Thông tin liên quan đến việc triển khai xác thực sinh trắc học ngành Ngân hàng được nêu tại họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước diễn ra sáng 23/7.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, cho biết cập nhật đến ngày 22/7, có 26,3 triệu khách hàng đã xác thực sinh trắc học thông qua căn cước công dân gắn chip.

Trong đó, 22,5 triệu người dùng qua ứng dụng, 3,8 triệu làm tại quầy. Ngoài ra, 37 tổ chức tín dụng triển khai chính qua ứng dụng di động, 47 tổ chức tín dụng thực hiện tại quầy, 25 tổ chức tín dụng được gửi dữ liệu qua Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an.

Ông Tuyên nói: "Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt. Có 7 thông tư được ban hành hướng dẫn các tổ chức tín dụng, trong đó Thông tư 17 và Thông tư 18 quy định về sử dụng tài khoản thanh toán và thẻ ngân hàng”.

Các thông tư này quy định chỉ được rút tiền thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản khớp chiếu với giấy tờ tùy thân hoặc sinh trắc học của chủ thẻ.

Ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, cho biết, từ ngày 1/7 khi Nghị định 2345 có hiệu lực, đã xuất hiện hiện tượng giả danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ, gọi điện để giúp khách hàng thực hiện sinh trắc học. Các đối tượng dẫn dụ khách hàng xác thực qua đường link, ứng dụng lạ để chiếm quyền sử dụng điện thoại rồi chiếm đoạt tiền.

Theo đại diện Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã lập tức có văn bản hướng dẫn, cảnh báo để các ngân hàng truyền thông và có giải pháp xử lý.

"Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng cảnh báo tới khách hàng. Khách hàng chỉ cập nhập sinh trắc học qua ứng dụng chính thức của ngân hàng hoặc tại quầy, không cung cấp qua bất kỳ đường link hoặc ứng dụng lạ nào. Khách hàng cần được hướng dẫn để có kỹ năng cơ bản như không ấn đường link, cài ứng dụng lạ, không cấp quyền cho đối tượng xấu để phá khóa, chiếm quyền điều khiển. Không cung cấp thông tin cá nhân hay mã OTP cho bất cứ ai. Đồng thời nâng cấp phần mềm kịp thời để bảo vệ”, vị này thông tin.

Đại diện Cục Công nghệ thông tin nhấn mạnh, ngành Ngân hàng triển khai nhiều giải pháp như làm sạch tài khoản, áp dụng biện pháp xác thực mạnh trong giao dịch (sinh trắc, OTP…), áp dụng cơ chế giám sát giao dịch bất thường để xử lý kịp thời, tránh việc người dân mất tiền vào kẻ xấu.

“Ngành Ngân hàng áp dụng cơ chế giám sát các giao dịch bất thường. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang thí điểm giám sát tài khoản nghi ngờ gian lận giả mạo các tổ chức tín dụng". Các tổ chức tín dụng sẽ thông báo thông tin nghi ngờ giả mạo về Ngân hàng Nhà nước. Nếu xác định bất thường, giao dịch có nguy cơ về gian lận, giả mạo sẽ bị chặn hoặc yêu cầu bắt buộc phải xác thực để thực hiện giao dịch.

Nguyễn Điểm