Khơi dậy thế mạnh "tại chỗ" ở miền núi

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sau quá trình triển khai đã thể hiện rõ có vai trò, ý nghĩa thiết thực trong phát triển kinh tế nông thôn; từ chỉ đạo của Trung ương và tỉnh trong thực hiện chương trình OCOP, nhiều huyện trên địa bàn Nghệ An đã và đang đẩy mạnh chương trình OCOP theo hướng nâng chất lượng để tăng giá trị cho sản phẩm làng nghề, nông sản. 

Trên địa bàn của tỉnh đang thực hiện liên kết sản xuất gắn với sản phẩm OCOP, tạo ra nhiều vùng sản xuất tập trung như trồng rau chuyên canh ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu), lúa gạo thảo dược tại xã Vĩnh Thành (Yên Thành), trồng cây dược liệu gắn với chế biến ở rừng Pù Mát (Con Cuông), trồng Chè Hoa Vàng ở Quế Phong… với hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ gia đình tham gia. Đây là lợi thế của tỉnh khi phát triển chương trình OCOP, khi địa phương đã có tới 514 sản phẩm (trong đó có 391 sản phẩm được xếp hạng 3 sao trở lên), đứng thứ 2 cả nước về sản phẩm OCOP (chỉ sau Hà Nội), trong đó nhiều sản phẩm đã tham gia xuất khẩu.

Tại huyện miền núi Quế Phong, cây Mú Từn, Chè Hoa Vàng là sản phẩm bản địa, gắn bó với đồng bào từ lâu năm, giúp bồi bổ sức khỏe, chưa thành hàng hóa phục vụ thương mại. Từ khi một số doanh nghiệp tham gia liên kết cùng bà con để biến những cây bản địa này thành hàng hóa, từng bước đã hình thành vùng nguyên liệu, đặc biệt là khi triển khai chương trình OCOP thì những sản phẩm này đã vang xa, trở thành hàng hóa hữu ích, thông dụng. Thấy được giá trị của Chè Hoa Vàng, người dân các xã ở huyện Quế Phong không ai bảo ai đều nâng niu, giữ gìn, để mỗi mùa hoa còn cho cái ăn cái mặc. Hàng ngàn hộ dân Quế Phong có thu nhập từ Chè Hoa Vàng, có hộ mỗi mùa thu hàng chục triệu đồng. Hiện nay, Quế Phong có 6 cơ sở chế biến, kinh doanh Chè Hoa Vàng chủ yếu sấy nguyên nụ hoa với số lượng khoảng 10 tấn nụ hoa tươi/ năm và bán ra thị trường với giá 300 ngàn đồng/gram, tương đương 3 triệu đồng/lượng.

leftcenterrightdel
 Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP rượu Mú Từn tại Đại hội Hội Doanh nghiệp TP Vinh. Ảnh: Thế Thắng

Cũng trên địa bàn huyện Quế Phong, cây Mú Từn được Công ty THHH Long Lưu liên kết cùng bà con bảo tồn, chăm sóc khai thác để tạo ra sản phẩm rượu Mú Từn, một loại đồ uống yêu thích của các quý ông, đây là sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện cây chè hoa vàng, cây Mú Từn đang tạo việc làm cho hàng ngàn hộ dân ở các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Cắm Muộn, Quang Phong, Nậm Nhoóng, Quế Sơn, Mường Nọc, Kim Sơn (Quế Phong)… và một số xã ở huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp.

Ông Lô Hùng Cường, Phó Trưởng phòng NN&PTNT thôn huyện Quế Phong cho biết, huyện có khoảng 2.000ha Chè Hoa Vàng, trung bình mỗi ha chỉ khoảng 300 cây phân bổ ở cả 13 xã, thị trấn, hoàn toàn là cây chè mọc tự nhiên dưới tán rừng, được người dân khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác mỗi khi mùa hoa nở vào tháng 10 đến tháng 11 âm lịch.

Kho báu dược liệu trên những đỉnh núi cao của Nghệ An ở vùng Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Quỳ Hợp, rừng nguyên sinh Pù Mát… đang dần mai một hoặc bị khai thác vô tội vạ, ảnh hưởng đến sinh kế người dân. Tỉnh đã rất quan tâm việc bảo tồn và phát triển dược liệu, một số doanh nghiệp đã dốc sức cùng người dân để tìm cách tăng giá trị của cây dược liệu, giúp bà con xóa đói giảm nghèo như của Tập đoàn TH ở Kỳ Sơn với sâm Puxailaileng, cây 7 lá một hoa, các loại lan thảo dược, đương quy… và đang cho thu hoạch, chế biến.

Một điển hình OCOP thành công của Nghệ An về dược liệu rất đáng tự hào nữa đó là thương hiệu dược liệu Pù Mát - núi cao thuốc quý. “Nghĩ giàu, làm giàu”, nghĩ lớn và kiên trì là bí quyết của nhiều doanh nhân trẻ với những bước khởi nghiệp đầu tiên.

Từ bao khó khăn ban đầu, nay dược liệu Pù Mát là một “kho báu” của huyện Con Cuông nói riêng và OCOP Nghệ An nói chung. Trải qua gần 7 năm kiên trì, vừa làm, vừa học hỏi, nghiên cứu, chấp nhận đầu tư chưa có lãi, đến nay, Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát đã nâng quy mô diện tích gần 25ha dược liệu ổn định sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và sở hữu trong tay 10 sản phẩm được Nghệ An chứng nhận OCOP với các thương hiệu trà cà gai leo, trà dây thìa canh…; trong đó có nhiều sản phẩm 4 sao và tự hào nhất là sản phẩm được thị trường đón nhận, tiêu thụ mạnh, trở thành quà biếu, quà tặng của huyện Con Cuông và Nghệ An trong nhiều sự kiện.

Giám đốc công ty Phan Xuân Diện chia sẻ, ngoài uy tín của sản phẩm, sự ghi nhận của người tiêu dùng, địa phương thì chính việc tạo ra sinh kế cho người dân bản địa từ dược liệu là điều mà anh lấy đó làm mục tiêu phấn đấu. Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát ngoài tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động tại công ty, còn trực tiếp tạo ra nguồn thu ổn định cho khoảng 150 hộ dân khác thuộc các xã Lạng Khê, Châu Khê, Chi Khê và Thạch Ngàn (Con Cuông) thông qua mô hình liên kết trồng dược liệu. Đơn cử như mặt hàng cà gai leo, hiện Công ty đang thu mua với giá 7.300 đồng/kg tươi ngay tại ruộng, bình quân mỗi ha cho 35 - 40 tấn sản phẩm, tổng doanh thu không dưới 200 triệu đồng/ha, trừ chi phí nông dân thu về 120 - 130 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế như vậy ở miền núi cao là vượt trội, quy trình canh tác dược liệu còn được các chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ.

Ông Lá Văn Duy, Giám đốc hợp tác xã (HTX) Nông dược Tĩnh Sáng Đường (xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp) cho hay: Từ năm 2022, được hưởng lợi từ các tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia, xã Yên Hợp đã phát triển mô hình cây dược liệu để tạo sinh kế cho đồng bào Thái. Hiện nay, hơn 8 ha cây dược liệu vừa được trồng mới dưới tán rừng, trong vườn nhà của các hộ gia đình. Ngoài ra, bà con cũng khai thác nguồn dược liệu tự nhiên dưới tán rừng với sản lượng hàng năm hàng chục tấn. Toàn bộ dược liệu được HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường đứng chân trên địa bàn bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn thị trường. Hiện tại, HTX đã cho ra đời khoảng 30 dòng sản phẩm, trong đó có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

“Tiêu thụ mạnh nhất là các dòng sản phẩm đã được gắn sao OCOP như rau má sấy lạnh, mật ong và trà gai leo túi lọc. Hiện nay, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của hợp tác xã đã tiêu thụ khắp cả nước với khoảng 15 - 20 tấn dược liệu cho người dân”, Giám đốc Công ty cho biết thêm. 

leftcenterrightdel
 Thông qua các hoạt động xúc tiến, quảng bá về sản phẩm OCOP, người tiêu dùng được tiếp cận trực diện với các mặt hàng sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ. Ảnh: Đức Anh

Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An cho biết: Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 23/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 chỉ rõ: “Phát triển các ngành có tiềm năng, lợi thế để dẫn dắt các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ: Chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm; sản xuất vật liệu; sản xuất dược liệu”. Triển khai chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đảm bảo cung ứng thường xuyên, đủ thuốc có chất lượng, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1187/QĐ-UBND, ngày 03/4/2018 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể dược liệu tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ưu tiên đầu tư và tập trung phát triển các vùng chuyên canh, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu. Hiện nay, toàn tỉnh có 86 doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần kinh doanh dược, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn dược liệu của nước ngoài; giúp người dân làm giàu trên chính quê hương mình.

Bài toán giữ "sao" và nâng hạng sản phẩm

Hiệu quả từ thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, khâu mở rộng thị trường tiêu thụ đang được các chủ thể chú trọng nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Trung bình mỗi năm có trên 100 sản phẩm được đánh giá, phân hạng trong chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Riêng năm 2023, có 11 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao, 4 sao; trình Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp Trung ương xem xét công nhận sản phẩm OCOP cấp Quốc gia (5 sao) đối với 02 sản phẩm gồm: Nhóm Hộp quà tặng mây tre và Nhóm Đèn bàn mây tre của Công ty TNHH Đức Phong; công nhận 4 sao đối với 06 sản phẩm đánh giá lại là rượu Mú Từn của Công ty THHH Long Lưu, Hương trầm Liên Đức của Công ty THHH Hương trầm Bảy Lương, 3 sản phẩm trà túi lọc cà gai leo, trà túi lọc dây thìa canh, trà túi lọc Giảo Cổ Lam của Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát, Nước mắm hạ thổ của Công ty cổ phần Thủy sản Vạn phần Diễn Châu; 01 sản phẩm nâng hạng là Giò bê Lâm Ngọc của Hộ kinh doanh Giò bê Lâm Ngọc; 02 sản phẩm đánh giá lần đầu là Nhóm Gương mây tre của Công ty TNHH Đức Phong và nước mắm Cửa Lò CL28, Cửa Hội CH20, CH25 của Công ty cổ phần Thủy sản Nghệ An. Sản phẩm đạt các hạng sao nêu trên được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận và được sử dụng tem, nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao đạt được in trên bao bì sản phẩm; được thưởng theo quy định và kết quả đánh giá phân hạng có giá trị trong 3 năm. 

leftcenterrightdel

Ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, trưởng đoàn khảo sát của tỉnh thăm mô hình sản xuất hương trầm Thiết Hợi, đạt OCOP 3 sao ở thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu. Ảnh: Quang Minh

Một trong những vấn đề quan trọng giúp sản xuất ổn định, gia tăng giá trị sản phẩm là tìm đầu ra ổn định thông qua quảng bá sản phẩm OCOP để tìm kiếm thị trường. Xác định điều này, tỉnh Nghệ An cũng đã tìm kiếm nhiều giải pháp, cách làm để đưa sản phẩm có chất lượng đến với người tiêu dùng. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn tỉnh đã phối hợp với Công ty cổ phần giải pháp chuyên gia Star Global ở TP Hồ Chí Minh xây dựng trang https://nghean.ocop360.vn giới thiệu 23 sản phẩm OCOP đặc trưng bằng hình thức 3D, tạo không gian thực tế ảo cho mọi người trải nghiệm. Đây chỉ là bước đầu để triển khai quảng bá trên hệ thống mạng xã hội, giúp người sản xuất sản phẩm OCOP và người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy nhau, tăng đầu ra cho sản phẩm OCOP xứ Nghệ. Có không ít HTX trên địa bàn Nghệ An đã ổn định đầu ra cho sản phẩm OCOP nhờ kết nối cung - cầu.

Tại Diễn đàn "Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khu vực kinh tế tập thể, HTX năm 2024" vừa diễn ra tại TP. Vinh, nhiều HTX trên địa bàn Nghệ An như: HTX Sen quê Bác (Nam Đàn); HTX bò giằng Thảo Hảo (Tương Dương); Công ty Hadalyfa Cửa Hội… đã ký kết với Công ty Lotte Vinh để tiêu thụ sản phẩm.

Đại diện HTX Sen quê Bác cho biết, từ lâu nay, HTX có nhiều giải pháp khai thác tiềm năng và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đó là xây dựng các tour du lịch trải nghiệm, kết hợp tham quan Làng Sen với các hoạt động trải nghiệm về cánh đồng sen, chế biến sản phẩm từ sen như làm bánh, làm trà; tạo các điểm bán hàng lưu niệm tại các điểm du lịch, sân bay, nhà ga để quảng bá, giới thiệu đến với các tầng lớp khách hàng. Ngoài ra, HTX còn quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội, website và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt, qua tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do Liên minh HTX tỉnh tổ chức, như các hội chợ; diễn đàn kết nối cung - cầu…, sản phẩm của HTX đã được nhiều doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận mở rộng, phát triển các kênh phân phối, hợp tác với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Cùng đó là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại. Đến nay, sàn giao dịch thương mại điện tử Nghệ An đã hỗ trợ được hơn 470 doanh nghiệp và thương nhân đăng ký thành viên tham gia và thiết lập gian hàng, thu hút trên 9,2 triệu lượt truy cập; giới thiệu và chào bán 3.723 các sản phẩm và dịch vụ. Hằng năm, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ, kết nối tiêu thụ khoảng 50.000 - 60.000 tấn cam, 20.000 - 30.000 tấn quýt, 25.000 - 30.000 tấn dứa quả, 5.000 tấn gừng, 5.000 tấn chanh, 800 tấn thủy, hải sản chế biến. Nhiều sản phẩm chế biến như trà dược liệu Pù Mát, sản phẩm bánh đa Đô Lương, lạc sen Diễn Châu, thủy sản biển Quỳnh Lưu, thủy sản Cửa Lò, giò bê Nam Đàn, tinh bột nghệ… Đến nay đã có nhiều sản phẩm đạt sao OCOP; nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã vào được hệ thống các chuỗi cung ứng siêu thị và các cửa hàng thực phẩm, bách hóa và các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đặc biệt, có sản phẩm chế biến từ nông sản đã tìm được thị trường xuất khẩu tại các nước Tây Á, Nhật Bản, Hàn Quốc...   

Nhằm phát triển thương hiệu OCOP, tỉnh cũng triển khai công nhận các mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An và TP Vinh đã phát triển được khoảng 30 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT - Cơ quan thường trực Chương trình OCOP tỉnh tham mưu tổ chức công bố công khai sản phẩm mới được xếp hạng. Đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất thực hiện việc sử dụng và in nhãn hiệu OCOP, thứ hạng sao lên bao bì sản phẩm được công nhận theo quy định; phối hợp với các địa phương thực hiện việc kiểm tra sản phẩm OCOP định kỳ hàng năm và đề xuất xử lý các sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn của Chương trình OCOP.

Quang Minh - Đức Mạnh