Giải trình trước Quốc hội sáng ngày 1/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, nhu cầu giảm lãi suất là mong muốn của doanh nghiệp khi vay vốn, Ngân hàng Nhà nước cũng mong muốn điều này.

Tuy nhiên, giảm lãi suất phải được xem xét trong tổng thể điều hành chính sách kinh tế vĩ mô để đảm bảo được đại cục về ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, theo bà Hồng.

2 lý do buộc phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao

Thống đốc nêu hai lý do khiến nền kinh tế buộc phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao những tháng cuối năm 2022, là áp lực khi lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh, mạnh. Ở trong nước, lạm phát bình quân tăng 3,15% và lạm phát cơ bản bình quân khoảng 5%, cao hơn nhiều mức 1,84% và 0,84% năm 2021.

“Lạm phát tăng nhanh từng tháng trong nửa cuối năm ngoái, nên điều hành tiền tệ không thể chủ quan”, bà Hồng nói.

Áp lực nữa là tiền đồng mất giá khi các nước thắt chặt tiền tệ, đồng USD tăng giá. “Thời điểm tháng 9, 10 năm ngoái, đồng Việt Nam áp lực mất giá lên đến 9 - 10%. Cho nên, khi đó, nếu không có những giải pháp linh hoạt và đồng bộ sẽ khó có thể ổn định được mức tỷ giá”, Thống đốc nói.

Nếu để đồng Việt Nam mất giá trên 10% thì điều gì sẽ xảy ra? Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định, doanh nghiệp sẽ vô cùng khó khăn, do sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài.

Nếu tỷ giá tăng cộng hưởng với mặt bằng giá thế giới tăng cao thì chi phí đầu vào sẽ tăng cao và chắc chắn lạm phát sẽ tăng cao. Chưa kể, doanh nghiệp nội địa vay một lượng lớn vốn nước ngoài, khi tiền đồng mất giá thì nghĩa vụ trả nợ sẽ tăng lên.

Bốn tháng đầu năm 2023, tỷ giá ổn định trở lại, lạm phát tăng thấp nên Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh lãi suất điều hành. Động thái này giúp mặt bằng lãi các khoản vay mới giảm bình quân 0,9% một năm so với cuối 2021.

Tương tự, cơ quan quản lý không thể nới room tín dụng vào thời điểm tháng 10/2022 do thị trường khi đó xảy ra vụ việc rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng SCB, nguy cơ lớn lan sang các ngân hàng khác trong hệ thống.

“Sự kiện rút tiền hàng loạt tại SCB chưa từng có trong lịch sử, nguy cơ tác động lan truyền đến hệ thống ngân hàng rất lớn. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước quyết định ưu tiên ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng và đảm bảo chi trả cho người dân”, bà Hồng nhấn mạnh.

Khi thanh khoản ổn định trở lại, Ngân hàng Nhà nước mới điều chỉnh hạn mức tín dụng.

“Những giải pháp, liều lượng chính sách và thời điểm được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc rất kỹ lưỡng. Tất cả để hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống và tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân, không vì mục tiêu nào khác”, theo Thống đốc.

Dư địa room tín dụng rất thoải mái, không bị chậm

Thừa nhận tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm nay tăng thấp, chỉ tăng 3%, nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng không phải do chính sách, mà do doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện cho vay.

“Dư địa room tín dụng rất thoải mái, không bị chậm, thanh khoản hệ thống rất dư thừa, không có lý do gì để các tổ chức tín dụng huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền mà doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn lại không cho vay”, bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Theo phân tích của Thống đốc, có loại doanh nghiệp không có đầu ra và đơn hàng thì giải pháp là tháo gỡ khó khăn đầu ra theo hướng “khai thác thị trường nội địa 100 triệu dân để thay thế cho sự suy giảm của cầu nước ngoài”.

Còn doanh nghiệp và rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn sau đại dịch, không đủ điều kiện vay vốn, không thể tiếp cận được vốn ngân hàng thì cần có các giải pháp để cải thiện điều kiện vay, có thể thông qua các chính sách như bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp…

Với bất động sản, tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức chung của nền kinh tế, nhưng khó khăn thị trường hiện nay 70% là pháp lý nên tập trung tháo gỡ pháp lý, kích thích tín dụng cho xây dựng, bất động sản và người mua nhà.

Bà Nguyễn Thị Hồng cho hay, khi điều kiện thuận lợi và cầu tín dụng thấp, Ngân hàng Nhà nước điều hành duy trì thanh khoản dồi dào, đưa ra thông tư cho phép giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu nhóm nợ. Đồng thời, yêu cầu ngân hàng giảm thủ tục hành chính, cho vay trên cơ sở phương án khả thi, không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo.

Về vấn đề tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, bà Hồng nói đây là việc tồn đọng và rất khó xử lý, mong đại biểu Quốc hội thấu hiểu, chia sẻ.

“Tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã rất khó rồi, trong điều kiện khó khăn như thế này lại càng khó hơn”, Thống đốc cho hay, ngay khi nhận nhiệm vụ, Thủ tướng đã yêu cầu phải tiến hành quyết liệt các giải pháp để tái cơ cấu.

Đến nay, các ngân hàng yếu kém đã trình xin chủ trương cấp có thẩm quyền và Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, các ngành đang thực hiện các bước theo đúng chủ trương của cấp có thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Hương Giang