Nhiều ý kiến tâm huyết tại diễn đàn đều hướng đến việc tập trung đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP chất lượng, bền vững gắn với phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, qua diễn đàn lần này, với trách nhiệm là ngành được Chính phủ giao chủ trì thực hiện Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, Bộ NN&PTNT nhận thức được trách nhiệm và sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động để phát triển hơn nữa trong sản xuất và liên kết các sản phẩm OCOP.
Thương hiệu sản phẩm OCOP là gắn với các sản phẩm được sản xuất ở nông thôn, vì vậy, khi biết được các sản phẩm do người nông dân làm ra, sẽ có rất nhiều người thích mua. Điều đặc biệt là dù các sản phẩm đó đạt các tiêu chuẩn quốc tế nhưng để được công nhận là sản phẩm OCOP thì phải có ý kiến của hội đồng đánh giá (có sự tham gia của đại diện các ngành Khoa học Công nghệ, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp, Y tế) và kể từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, sau 3 năm, sản phẩm đó phải đánh giá lại chất lượng.
Du lịch nông nghiệp nông thôn đang trở thành xu thế trên thế giới, Việt Nam có thế mạnh này, vì vậy cần thiết phải xây dựng ngành kinh tế du lịch nông nghiệp nông thôn với các sản phẩm OCOP hỗ trợ cho chương trình, để tạo nên bản sắc, sắc thái cho du lịch nông nghiệp nông thôn.
Du lịch nông nghiệp nông thôn thì bắt buộc phải gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhiều nhà đầu tư đang bị nhầm lẫm khái niệm khi đề xuất được chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp để xây dựng homestay, bungalow, nhà hàng…
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, điểm chính của du lịch nông nghiệp nông thôn là sử dụng tối đa công năng trên diện tích đất nông nghiệp của chính người dân để khai thác du lịch. Khách du lịch khi trải nghiệm du lịch nông nghiệp nông thôn là để tìm hiểu, trải nghiệm về các hoạt động sản xuất nông nghiệp thực tế, hòa mình vào cuộc sống của người nông dân, chứ không phải để hưởng thụ các dịch vụ sang trọng như ở thành phố. Ở nhiều địa phương đang nhầm lẫn, đề xuất chuyển đổi đất nông nghiệp sang làm du lịch, như thế sẽ làm mất đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực.
Bộ NN&PTNT đã có nghiên cứu và bàn bạc với Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất sẽ đề xuất trình Chính phủ Nghị định về trang trại, trong đó cho phép điều chỉnh tỷ lệ đất nhất định được chuyển đổi mục đích trong các trang trại, các hợp tác xã để phục vụ mục đích làm du lịch nông nghiệp sinh thái, nhưng chỉ là tỷ lệ nhất định, chứ không chuyển đổi hết đất nông nghiệp.
Hiện nay, theo thống kê, trên cả nước đã có hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP. Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, các sản phẩm OCOP mới chỉ tập trung phát triển cung cấp cho thị trường trong nước, vì đây đều là những đặc sản của các địa phương, sản lượng còn hạn chế, tiêu chí ban đầu là đảm bảo giá trị và chất lượng chứ không chạy theo số lượng, chưa sản xuất ở quy mô lớn.
Đã đến lúc cần phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, cần liên kết các sản phẩm OCOP, các vùng sản xuất sản phẩm OCOP lại với nhau. Ông Nam cho biết, Bộ NN&PTNT rất ủng hộ và sẵn sàng chỉ đạo để liên kết với các doanh nghiệp xây dựng các điểm OCOP ở các địa phương, đồng thời mong muốn lãnh đạo các Sở NN&PTNT, Công thương tích cực phối hợp để xây dựng các chuỗi OCOP ở các địa phương để có sự gắn kết, liên hoàn với nhau.
Việc liên kết các sản phẩm OCOP, các vùng sản xuất OCOP sẽ giúp khắc phục được những hạn chế của mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún ở nước ta. Liên kết để trở thành tập đoàn, cơ sở vững mạnh, đáp ứng được với nhu cầu của thị trường, không chỉ trong nước mà tiến tới giới thiệu và xuất khẩu ra nước ngoài.