quyền…

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đề nghị việc ủy quyền làm sao phải phát triển theo hướng không nhiều đầu mối và tạo sự chủ động cho cơ sở. Văn phòng UBND TP tiếp tục hoàn chỉnh các quy trình của 85 đầu việc ủy quyền. Các sở, ngành, quận, huyện cần tập huấn cho cán bộ công chức để tạo sự đồng bộ trong thực hiện việc ủy quyền. Đồng thời, thông tin minh bạch cho người dân, DN những nội dung ủy quyền. Cùng với đó, tiếp tục đề xuất nhận ủy quyền và giao ủy quyền; nhất là nghiên cứu lĩnh vực đầu tư công có thể ủy quyền cho cấp dưới phê duyệt theo dự án phân cấp.

Thiên Lý