Nghị quyết của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký, quyết nghị thông qua đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT, như đề nghị của Bộ Tài chính tại tờ trình trước đó.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội theo đúng quy định; chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.

Nghị quyết của Chính phủ cũng quyết nghị việc giao cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký tờ trình của Chính phủ, để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Đồng thời kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng dự thảo nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp vào tháng 5/2023.

Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan cho Bộ Tư pháp theo quy định, đảm bảo tiến độ báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nghị quyết của Chính phủ cũng lưu ý, trong tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo nghị quyết của Quốc hội giảm thuế VAT, cần bổ sung nội dung Chính phủ trân trọng đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về chủ trương giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, trong quá trình báo cáo Bộ Chính trị về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tại tờ trình Chính phủ trước đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế VAT với hàng hoá, dịch vụ có thuế suất 10%. Cơ sở kinh doanh khi xuất hoá đơn sẽ được giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm để tính thuế. Chính sách này dự kiến áp dụng đến hết năm 2023.

Với đề xuất giảm thuế VAT lần này, Bộ Tài chính ước tính, ngân sách giảm thu 5.800 tỷ đồng mỗi tháng và 35.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm nay.

Năm ngoái, giảm thuế VAT về 8% cũng được Chính phủ áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch.

Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng tiếp chính sách này năm nay là cần thiết nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi và đóng góp trở lại ngân sách.

Thực tế, từ tháng 10/2022, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, tạo sức ép với kinh tế Việt Nam. GDP quý I/2023 tăng 3,32%, tương đương cùng kỳ 2020 - thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Số lượng doanh nghiệp thành lập, quay lại thị trường đạt 57.000 đơn vị, lần đầu thấp hơn số rút lui 62.000. Nhiều doanh nghiệp khó khăn, buộc phải giãn việc, hoặc giảm lao động.