Vật liệu xây dựng bao gồm xi măng, thép xây dựng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, vật liệu xây và các loại VLXD khác có vai trò rất quan trọng, phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, nhà ở trong thiết kế và phát triển đất nước.
Các hoạt động sản xuất, tiêu thụ VLXD tác động đến việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.
Những năm gần đây, ngành VLXD nước ta gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng sản xuất, tiêu thụ và doanh thu đều giảm sút, dẫn đến nguy cơ tác động đến nền kinh tế và ảnh hưởng đến tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.
Nguyên nhân khó khăn được xác định do giá đầu vào sản xuất tăng, nguyên liệu sản xuất khan hiếm và chịu sức ép về bảo vệ môi trường; bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do tổng cầu trong nước và thế giới đều giảm, nhiều công trình xây dựng, dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng chậm triển khai, phải hoãn hoặc giãn tiến độ.
Ngoài ra, chi phí vận tải tăng cao; xuất khẩu Clinker, các sản phẩm VLXD sụt giảm do cạnh tranh gay gắt về giá bán sản phẩm từ các nhà sản xuất lớn trên thế giới, cộng với các quy định về hàng rào kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu; thị trường nội địa cạnh tranh gay gắt do sản phẩm nhập ngoại tăng lên đáng kể trong thời gian qua. Trong khi chính sách hỗ trợ chưa có, cộng với sức tiêu thụ trong nước, cũng như xuất khẩu suy giảm…
Tại tỉnh Yên Bái, các đơn vị sản xuất VLXD chủ yếu là xi măng, đá xây dựng, gạch, ngói không nung, cát, sỏi xây dựng… 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng sản xuất xi măng và clinker của tỉnh Yên Bái ước đạt 1,16 triệu tấn; tiêu thụ nội địa đạt 0,86 triệu tấn. Sản lượng sản xuất gạch đất sét nung đạt 35 triệu viên; tiệu thụ nội địa 33 triệu viên; sản lượng sản xuất gạch không nung đạt 45 triệu viên; tiêu thụ nội địa là 43 triệu viên; sản lượng thép sản xuất ước đạt 5.002 tấn, tiêu thụ ước đạt 4.918 tấn…
Qua tìm hiểu thực tế tại một số công ty sản xuất VLXD ở Yên Bái nhận thấy, các đơn vị này đều gặp phải khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như, Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, 9 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ của giảm khoảng 10%, bên cạnh đó, giá thành cũng giảm khoảng 8%.
Hay như, Công ty TNHH Quang Thắng chuyên sản xuất gạch không nung tại xã Văn Phú, thành phố Yên Bái, tỷ lệ sản xuất chỉ đạt khoảng từ 50 - 60% so với công suất thiết kế.
Bà Nguyễn Thị Hiệp, đại diện Công ty TNHH Quang Thắn cho biết, thị trường tiêu thụ sản phẩm gạch không nung trên địa bàn tỉnh Yên Bái có phần hạn chế do cạnh tranh về giá và nhiều nguyên nhân khác nên khi có đơn hàng công ty mới tổ chức sản xuất còn không thì đóng cửa ngừng hoạt động.
Còn tại mỏ đá Đại Phác, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, thực tế ghi nhận tại đây có hàng nghìn khối đá chờ tiêu thụ. Quản lý mỏ cho biết, đơn vị đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm vì sức mua của thị trường giảm đáng kể, nguyên nhân chủ yếu do cạnh tranh về giá và do mưa nhiều dẫn đến giảm lượng tiệu thu đối với khách hàng tiềm năng là nhà thầu thi công các dự án có vốn đầu tư công. Trong khi đó, chi phí sản xuất đầu vào như xăng, dầu, điện và chi phí vận tải đều tăng nên đơn vị chỉ duy trì sản xuất để giữ “chân” công nhân.
Một chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất VLXD tại Yên Bái cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn trong tiêu thụ VLXD đặc biệt là xi măng, do nhu cầu tiêu thụ nội địa tại tỉnh Yên Bái nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung giảm. Phần nữa là do nhu cầu của thế giới giảm, giá cước vận tải tăng cao, chính sách thuế xuất khẩu xi măng và clanhke tăng từ 5 lên 10%.
Đặc biệt hiện nay, sản phẩm xi măng cung vượt cầu, trong thời gian tới, ngành xi măng Yên Bái nói riêng và xi măng Việt Nam nói chung sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn bởi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh do công nghệ sản xuất khó cạnh tranh với nước bạn.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD, mới đây, ngày 26/8/2024, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28, trong đó, đề nghị: Rà soát các cơ chế, chính sách, thể chế để khuyến khích đầu tư phát triển ngành VLXD nhanh và bền vững, phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Cùng với đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay cho các khách hàng, trong đó có doanh nghiệp trong ngành VLXD theo quy định pháp luật.
Nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế về xuất khẩu sản phẩm clanhke xi măng để bảo đảm tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu mặt hàng này.
Tăng cường dự báo diễn biến trong và ngoài nước để chủ động có các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, giúp cho doanh nghiệp có các định hướng ổn định sản xuất, kinh doanh; chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái; mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, các công trình quốc phòng, an ninh, công trình biển và hải đảo phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế biển…